ClockThứ Năm, 17/06/2010 14:41

Còn “chiến đấu” là còn say nghề

TTH - Cạnh tranh, nguy hiểm, thách thức... Đó là những gì mà các nhà báo ở “điểm nóng” phải vượt qua để đưa thông tin kịp thời nhất đến với bạn đọc và bạn xem đài.
Đua tranh tại festival
 
Festival Huế được xem là sự kiện lớn ở Huế. Đến hẹn, hàng trăm phóng viên đổ về tác nghiệp khiến không khí lễ hội như sôi động, hào hứng hơn. Ngoài chuyện “lùng” được thông tin hay, độc; săn được bức ảnh đẹp cũng là điều để cánh báo chí tự hào về “đẳng cấp” chuyên nghiệp.
 
Trong những lần tác nghiệp tại lễ khai mạc và bế mạc Festival Huế, cánh phóng viên báo in luôn khó chịu vì lực lượng truyền hình trực tiếp án ngữ trước sân khấu. “Ảnh biểu diễn nghệ thuật hoành tráng là thế nhưng không dùng được vì tiền cảnh luôn xuất hiện hai ông áo đen của nhà đài”, phóng viên một tờ báo ảnh chinh chiến tại festival 2008 bức xúc. Kêu ca nhiều lần với ban tổ chức nhưng không xoay chuyển được tình thế, anh em phóng viên đành linh động tác chiến theo cách riêng.
 
Trước ngày vào hội, nhiều phóng viên dành dụm sắm hẳn máy ảnh xịn trên dưới nghìn đô. Thế nên dân tình quá quen với cảnh cánh nhà báo ta nhường áo mưa che máy móc khi trời sụt sùi. Nhuận bút cả tháng của phóng viên còn bay vèo theo chân máy, ống tê lê.
 
Phóng viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh tác nghiệp tại Festival Huế - ảnh Tuệ Ninh
 
Nhưng có đồ nghề ngon chưa chắc đã có ảnh đẹp. Việc tìm được vị trí tác nghiệp tốt quyết định 50% thành công còn lại. Vậy là khai mạc lúc 8h nhưng trước đó 2,3 tiếng đồng hồ, một số người “cơm đùm gạo bới” đi “xí chỗ”; cùng dụng cụ tác nghiệp còn là mì ổ, nước suối, áo mưa. Có đồng nghiệp mang hẳn chiếc đòn gỗ để tranh thủ thưởng thức chương trình trong khi tác nghiệp.
 
Thấy đồng nghiệp hoành tráng, anh chị em cầm máy ảnh du lịch thường than thân trách phận. Dăm ba người liều chạy lên sát sân khấu “bấm” vài kiểu mặc cho lực lượng bảo vệ và đồng nghiệp la ó vì tội “vượt rào”. Anh bạn tôi làm thường trú cho một tờ báo kinh tế sau khi bị “áp tải” về chỗ ngồi cười nham nhở: “Dù răng tao đã có vài ảnh cận cảnh ưng ý, còn hơn phải về tay không”!
 
Cạnh tranh tác nghiệp, nhiều phóng viên nảy ra “lắm chiêu”. Anh P (làm cho một tạp chí truyền hình) đã nhập vai “diễn viên” biểu diễn tại lễ khai mạc Festival Huế 2010 nhờ mối quan hệ từ trước với nghệ sĩ H. Anh nghiễm nhiên đứng ở khu vực cánh gà, chụp ảnh thoải mái với những khung hình cận cảnh mà không phóng viên ảnh nào có được.
 
Trò chuyện bên lề, anh cười láu cá: “Ban đầu có người tới đuổi nhưng nghệ sĩ H nói đây là diễn viên kiêm chụp ảnh của đoàn, không phải phóng viên. Nhân tiện ta làm luôn bộ ảnh hậu trường khai mạc, được sếp khen nức nở”.
 
Xông vào hiểm nguy
 
Festival tuy đua tranh nhưng ít hiểm nguy; căng thẳng nhất vẫn là cánh báo giới chuyên chiến đấu ở những lĩnh vực thiên tai, tiêu cực... Vào “điểm nóng” trong kịch tính, căng thẳng nhưng vui nhất với nhà báo là thông tin được chuyển tải đến bạn đọc và nhận được phản hồi tích cực.           
 
