Xe nghèo đón khách nghèo
Trời mờ sáng, chợ Đông Ba tấp nập, huyên náo với đủ thứ mùi và âm thanh trộn lẫn. Những bao hàng từ chiếc xe tải nhỏ hay xích lô đổ xuống, người đi buôn ùa vào chen lấn, giành hàng để về kịp buổi chợ sớm. Đứng cắm ở khu bán trái cây, ông Hồ Đăng Lộc kể: “Tui nhận giao hàng là chủ yếu. Hồi trước, tui chở được 100 kg. Chừ sức yếu chỉ chở được 60 kg thôi. Rứa mà có khi vừa chở hàng vừa chở người đi đoạn đường dài mấy chục cây số cũng hoa mắt, ù tai, đạp xe loạng choạng, nhích từng bước một”. Vừa dứt lời, nghe mối quen gọi, ông Lộc nhanh nhẹn bưng mấy giỏ trái cây nặng trịch chất lên xe, cột lại cẩn thận rồi chở hàng lên chợ Kim Long. Lấy đà, ông khom lưng nhấn mạnh bàn đạp. Từng vòng xe quay nặng nề. Cặm cụi đạp xe giữa đường vắng, dáng người còm cõi của ông như lọt thỏm giữa mấy kiện hàng. Chuyến mở hàng này, ông được trả 7 nghìn đồng.
6h sáng, những người đạp thồ tập trung đông đủ. Có khách gọi, từng người vào chợ bốc, chở hàng. Ai cũng có mối quen của mình. Rồi những bánh xe đạp thồ tỏa đi khắp thành phố và cả vùng ven. Ngoài những tiểu thương thuê chở hàng, khách của họ đa số là người nghèo. Đó là các mệ, các chị buôn thúng bán bưng hay những người đi chợ mỏng ví. Xe đạp thồ được gọi là nghề của người nghèo: người đạp nghèo, người ngồi cũng nghèo, mặc cả rẻ đến đâu cũng được gật đầu.
Chở khách qua Thành Nội, ông Quyền kiếm được 3 nghìn đồng.
Ông Trần Duy Phụng năm nay 50 tuổi và có thâm niên gần 20 năm gắn bó với nghề phu xe. Nuôi 3 đứa con và vợ vốn là công nhân đang thất nghiệp, chiếc xe đạp cũ kỹ này là phương tiện mưu sinh của cả nhà. Một ngày thồ 60km, ông kiếm khoảng 40 nghìn, họa hoằn lắm mới được 50 nghìn, đủ tiền chợ và dư một ít bỏ ống cho con cái học hành. Hôm nào ế khách thì bóp chẹt lại cũng qua ngày. “Cách đây 10 năm, xe đạp thồ được chuộng lắm nhưng chừ phương tiện nhiều, người ta chủ yếu đi xe ôm. Làm nghề ni thì gắng cho khỏe mạnh, còn ốm đau coi như đói”, ông Phụng thở dài rồi nhẩm tính: “Từ sáng chừ chở được 3 mối: về Bao Vinh được 3 nghìn, qua cầu Bạch Thổ được 5 nghìn và lên Từ Đàm được 7 nghìn. Mở hàng ri là may mắn đây”.
Mắt chăm chăm nhìn từng người bước ra cổng, đoán chừng người nào là “khách hàng tiềm năng”, ông nhanh nhảu cất tiếng mời. Quay lại, ông tâm sự: “Nghề ni cực lắm o ơi. Nắng thì đứng dưới cái nóng rát da rát thịt. Mưa thì choàng áo mưa ngồi chóc ngóc thi gan với gió trời, lạnh cắn răng. Kiếm được vài ngàn thật không dễ, phải oằn lưng bốc hàng cho khách rồi chuyên chở đến tận nơi. Người bà con thấy chú vất vả, cho mượn tiền để mua chiếc honda Trung Quốc chạy xe ôm, nhưng chú không dám. Giá xăng cao, lỡ ế khách thì lấy mô bù tiền xăng chạy từ bên Tây Lộc qua đây, rồi tiền mô dành dụm trả nợ. Đời chú đã cực nên cố lo cho con để đời nó khá hơn. Con bé nhà chú mới tốt nghiệp trung cấp đó, thằng út cũng đang học lớp 9”. Đang nói chuyện thì có khách quen gọi, ông Phụng lật đật vừa dắt xe vừa kể: “Đó là mệ bán vé số dạo. Ngày mô chú cũng chở mệ về Phú Bình. Đáng ra là 3 nghìn nhưng chú chỉ lấy 2 nghìn. Có khi khách là người tàn tật đi ăn xin thì chú chở không công. Mình cực, họ còn khổ hơn. Thôi thì cực khổ nuôi nhau”.
