ClockThứ Năm, 01/03/2012 13:11

Vì sao cây hồng kỳ mang tiếng “kẻ xâm lăng thầm lặng”?

TTH - Hồng kỳ còn có tên sò đo cam, hoa chuông đỏ, tu-lip châu Phi... Đây là một loài cây gỗ thường xanh có nguồn gốc ở rừng mưa ẩm nhiệt đới miền Tây Châu Phi (Western Africa), có hoa dạng như hoa tu-lip nên có tên tiếng Anh là African tulip-tree. Do cây có hoa đẹp, nên ngay từ đầu thế kỷ thứ 20, nó đã được dẫn giống về trồng ở Singapore làm cây cảnh quan và che bóng, sau đó phát triển dần ở nhiều nước châu Á và Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, có lẽ cây được trồng đầu tiên ở Lâm Đồng và thành phố Hồ Chí Minh.

Ở Huế, Trung tâm Công viên Cây xanh đã dẫn giống trồng ở khuôn viên văn phòng công ty vào khoảng năm 1995, sau đó trồng thêm ở công viên Phú Xuân. Mãi cho đến trước năm 2011, cây hồng kỳ ở ngã sáu Hùng Vương vẫn là cây duy nhất trên vỉa hè đường phố từng gây ấn tượng cho cư dân đô thị Huế mỗi mùa ra hoa. Do vậy, gần đây nhiều công trình kiến trúc, nhất là một số khách sạn đã trồng hàng loạt. Giữa năm 2011, sau khi đường Lý Thường Kiệt được cải tạo, thành phố đã quyết định chọn nó trồng cho suốt dọc cả hai vỉa hè, với mong muốn sau khi định hình, đến mùa khoe sắc hai hàng cây sẽ làm cho con đường Lý Thường Kiệt nổi bật một sắc thái riêng.

 

Gần đây, đã có nhiều bài báo cảnh báo mặt trái của cây hồng kỳ, cho rằng hồng kỳ là kẻ xâm lăng thầm lặng. Một số nơi đã khuyến cáo hạn chế trồng và theo dõi, có biện pháp xử lý kịp thời những cây đã trồng. Từ đó, ở Huế nhiều luồng dư luận khác nhau cũng rộ lên, bàn tán về sự hiện hữu của cây hồng kỳ ở đường Lý Thường Kiệt.

 

 

Ai cũng biết, cây cho quả kiểu nang, mang rất nhiều hạt. Hạt nhỏ, nhẹ và có cánh nên phát tán rất rộng. Cây con tái sinh từ hạt rất khỏe. Ngoài ra cây còn tái sinh mạnh từ chồi thân hoặc chồi rễ. Khi bị tác động cơ giới (do gió, con người hay động vật), những cành nhánh gãy đổ nếu bị vùi lấp sẽ nảy chồi cho ra nhiều cây con. Rễ bị tổn thương cơ giới, bị gãy thành từng đoạn cũng nảy chồi tạo ra cá thể mới. Cây phát dục sớm, trung bình 3 - 4 năm tuổi đã cho hoa quả. Vì vậy, cây phát triển cá thể rất nhanh, chỉ trong vòng 5 - 10 năm, từ một cây mẹ có thể tạo ra hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cây con cháu bằng con đường phát tán tự nhiên. Do thân cây khó cháy, nên nhiều nơi đã trồng làm vành đai cản lửa bảo vệ các đồn điền cà phê hay bảo vệ rừng, từ đó cây sinh sôi nảy nở nhanh chóng khắp nương rẫy, vườn tược, bãi đất hoang... Những đặc điểm vừa nêu đã khiến cây trở thành một trong 100 loài sinh vật xâm hại trên thế giới (IUCN). Hiện nay, nhiều nước phát triển đã xem đây là loài cây xâm hại khó quản lý (Nhật bản, Hawaii, Fiji, Australia...).

 

Tuy thế, cũng cần xét điều kiện thực tế, không thể quy nạp máy móc để gây hoang mang dư luận. Cũng có người cho rằng, điều kiện thời tiết ở Huế đã khiến cây ít đậu quả nên khả năng lây lan khó xảy ra. Nói thế cũng chưa chặt chẽ, vì còn sự tái sinh từ rễ và chồi cành nữa. Nhưng nếu vội kết luận nó là đối tượng xâm hại cần loại trừ thì cũng vội vàng, thiếu cơ sở. Trong thực tế, đối với môi trường đô thị thì trước mắt cây khó có cơ hội bành trường vì đường phố và vỉa hè đã bê-tông hóa, nhưng về lâu về dài, khi chúng ta trồng mở rộng và buông lỏng quản lý thì nó vẫn có thể phát triển cá thể qua các sân vườn, bãi bồi, đất hoang. Còn đối với môi trường miền núi thì nguy cơ xâm hại là rất cao, vì ở đó môi trường đất đai rộng lớn, đất hoang nhiều, công tác quản lý thường không chặt chẽ.

Như vậy, trước mắt tuy chưa có kết luận mang tính quốc gia rằng cây hồng kỳ là “loài xâm hại”, nhưng “nguy cơ xâm hại” thì không thể loại trừ. Thiển nghĩ, cần tiên lượng cho thời gian vài ba chục năm sau chứ không chỉ thấy trước mắt, cần hạn chế mở rộng vùng trồng, không đưa trồng ở các đô thị miền núi, đồng thời sớm có biện pháp kiểm soát thích hợp, khuyến cáo người dân đặc biệt là khu vực miền núi không trồng tự phát.

Đỗ Xuân Cẩm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top