ClockThứ Năm, 12/05/2011 05:23

Trúc đùi gà - loài tre kiểng có ngoại hình độc đáo

TTH - Trong đời sống văn hóa và kinh tế, cây tre luôn đồng hành với mọi hoạt động của cộng đồng người Việt. Biết bao người từ lúc chào đời cho đến lúc an nghỉ vĩnh hằng không thể tách rời cây tre.

Trúc đùi gà thuộc phân họ tre – Bambusoideae, họ hòa thảo – Poaceae, với tên khoa học là Bambusa ventricosa. Tính ngữ trong tên khoa học đã phản ánh đúng đặc điểm độc đáo của nó – bụng phình. Trúc đùi gà là một loài cây đa niên, có thân mọc ngầm dưới đất, còn phần dân gian thường gọi thân, đúng ra là cành hay gọi cách khác là thân khí sinh. Thân khí sinh của các loài tre phân lóng rất rõ, nhưng hầu hết đều có dạng hình trụ tròn, thuôn; chỉ riêng trúc đùi gà thì mỗi lóng đều có đoạn dưới phình lớn, trông như cái đùi gà hay bụng của phật Di Lặc vậy. Không hiểu có phải do có người chọn những lóng có kích cỡ thích hợp để làm ống điếu hút thuốc hay nghĩ rằng có có dạng như ống điếu mà đặt cho nó cái tên khác là trúc ống điếu hay không. Khi cây mọc ở đất, cây thường cao vài ba mét, đường kính 3-5 cm; nếu điều kiện dinh dưỡng đất tốt thì thân khí sinh có thể cao trên 10 m. Khi được trồng trong chậu thì chiều cao và đường kính của nó có thể nhỏ hơn rất nhiều. Lúc còn non, vỏ thân khí sinh có màu lục sẫm, trơn nhẵn, có phủ một ít phấn trắng; khi già, vỏ thân khí sinh chuyển dần qua màu xanh vàng. Chiều dài các lóng không đồng nhất, kích thước không đồng đều. Nhánh thứ cấp thường mang từ 7-10 lá, phiến lá hình trứng thuôn hay ngọn giáo, đầu nhọn, gốc tròn hay hơi hìn tim, mặt trên phiến không lông, mặt dưới phiến có lông; cuống lá rất ngắn. Rất ít khi cây ra hoa.


Trúc đùi gà được cho là có nguồn gốc ở Nam Trung Quốc và Việt Nam, phân bố rộng rãi ở nhiều vùng nhiệt đới. Người ta cũng tìm thấy trúc đùi gà ở Nam California và Florida.
Đây là loài cây kiểng đặc trưng, ngoài việc trồng tôn tạo cảnh quan hoặc vài nơi sử dụng thân khí sinh già của nó làm gậy thì hầu như chẳng còn sử dụng cho bất kỳ một công việc nào khác.
Để tạo cảnh, người ta trồng trúc đùi gà ở nhiều không gian mở khác nhau. Có thể chọn trồng đất ở các công viên thành từng khóm hay thành từng hàng. Ở nhiều tư thất, sân vườn cơ quan, đình chùa… ngoài cách trồng đất, chủ vườn còn trồng chậu để dễ sắp xếp trang trí đồng thời cũng giữ được dáng dấp của thân. Do tính đặc trưng về ngoại hình, trúc đùi gà nếu được trồng thành hàng sẽ phát huy giá trị thẫm mỹ cao hơn trồng thành khóm, thành bụi dày đặc. Khi trồng chậu, nên chọn những khóm thưa cây, nếu nó đẻ nhánh nhiều cũng nên điều tiết để làm sao không quá dày đặc, chen chúc, che chắn lẫn nhau.
Trúc đùi gà ưa ánh sáng toàn phần, chịu được khô hạn và đất nghèo dinh dưỡng. Chính điều kiện đất đai khô cằn và ánh sáng toàn phần đã giúp cho các lóng thân phình lớn. Nền đất trồng có độ phì cao và ẩm ướt thường xuyên sẽ làm cho cây tược, các lóng thuôn dần, mất vẻ đẹp đặc trưng vốn có của nó. Nhưng để cây đẹp mã, vừa có lóng phình vừa mướt da, xanh lá cần chọn nơi có đất thông thoáng, dễ thoát nước, để dễ chủ động điều tiết việc tưới tiêu và bón phân bổ sung.
Muốn nhân giống trúc đùi gà người ta tách thân ngầm (dân gian gọi là bèo tre).
Ở Huế, cây trúc đùi gà tuy không được trồng phổ biến như nhiều loài cây cảnh khác, nhưng chúng ta vẫn có thể tìm thấy ở một số vườn cảnh.
Đỗ Xuân Cẩm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top