Những người sành điệu trong làng cây cảnh còn cho rằng, bên cạnh cây la hán tùng còn có cây vạn niên tùng, rất dễ nhầm lẫn với ai chưa có kinh nghiệm.
La hán tùng (tùng la hán) chính là cây thông tre lá ngắn được công bố trong các tài liệu thực vật học, đa dạng sinh học, quản lí tài nguyên thiên nhiên... Cách gọi này bắt nguồn từ tên cây thông tre, thuộc chi kim giao (Podocarpus) nhưng có lá ngắn hơn. Chính vì vậy, trước đây nó có tên khoa học là Podocarpus brevifolius (brevifolius = lá ngắn). Hiện nay, tên khoa học này được thay bằng một tên đồng nghĩa là Podocarpus macrophyllus.
Ở Việt Nam, cây mọc tự nhiên trong rừng lá rộng thường xanh nhiệt đới và á nhiệt đới thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hà Tây, Hòa Bình… và được trồng làm cảnh khắp nước. Cây thường xanh, trong điều kiện tự nhiên có chiều cao trung bình 10-15 m, đường kính thân 20-30 cm; cành non dày đặc, mọc vòng; vỏ mỏng, màu vàng xám, nhẵn, bong thành từng sợi, vỏ trong màu nâu tối. Lá mọc gần đối, dày dần ở đầu cành, hình bầu dục dài dạng lưỡi mác, dài 1,3-3,5 cm, rộng 0,3-0,5 cm, đầu có mũi tù, đáy hình nêm, mép phiến hơi uốn xuống phía mặt dưới, mặt trên màu lục, mặt dưới màu lục nhạt, gân chính nổi lên cả 2 mặt, cuống ngắn. Thường thì lá non có màu xanh lá mạ, nhưng nhiều cây ở vùng Tây Bắc lá non có màu đỏ vỏ cua. Hiện tượng này có thể là một thích ứng với điều kiện thời tiết cũng có thể là đặc điểm của giống. Cây được nhân giống từ hạt hoặc giâm cành, ưa sáng toàn phần nhưng chịu rợp được, thích ẩm nhưng không chịu úng, cành dẻo, dễ uốn nắn nên dễ tạo dáng thế, rất thích hợp với việc tạo cây bonsai. Cây cũng thường được trồng đất để trang trí những không gian hẹp vì cây có tán gọn.
Ở Huế, cây được trồng nhiều ở các chùa Phật giáo, ở một số vườn cổ. Ngay trong khuôn viên cung Diên Thọ hiện còn một cây cổ thụ, được nhiều người đánh giá là được trồng từ trăm năm về trước.
Riêng vạn niên tùng thì có thể là một tên gọi bao trùm luôn cả hai loài khác nhau. Nhìn chung thì nhiều người chơi cây cảnh cho rằng, cây vạn niên tùng có lá dài hơn la hán tùng và hạt của nó không có dạng như tượng la hán. Với cách nhìn nhận đó thì vạn niên tùng là loài thông tre Tàu (Podocarpus chinensis). Loài này có kích thước bé hơn la hán tùng, sinh trưởng chậm hơn và thường có dạng bụi; lá hình dải, dài 2,5-7 cm, rộng tương đương lá La hán tùng, màu xanh bóng, đầu tù, đáy thuôn hẹp. Loài này cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc, không phân bố tự nhiên ở Việt Nam, được nhập về làm cây cảnh. Cũng có một loài khác nữa, được cho là có nguồn gốc ở Philippines và hiện nay chỉ còn được gặp ở Đài Loan và đảo Calayan. Đó là lan tự la hán tùng (Podocarpus costalis), sinh trưởng rất chậm, và chỉ cao tối đa 3 m khi đạt tuổi thọ trên trăm năm. Một số tài liệu cũng cho rằng chính loài này là vạn niên tùng. Tuy nhiên, ở thị trường Việt Nam, cây vạn niên tùng có giá trị thương trường thấp hơn cây la hán tùng cũng cho chúng ta nhận định đó là loài thông tre Tàu, vì để có được cây lan tự la hán tùng không dễ chút nào, rất khó kiếm giống vì chúng tái sinh hạt rất kém, lại sinh trưởng quá chậm.
Đỗ Xuân Cẩm