Bản thân người viết cũng đã thót tim nhiều lần khi nằm trong vùng bão quét ở Lộc Vĩnh tháng 9-2009. Trong luồng tôn bay, cây cối đổ ngã, nước dâng cao không ngừng, chúng tôi vẫn cố gắng chụp ảnh, chia nhau tiếp cận người dân một cách nhanh nhạy mong có thông tin kịp thời phục vụ bạn đọc. Nhớ lại cảnh tượng hôm ấy, tôi vẫn không thể tin là mình đã trở về “nguyên vẹn” sau cơn thịnh nộ của đất trời.
 
Tìm góc ảnh đẹp trong lễ bế mạc Festival Huế - ảnh Tuệ Ninh
Có duyên “trị” lâm tặc, nhóm phóng viên thời sự HTVT từng có nhiều phóng sự nóng phát trên VTV1. Nhà báo Phú Thạnh, người dạn dày trong lĩnh vực này tâm sự: “Vì giữ bí mật thông tin tuyệt đối nên nhiều vụ việc, anh em tôi tiến hành điều tra độc lập, không thể phối hợp với các cơ quan chức năng. Nhận được nguồn tin khai thác gỗ trái phép ở Quảng Bình, chúng tôi xuất phát từ 5 giờ sáng và lập nhờ người dân dẫn đến hiện trường. Gần nửa ngày vượt đèo dốc, tận mắt thấy những cánh rừng phòng hộ bị tàn phá, đốn hạ ngổn ngang, tôi biết mình đang tiến gần đến sự thật. Bao nhiêu cảm giác mệt mỏi, lo sợ tan biến, anh em mải miết ghi lại hiện trường, phỏng vấn nhân chứng, chuẩn bị tư thế “đối chất” với cơ quan chủ quản. Trên đường ra cửa rừng, anh em tôi bị bọn lâm tặc xả một trận “mưa đá”, rất may không ai bị thương...”. Dù biết hiểm nguy luôn rình rập, song, tình yêu nghề và quyết tâm tìm đến sự thật như tiếp thêm sức mạnh cho những nhà báo khi bước vào “trận địa” chống tiêu cực.
 
Đứng trong “điểm nóng”, bất cứ nhà báo nào cũng phải đối mặt và xứ lý tình huống khôn khéo. Để có thông tin khách quan, trung thực, phần lớn phóng viên thường chủ động tiếp cận và tác nghiệp độc lập. Chính vì vậy, nguy cơ bị hành hung, đe dọa gây thương tích rất cao. Theo Hội Nhà báo Việt Nam, tính từ năm 2006 đến nay đã xảy ra gần 20 vụ hành hung nhà báo, trong đó 5 vụ cản trở tác nghiệp, riêng đầu năm 2010 đã xảy ra 5 vụ hành hung nhà báo. Tính chất hành hung phóng viên ở các “điểm nóng” ngày càng phức tạp và nguy hiểm hơn.
 
Lời kết
Vào điểm nóng, tình yêu nghề sẽ “dẫn lối” cho nhà báo tìm đường đến sự thật. Dù vinh quang hay cay đắng, vui hay buồn, với những người làm báo, còn “chiến đấu” với hiểm nguy, thách thức nghĩa là còn say nghề.
 
Tuệ Ninh – Hải Triều
 

Nhà báo Xuân Hồng - phóng viên Báo Thừa Thiên Huế:

                       KHI NHÀ BÁO HÓA THÂN 
 
Trung thực và sinh động là hai trong nhiều yếu tố quan trọng của báo chí- Để thâm nhập vào những “gốc khuất” của cuộc sống, không ít nhà báo phải “hóa thân” để có thực tế. Tôi đã từng “hóa thân” như thế để có những bài viết tâm huyết của mình.
 
