Cách đây hơn chục năm, những công nhân của Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế phát hiện trong khuôn viên doanh nghiệp có bốn cây giống hệt như cây cọ, nhưng theo mô tả thì những cây này khác lạ so với cây cọ ở vùng nhiệt đới. Sự việc này sau đó đến tai ông Đỗ Xuân Cẩm.
Là người nghiên cứu lâu năm và có kinh nghiệm về loài cây, sau nhiều lần đến “tận mục sở thị”, thế nhưng ông vẫn chưa tìm ra nguồn gốc và tên tuổi của giống cây này. Ông Cẩm cho biết: “Mình chỉ đoán định được, nó thuộc họ gì đó rất gần với cây cọ dầu hay cây thốt nốt vốn quen thuộc ở Việt Nam”.
Sau nhiều năm tìm kiếm thông qua việc dịch các tài liệu của nước ngoài, hỏi han đồng nghiệp, bạn bè…, cuối năm 2007, ông Cẩm vui mừng khôn xiết khi tìm ra nguồn gốc của cây trên là cây người Pháp trồng trước đây. Đặc trưng của Chà là Canary là sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu khô, lạnh, đất nhanh thoát nước và không chịu úng. Nhưng qua nghiên cứu và thực tế bốn cây chà là ở Huế, chúng có thể chịu được những nơi có lượng mưa lớn từ 2.000-3.000 mm/năm, đất ẩm...
Sự héo úa của một trong bốn cây chà là
Sau khi giám định, trong bốn cây chà là có ba cây đực và một cây cái (chỉ những cây cái mới nhân giống được), ông Cẩm liền gấp rút kiến nghị Trung tâm Công viên Cây xanh Huế cho nhân giống với số lượng lớn. Thế là, năm 2009, 1.000 cây con được nhân giống thì chỉ còn sót lại 100 cây. Ông Cẩm đã tổng hợp lại, viết thành những bài báo cáo khoa học gửi đi các tạp chí, diễn đàn với mong muốn nhiều người biết đến và phát triển loài cây này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không lâu sau khi tìm thấy loài cây này, trụ sở Công ty Xăng dầu tỉnh nhượng sở hữu sang cho Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Petrolimex Huế với dự án xây Khách sạn Xăng dầu nên bốn cây Chà là quý đành phải nhường chỗ, chịu cảnh “di tản” và được đưa đi trồng thuê tại Trung tâm Văn hóa Việt - Nhật (đường Lâm Hoằng, Vĩ Dạ, Huế).
Đáng tiếc là, khi di chuyển bốn cây này, không một ai tham khảo ý kiến của ông Đỗ Xuân Cẩm. Bởi, “Nếu không đảm bảo được yếu tố kỹ thuật và khoa học trong khi bứng cây, vận chuyển, rồi trồng lại thì cây rất dễ bị mất sức và chết” - ông Cẩm cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Dĩnh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Petrolimex Huế cho hay, khoảng ba năm nữa sau khi khách sạn xây xong, bốn cây chà là trên sẽ được đưa về trồng trong khuôn viên. Trước đó, lúc dời cây lên Trung tâm Hữu nghị Việt - Nhật, doanh nghiệp phải thuê người và sau này, họ sẽ dời về chỗ cũ trong điều kiện cây vẫn sống tốt.
|
Quả đúng như vậy, theo “mục sở thị” của chúng tôi, bốn cây này đang bị úa vàng, những vảy lớn hình kim cương bị tróc, thân cây thì sần sùi và mất vẻ đẹp thẩm mỹ của chúng. Tuy nhiên, điều mà ông Cẩm lo lắng hơn là ở vùng Vĩ Dạ thấp trũng, mùa mưa bão đang còn tiếp diễn. Do đó, số phận bốn cây quý này rất dễ rơi vào cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Thêm nữa, bốn cây cổ thụ quý hiếm trên sẽ là tài sản chung để các nhà khoa học nghiên cứu, bảo tồn và phát triển hay vẫn tài sản riêng của Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Petrolimex Huế?!
Nhìn cảnh tượng bốn cây Chà là Canary cổ thụ quý hiếm duy nhất ở Việt Nam đứng chơi vơi trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa Việt - Nhật trong cảnh “ở trọ”, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Bài và ảnh: Khánh Trần