Vào khoảng năm 1970, nhà thực vật học người Pháp André Michaux đã dẫn giống tử vi từ Trung Quốc vào Charleston, South Carolina. Hiện nay, ngoài vùng nguyên sản và miền Nam nước Mỹ, Tử vi được trồng làm cây cảnh hầu khắp các vùng nhiệt đới châu Á, như Bangladesh, Bhutan, Cambodia, India, Indonesia, Lào, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam…
Nhiều người Việt chúng ta thường gọi nhầm tử vi thành tên tường vi. Thật ra, Tử vi và Tường vi là hai loài hoa không có mối quan hệ họ hàng thân thuộc, ngay trong Đại Nam nhất thống chí trước đây cũng đã phân biệt hai loài rạch ròi. Tường vi là một loài cây dạng bụi trườn, thân có nhiều gai, lá kép, phiến lá xanh thẩm, mép phiến có răng cưa; ngày xưa thường được trồng tựa các bờ tường rào hay tường nhà, nên đã được gọi tên Tường vi, thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae). Tử vi là loài cây dạng bụi đứng hoặc dạng gỗ nhỏ, thân nhẵn, không gai; lá đơn nguyên, mọc đối, phiến hình xoan màu xanh sáng, mép trơn nhẵn; hoa mọc thành chùm dày đặc đầu cành khiến cành mang hoa thường có khuynh hướng trĩu xuống, cánh hoa thon mảnh, mép cánh hoa gợn sóng, chỉ nhị dài, bao phần thon, màu vàng; thuộc họ bằng lăng (Lythraceae), với tên khoa học là Lagerstroemia indica, tên tiếng Anh là Crape myrtle.
Ở Huế, tử vi xuất hiện rất sớm, có lẽ từ thời Minh Mạng, do nhà vua nhập từ Trung Quốc về trồng ở các vườn thượng uyển. Đến năm Minh Mạng thứ 17, nhà vua cho khắc vào Cao đỉnh (một trong 9 đỉnh của bộ Cửu đỉnh ở Đại Nội, cố đô Huế). Từ đó, các quan lại dẫn giống trồng ở các vườn phủ đệ, dần dần lan rộng ra khắp các vườn nhà dân. Ngày nay, tử vi được đưa trồng nhiều ở các công viên như Phú Xuân, Thương bạc, Lý Tự Trọng..., sân vườn các công sở, trường học. Ở Huế có hai giống tử vi, khác nhau ở màu sắc hoa. Một giống cho sắc hoa hồng thắm, một giống cho sắc hoa hồng nhạt phớt tím (màu hồng phấn).
Tử vi có cành nhánh dẻo, dễ uốn nắn tạo dáng, khả năng đâm chồi mạnh, nên có thể trồng trong chậu để làm cây bonsai. Có thể nhân giống bằng hạt hoặc cành. Cây không kén đất, thích ẩm, nhưng không chịu úng, thích ánh sáng toàn phần, nhưng ít chịu hạn, những lúc khô hạn kéo dài, lá cây thường bị khô cháy. Khi trồng chậu cần chăm sóc kỹ lưỡng, bón phân đầy đủ để cây đẹp mã. Vào độ cuối đông, đầu xuân, nên cắt tỉa những nhánh khô cằn, những nhánh đã tàn hoa, để cây đâm chồi, tạo nhánh mới, rồi bón thúc phân, tưới đủ ẩm thì vào đầu hạ cây sẽ sai hoa, hoa thắm sắc.
Đỗ Xuân Cẩm