Nhà báo Xuân Hồng
Trước thực trạng ngày một có nhiều phòng khám chữa bệnh tư nhân mọc lên, nhiều người dân do hạn chế về nhận thức, nhẹ dạ cả tin, nên họ đã tìm đến phòng khám này. Kết quả sau khi điều trị về thường là “tiền mất tật mang”. Trước thực tế đó, tôi có suy nghĩ mình phải nhập vai để có bài báo góp phần mang lại tiếng nói giúp người dân nghèo “thức tỉnh” vấn đề khám chữa bệnh ở các phòng khám tư. Theo đó, tôi đã nhiều lần đóng vai người nhà bệnh nhân, vào thăm và chăm sóc bệnh nhân để tìm hiểu thực tế.
 
Sau khi quen biết, các bệnh nhân ở đây đều có chung suy nghĩ “đâm lao thì phải theo lao”, chứ giá cả ở đây đắt đỏ lắm. Do bệnh tình ngày một nặng, nhiều bệnh nhân phải bán lúa non, bán tôn lợp nhà... để trả khoản chi phí điều trị đắt gấp 3 lần ở các bệnh viện nhà nước.
 
Mặc dù, tôi đã nhập vai người nhà bệnh nhân nhưng vẫn chưa đủ cơ sở để dám viết bài “Những bất cập ở phòng mổ tư”. Tôi lại tiếp tục đóng vai là người nhà bệnh nhân muốn tìm hiểu về giá. Lúc này, tôi tỏ ra ngơ ngác nhưng cũng rất lý trí. Chủ phòng khám cho tôi bảng giá nhưng tôi đưa ra nhiều lý do để xin được đóng dấu đỏ....Qua nhiều lần nhập vai, tôi có đủ cơ sở để hoàn thành bài viết “Những bất cập ở phòng mổ tư”.
 
Là một phóng viên, mong muốn đem lại sự công bằng trong xã hội, tôi tiếp tục “hóa thân” với thực tế để có các bài viết sinh động và đầy tính trung thực. Tương tự, tôi tiếp tục nhập vai khách hàng sửa sắc đẹp để viết bài “Thẩm mỹ viện Huế : Ma trận về giá cả”. Có bài viết này, tôi phải “hóa thân” để trở thành hai khách hàng, hai đối tượng khác nhau, một là ăn mặc sành điệu, hai là ăn mặc quê mùa. Qua hai cách “hóa thân” đó, tôi vào các cơ sở thẩm mỹ viện khác nhau, các chủ cơ sở này “xem mặt đặt tên”; nên mỗi lúc họ đưa ra mỗi cách làm và mỗi giá khác nhau.
 
                                                              Thanh Thuận (thực hiện)
 
Nhà báo Thanh Chí - Phóng viên Đài Phát thanh-truyền hình tỉnh (TRT):
 
ĐÒI HÒI SỰ CÔNG BẰNG XÃ HỘI
 
Là một phóng viên thời sự đảm trách chuyên mục “Ống kính phóng viên” của TRT, tôi muốn tìm đến những “góc khuất”, những “điểm nóng” bởi ở đó thường là những bất cập mà nhà báo cần phản ánh nhằm đòi hỏi sự công bằng xã hội.
 
Nhà báo Thanh Chí
Có thể đó là những đề tài về hành trình chống lâm tặc, sa tặc, chống người thi hành công vụ; chuyện tranh chấp đất đai, nhà cửa; chuyện học sinh ngồi nhầm lớp; những con đường chậm thi công hoặc những dự án dỡ dang ảnh hưởng đến đời sống người dân..., tôi thường có mặt kịp thời để tìm hiểu. Đôi lúc, khoảng 2-3 giờ sáng, có “dế kêu” là tôi lên đường. Có lẽ một phần vì “máu” nghề nghiệp, một phần vì tính cách phiêu lưu, mạo hiểu nên tôi thích những đề tài như vậy; và tôi thường tác nghiệp một mình cùng với “người bạn đồng hành” là chiếc camera.
 
