Cây Lôi khoai ở xã Phú Vinh, huyện A Lưới
Đó là một loài cây gỗ rụng lá vào cuối đông rồi nảy lộc vào giữa mùa xuân, có thể cao 20 - 30 m. Lá kép lông chim chẵn hai lần, cuống cấp một dài 25 - 40 cm, mang 4 - 6 cặp cuống cấp hai, mỗi cuống mang 8 - 12 cặp lá chét thon, dài 3 - 5 cm. Hoa dạng chùm dài 5 cm, có lông phủ dày, tràng hoa tim tím, 10 nhị. Quả dạng quả đậu, nâu đen, dài 12 cm, chứa 4 - 8 hạt, kích thước hạt 15 x 12 mm.
Theo Gs. Phạm Hoàng Hộ, đây là cây "Lôi khoai", tên khoa học là Gymnocladus angustifolia (Gagn.) J.E. Vid., thuộc phân họ Vang - Caesalpinioideae, họ Đậu - Fabaceae, bộ Đậu - Fabales, lớp Ngọc lan - Magnoliopsida, ngành Ngọc lan - Magnoliophyta, gặp ở Tam Đảo.
Do cây có lá kép lông chim, dạng như lá cây Lim xanh, nhưng khi non có màu đỏ son chói lọi, nên anh em lâm nghiệp ở Vườn QG Bạch Mã đã gọi nó là "Lim lửa". Cái tên này cũng hay, vì chính nhà thực vật học người Pháp Gagnepain xếp nó vào chi Lim xanh - Erythrofloeum (Lim xanh) với tên khoa học là Erythrofloeum angustifolium (Gagn) và từ đó cũng đã có nhiều người gọi là Lim lá thắm, thậm chí là Lim xanh lá thắm.
Một cụm cây Lôi khoai ở xã Nhâm, huyện A Lưới
Khi nhìn màu sắc đỏ thắm của loài cây này từ xa, người ta mường tượng như những cây Phong ở Nhật Bản, Hàn Quốc... hay cây Thích nảy lộc vào xuân ở đỉnh núi Bà Nà. Không ít du khách đã dừng xe, chọn góc nhìn để lấy cho được vài ba kiểu ảnh. Càng chụp cận cảnh, người chụp càng ngạc nhiên. Bởi khi thoạt nhìn cứ tưởng một vòm hoa nở rộ của một loài cây gì đó, nhưng khi nhìn kỹ qua những tấm hình đặc tả mới hiểu rằng đó là màu lá.
Từ những năm 1992 - 1993, lần đầu tiên tiếp cận, chúng tôi đã mong muốn dẫn giống nó về trồng thử nghiệm bổ sung vào hệ thống cây xanh đô thị Huế, nhưng chưa có điều kiện. Sau đó, chúng tôi rất vui khi thấy Trung tâm Công viên Cây xanh Huế đã lấy hạt giống từ A Lưới về ươm, kết quả đã tạo ra hàng loạt cây con mọc khỏe, đã đưa trồng ở các công viên dọc hai bờ sông Hương và một vài công viên khác trong thành phố và gọi cho nó cái tên là "cây Lá thắm". Đến nay, có nơi cây cao 1,5 - 2 m, nhưng cũng có nơi cây đã cao được đến trên 3 m. Tuy nhiên, do điều kiện tiểu khí hậu không thích hợp lắm, nên lá non không nhuốm màu đỏ son như ở vùng nguyên sản, mà chỉ đỏ nâu hay đỏ da cam và cũng không nhuốm toàn cây, do vậy chưa hấp dẫn lắm.
Cây Lôi khoai ở công viên Nguyễn Văn Trỗi - TP Huế
Theo quy luật sinh học, trong vùng khí hậu á nhiệt đới, nhiều thực vật khi trải qua một thời gian sống có nhiệt độ môi trường thấp kéo dài trong năm, màu lá của chúng thay đổi mạnh qua các thời kỳ sinh trưởng, lá non đỏ thắm, lá trưởng thành màu xanh lục, đến lúc già cỗi sắp lìa cành thì lại đỏ hay vàng rực lên rất đẹp mắt. Cây Lôi khoai là một trong những ví dụ điển hình. Do vậy, những cây Lôi khoai dẫn giống từ A Lưới về thành phố Huế không khoe sắc lá đỏ son được như ở vùng núi cao. Đó là những kết quả bước đầu, cũng có thể do cây còn nhỏ bé. Dù sao cũng phải tiếp tục theo dõi, đến lúc cây trưởng thành mới kết luận chắc chắn được mức độ thích nghi của nó. Dù sau này nó không tạo được những vòm tán lá non đỏ son thắm đẹp mắt như ở vùng núi cao Bạch Mã, A Lưới thì cũng vẫn là những cây cảnh quan đẹp.
Khảo sát ở huyện A Lưới, chúng tôi thấy những cây Lôi khoai mọc ở độ cao 400 - 450 m so với mực nước biển luôn luôn khoe sắc lá đỏ thắm rực rỡ vào khoảng tháng 4 - 6 hàng năm. Thiết nghĩ, UBND huyện A Lưới nên tận dụng nguồn gen độc đáo này để trồng làm cây cảnh quan, vừa che bóng vừa tạo cảnh cho trục đường Hồ Chí Minh chạy qua địa phận thị trấn. Làm được như vậy sẽ tạo ra một nét đặc trưng, sau này chắc chắn sẽ tạo được ấn tượng cho du khách vảng lai. Hơn thế nữa, có thể xem nó là cây biểu tượng của thị trấn A Lưới, rồi đặt tên luôn là "Thị trấn Lôi khoai", "Thị trấn Lim thắm" hay "Thị trấn Lim lửa", cũng là một cách gây sự tò mò, thu hút khách du lịch.
Đỗ Xuân Cẩm