Quay đều, quay đều… để mưu sinh
Hầu hết những phu xe đạp thồ đều là người già. Nghe có vẻ vô lý bởi nghề này đòi hỏi sức khỏe. Nhưng trong số những người đạp xe ở đây, nhiều người đã ngoài 60, 70, số còn lại đã qua cái tuổi ngũ tuần. Nhiều tuổi, lại nghèo nên họ không tìm được việc khác, đành chấp nhận trụ lại với nghề này. Nhiều người đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, tóc bạc phơ vẫn gò lưng đạp từng vòng xe nặng nhọc. Hỏi các ông có chạnh lòng khi thấy những người đồng trang lứa sáng sáng thong thả tập dưỡng sinh, ông Bài vỗ vào yên xe cười sảng khoái: “Thì tụi bác tập bằng cái ni đây. Đi xe đạp cũng là tập thể dục mà”. Rồi ông trầm lại: “Con cái cũng cực khổ, nuôi con nó còn không đủ, lấy chi nuôi mình. Già rồi phải bám vào bánh xe kiếm ngày ít đồng. Nghề ni dù khổ cũng dễ kiếm sống. Chỉ cần một chiếc xe đạp chắc chắn và đôi chân dẻo dai là đủ sống qua ngày”.
Ở đây, đặc một loại xe đạp giống nhau. Nhiều chiếc trông tồi tàn, sơn tróc trơ khung, căm hoen gỉ. Giỏ xe được bện bằng thép sao cho chịu được sức nặng của hàng. Phần trước được “tăng cường” thêm một cái “phoóc-ba-ga” để đỡ hàng. Phần yên sau là một tấm gỗ dày vừa người ngồi được bọc da chắc chắn. Chiếc xe nào cũng kẹp bên phải một tấm ván khoảng 3, 4 gang tay để chở hàng cồng kềnh. Trong giỏ xe là tấm áo mưa và chùm dây cao su cột hàng. Chiếc nào có chủ nhân tham gia nghiệp đoàn thì có biển số thứ tự.
Trước đây, chuyện ẩu đã, cãi nhau giành khách xảy ra như cơm bữa. Từ ngày có nghiệp đoàn quản lý, hoạt động của tổ xe đạp thồ đi vào nề nếp. Hiện nay, nghiệp đoàn xe đạp thồ chợ Đông Ba có 8 tổ, gồm 70 đoàn viên. Mỗi người đều có địa phận hoạt động riêng. Tham gia nghiệp đoàn, họ được đóng bảo hiểm y tế, được thăm nom lúc ốm đau, bệnh tật và tương trợ trong công việc. Ông Nguyễn Đôn Nghĩa không may bị thoát vị đĩa đệm phải ở nhà điều trị suốt một năm. Chân cà nhắc nhưng ông cũng cố đạp xe kiếm tiền. Mối nào hàng nhẹ anh em trong tổ đều nhường cho ông chở kiếm tiền mua thuốc… Không tham gia vào nghiệp đoàn, những người đi xe đạp thồ tự do như ông Quyền, ông Yến còn khó khăn hơn. Tuy vẫn lảng vảng ở chợ đón khách nhưng họ không được dừng một nơi cố định mà phải dắt tới, dắt lui vòng quanh chợ vì bị bảo vệ đuổi.
Từ khi xe Honda ôm xuất hiện, vừa tiện lại vừa nhanh, xe đạp thồ lép vế bởi cơ bắp không đua nổi với cơ giới. Nhiều người có điều kiện chuyển sang chạy xe ôm. Còn với những người vẫn trụ lại với nghề xe đạp thồ, ngày ngày họ vẫn gồng lưng đạp để sinh tồn bởi sau từng chuyến xe là cả gánh nặng gia đình.
Bài, ảnh: Trang Hiền