ClockThứ Hai, 19/07/2010 17:58

Sến Trung - một kiện tướng cao khều trong làng cây xanh xứ Huế

TTH - Sến Trung còn được gọi là Chà ran sến, Sến Hải Nam, Hồng hoa thiên liêu mộc; tên tiếng Anh là Hainan homalium; tên khoa học là Homalium hainanense, thuộc họ Mùng quân – Flacourtiaceae.

Do cùng họ với cây Mùng quân (nhiều người Huế gọi là Bần quân), nên hình thái là gần giống Mùng quân, phiến lá thon, mũi nhọn, lá non màu hồng nâu có đường viền đỏ.

Sến Trung là loài cây gỗ thường xanh, có thể cao đến 30-40 m; vỏ nhẵn, cành nâu, ngắn, mọc hơi ngang. Phiến lá thay đổi hình thái và màu sắc tùy độ chiếu sáng. Khi cây bị che bóng, lá xanh đậm, dày và lớn; ngược lại, khi cây được chiếu sáng toàn phần, lá xanh vàng, mép lá đỏ ửng lên. Sến Trung thường được nhiều người gọi là cây kiện tướng lêu khêu, vì cây có tán gọn, phát triển chiều cao nhanh, lúc trưởng thành tạo thành một trụ thẳng mang một vòm tán hình tháp, nếu mọc đơn lẻ ở những chỗ thoáng đản, nó vươn cao chọc trời, chơi vơi như cây phướn, cây cờ.
 
Thân Sến Trung rất thẳng, phù hợp không chỉ với việc trồng rừng nguyên liệu gỗ gia dụng, mà còn cho cả việc trồng làm cảnh quan để tôn tạo những không gian hẹp, bên những công trình cao tầng, dọc các hành lang dẫn vào các biệt thự. Nhưng chính do đặc điểm này, nhiều trường hợp cây trồng không tôn tạo được không gian cảnh quan theo mong muốn, do người trồng quên đi tính chất mảnh khảnh của cây.
 

Sến trung - kiện tướng cao khều trong làng xây xanh xứ Huế
 
Ở thành phố Huế đã có nhiều tuyến đường trồng Sến Trung làm cây cảnh quan và tạo bóng, nhưng chưa có nơi nào phát huy được tính năng của nó. Chẳng hạn như ở đường Hùng Vương nối dài, hai hàng Sến Trung sau mấy năm trồng đã phân hóa thành cây thấp, cây cao, cây cân đối, cây lêu khêu. Ở đường Lê Lai, cạnh văn phòng UBND Tỉnh, một cây Sến Trung lão thành chơi vơi, nghiêng mình thách thức với tạo hóa. Trên đường Ngô Quyền cũng vậy, một cây Sến Trung lạc lõng, mảnh khảnh, lêu khêu như cố hết sức bình sinh vươn mình theo sự lên tầng của khách sạn “Parview Hotel”.
 
Theo tôi, Sến Trung là một nguồn gen lục hóa đô thị quí, nhưng với những vỉa hè có nhà thấp tầng hoặc có công trình điện trên không thì sau trồng cần theo dõi để bấm đọt cho cây. Làm thế chúng ta sẽ tạo tán theo ý muốn, hạn chế cây vươn vọt lên trời, giúp cây phát triển cân đối, tạo ra hàng cây đẹp hơn. Ưu thế của Sến Trung là thân rất thẳng, như vậy khi trồng trên vỉa hè, cây so cây tạo một hàng cây thẳng tắp đẹp mắt. Cũng cần thấy rằng, cây có ưu thế phát triển chiều cao nên rất cần bộ rễ cọc mạnh để chống chịu với gió bão, úng ngập, khi đưa trồng cần giữ được rễ cọc cho nó.
 
Ở Huế, Sến Trung được trồng nhiều trong vườn nhà, vườn chùa nhất là ở các vườn nhà, vườn chùa vùng đồi thuộc các xã Hương Thọ, Thủy Bằng, Thủy Xuân… Tại đây, nhiều cây Sến Trung cổ thụ vót mình thẳng tắp, cao đến vài ba chục mét trông rất hoành tráng, đẹp mắt. Sến Trung phân bố tự nhiên ở Việt Nam, Nam Trung Quốc, Lào, Sri-Lanka. Ở Việt Nam, cây mọc phổ biến từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế.
 
Nghe nói đến Sến, nhiều người thường nhầm tưởng đây là loài Sến trong nhóm tứ thiết “Đinh, Lim, Táu, Sến”. Thật ra, Sến trong nhóm tứ thiết là Sến mật (Madhuca pasquieri), thuộc họ Xa-pô-chê. Chất lượng gỗ của Sến Trung không sánh vai được với Sến mật, nhưng cũng khá tốt, vân gỗ xoắn, kết cấu mịn, chất gỗ cứng, nặng, dễ chế biến, ít bị mối mọt, thường được dùng đóng tàu thuyền, làm tà vẹt, xây dựng…
 
Đỗ Xuân Cẩm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top