ClockThứ Hai, 19/07/2010 17:58

Sanh - một loài cây xanh có tuổi thọ cao, chống chịu tốt

TTH - Khi muốn tôn vinh về sự lão thành của một bậc cao niên trong một cộng đồng nào đó, những người trẻ tuổi thường dùng thành ngữ "cây đa cây đề". Đây là một thành ngữ mang tính truyền thống dân tộc của người Việt chúng ta. Điều này cho thấy, người xưa rất quan tâm hình ảnh cây đa, cây đề, là những cây có tuổi thọ cao, sức sống khỏe, tỏa bóng lớn, phân bố rộng rãi, thường được cộng đồng người Việt trồng ở sân đình, bến nước, những nơi công cộng, những điểm văn hóa... và được xếp vào nhóm cây văn hóa tâm linh.

Từ đó, dân gian cũng có câu "Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa". Tuy thế, nếu ai hỏi "cây đa đó là cây gì?" thì cũng khó xác nhận. Vì trong thực tế có quá nhiều loài đa, chẳng hạn như đa xanh, đa gáo, đa tía, đa lông, đa xoan, đa hạch, đa quả xanh, đa quả vàng, đa búp đỏ, đa cua, đa lá lệch... Chỉ loài đa búp đỏ không thôi cũng còn được gọi là đa cao su hay đa bút. Mà đâu chỉ thế, nhiều nơi người dân còn nhầm cây sanh, cây cừa với đa nữa cơ.

Trong lúc đó, ở thành phố Huế, có không dưới 20 loài cây tương cận, họ hàng với đa. Để phân biệt chúng rất khó. Lắm trường hợp phải dựa vào hình thái và cấu tạo của hoa chứ hình thái lá không chưa đủ, trong lúc hoa quá nhỏ và được dấu kín trong một quả giả hình cầu hay bán cầu. Việc làm này chỉ dành cho nhà phân loại học, còn đối với quần chúng nhân dân là không thể được. Tất nhiên, để độc giả có thể cảm nhận được một cách tương đối, chúng tôi sẽ vận dụng những đặc điểm hình thái, sinh thái và công dụng một cách khả dĩ nhất.


Sanh là loài cây có tuổi thọ cao

Sanh còn được gọi là Si, tên khoa học là Ficus benjamina thuộc họ Dâu tằm - Moraceae, tên tiếng Anh phổ biến là Weeping fig, Benjamin tree, Small-leaved rubber plant, và người Trung Quốc gọi là Thùy hiệp dung.
 
Đây là một loài cây gỗ thường xanh, rất ít rụng lá, có thể cao đến 20-25 m. Vỏ thân màu nâu xám, sần sùi. Cành mảnh, nhẵn, mềm mại, có xu hướng rũ xuống. Lá hình bầu dục, đáy lá nhọn, đỉnh lá có mũi hơi tù, hai mặt phiến lá nhẵn và bóng láng. Lá nhỏ, dài khoảng 30-70 mm, rộng khoảng 20-45 mm. Quả giả hình cầu, đường kính khoảng 6-8 mm, khi chín màu vàng da cam hay tím đỏ.
 
Cây phân bố rộng, có thể gặp từ Nam Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Quí Châu, Hải Nam, Vân Nam) qua Đài Loan, đến Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Bhutan, Nepal, New Guinea, Thái Lan, Bắc Australia, các đảo Thái Bình Dương và Philippines.
 
Ở Việt Nam, cây xuất hiện hầu hết ở các tỉnh thành, từ ven biển đến vùng núi cao. Cây ưa sáng và ẩm, mọc phân tán ven các khu rừng thứ sinh, dọc các sông suối...
 
Do cây có dáng đẹp, tỏa bóng rộng, sinh trưởng khỏe, tuổi thọ cao, chịu gió bão, chịu bán ngập nên được trồng làm cây bóng mát, tôn tạo cảnh quan khắp nơi. Sanh cũng là loài dễ cắt tỉa, uốn nắn, chống chịu tốt, có rễ phụ ít và mảnh nên đang được sử dụng làm cây cảnh bonsai phổ biến, giá thương trường cao, nhiều cây có giá hằng trăm triệu đồng.
 
Ở Huế, Sanh được trồng phổ biến ở nhiều nơi để tạo bóng và làm cảnh. Từ vỉa hè đường phố đến các công viên, công sở, nhà hàng, trường học... Trong số đó, nhiều cây đã đạt tuổi bách niên, thậm chí tên tuổi được người dân địa phương sử dụng thành một địa danh riêng biệt, như "Bến Cây Sanh" ở đường Bạch Đằng. Tính đến nay cây Sanh ở đường Bạch Đằng đó cũng ngấp nghé tuổi bách niên rồi, với đường kính gốc khoảng 2,4 mét, đường kính tán trên 30 mét. Một số cây Sanh cổ thụ khá đồ sộ khác có thể dễ dàng bắt gặp như, cây Sanh ở ngã ba Trần Hưng Đạo - Cầu Trường Tiền; cây Sanh ở công viên Lý Tự Trọng - cạnh Bia Quốc Học, cây Sanh ở ngã ba đường Nguyễn Trường Tộ - Ngô Quyền, cây Sanh ỏ sân Nhà hàng Festival - Lê Lợi... Đây là những cây Sanh cổ thụ đẹp rất đáng quan tâm bảo tồn. Chúng tôi mong rằng, trong quá trình cắt tỉa, bảo dưỡng, cần tiến hành đúng kĩ thuật lâm sinh để những lão tướng đó được trường tồn với thành phố Huế xanh của chúng ta.
 
Đỗ Xuân Cẩm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top