Do mảng đề tài tôi thực hiện khá “gai góc” nên trong quá trình tác nghiệp, tôi thường gặp khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Về phía cơ quan chức năng liên quan, khi tôi đặt vấn đề làm việc, họ thường tìm cách từ chối hoặc lần lữa nhiều lần, thậm chí còn gọi tôi là Chí “soi”; chỉ còn cách là tôi phải “liều mình” và “xông thẳng” vào cuộc để tiếp cận sự kiện một cách nhanh nhất-thế mà lại được việc.
 
Với một vùng đất vốn hiền lành, ít sự kiện như Thừa Thiên Huế, mỗi tuần chí ít phải tìm ra một đề tài thực sự “nóng” để lên sóng truyền hình, đáp ứng yêu cầu của chuyên mục mình đảm trách, quả thật không phải dễ. Ngược lại, tôi vẫn có được những thuận lợi đối với riêng mình, đó là được nhiều người ủng hộ; trong đó có nhân dân bởi xã hội còn rất nhiều người tốt và tôi tin điều đó. Tôi có một hệ thống “chân rết”-cộng tác viên cho riêng mình, mỗi khi có sự kiện “nóng”, họ lập tức “a lô” cho tôi bất kỳ lúc nào.
 
Nhiều trường hợp, sau khi lên sóng truyền hình, những người có trách nhiệm đã có biện pháp xử lý kịp thời, thấu tình đạt lý, trả lại sự công bằng xã hội, tôi lại tìm thấy niềm vui trong nghề của mình nhiều hơn. Ngược lại, có trường hợp nhiều lần phát lên sóng (cả phát thanh lẫn truyền hình), song cơ quan chức năng vào cuộc rất chậm chạp; đó chính là nỗi buồn của nhà báo như tôi...
                                                                                                Bạch Quang (thực hiện)
 
 
Anh Nguyên Linh –PV Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh thường trú tại Huế:
 
ĐÊM TÁC NGHIỆP NHỚ ĐỜI
 
Phóng viên Nguyên Linh
Đó là đêm tác nghiệp giải cứu con tin ở Huế mà tôi may mắn được lọt vào điểm nóng. Chúng tôi truyền thông tin về tòa soạn bằng điện thoại di động. Khi đối tượng “đáp lời kêu gọi” của mẹ y lại bằng những phát súng AK, đầu óc tôi căng thẳng, hoang mang vì chuyện “đạn lạc”. Hơn 23 giờ, Tổng Biên tập từ Sài Gòn gọi ra động viên, dặn dò khiến tôi rất xúc động và thấy vững tin hơn.
 
Thấy chúng tôi thức trắng đêm, chủ nhà pha sẵn mì tôm, vậy nhưng chẳng ai ăn được ăn bát mì tình nghĩa đó vì bị lực lượng an ninh phát hiện và đuổi ra ngoài. Với sự giúp đỡ của người dân, 30 phút sau, tôi và một đồng nghiệp đã trở lại chỗ cũ tiếp tục tường thuật.
 
Một giờ sáng, tôi được chủ nhà “tiếp sức” bằng hai chén cơm nguội. Nhờ sự “tiếp sức” đó, những thông tin mới nhất được cập nhật trên Pháp luật Online, Tuổi trẻ Online… “kéo” bạn đọc thức trắng đêm cùng sự kiện. Gần 5 giờ sáng, đang tường thuật cảnh lính đặc công đu dây từ sân thượng để đột nhập vào phòng tên bắt cóc thì máy điện thoại… hết pin. Đang bối rối, chị chủ nhà nói: “Máy điện thoại tui cũng gần hết pin rồi nhưng chú cứ cầm dùng tạm”. Vui như “bắt được vàng”.
 
 Hơn 5 giờ sáng, toàn bộ lực lượng phục kích được lệnh tấn công, tên bắt cóc con tin đã bị khống chế. “Vụ giải cứu con tin đã kết thúc thắng lợi”- tôi hét to vui mừng trong điện thoại.
 
Mỗi lần nhắc lại chuyện tác nghiệp trong đêm bắt cóc, tôi lại thấy xúc động và thầm cảm ơn những người dân, những đồng nghiệp đã giúp chúng tôi hoàn thành tốt chức năng thông tin.
 
L.Tuệ ghi 
 
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận
Return to top