ClockThứ Hai, 29/02/2016 15:01

Tiếp sức phát triển nghề đúc đồng

TTH - Toàn tỉnh hiện có 2 hợp tác xã, 54 cơ sở gắn bó với nghề đúc đồng truyền thống với 9 nghệ nhân và gần 300 thợ lành nghề, tập trung chủ yếu ở 2 phường: Phường Đúc và Thủy Xuân (TP Huế).

Thu nhập khá lên

Nối tiếp truyền thống cha ông, những người thợ đúc đã nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, tạo ra nhiều mẫu sản phẩm đồng mỹ nghệ, tượng, chuông, bệ sen tinh xảo mang bản sắc văn hóa Huế, góp phần bảo tồn và phát huy ngành nghề truyền thống của địa phương.

Cơ sở đúc Nguyễn Văn Thuận B đang đúc bệ sen đội 4 con rùa trị giá 600 triệu đồng theo đơn đặt hàng của đối tác Hàn Quốc

Tại Cơ sở đúc Nguyễn Văn Thuận B ở khu vực 5, phường Thủy Xuân, những ngày này, hàng chục thợ đúc đang khẩn trương đốt lò, đắp khuôn và nấu đồng để đúc bệ sen đội 4 con rùa trị giá 600 triệu đồng theo đơn đặt hàng của đối tác Hàn Quốc. Sau đó, hàng chục thợ giỏi của cơ sở sẽ vào TP. Hồ Chí Minh đúc 9 vị tượng ở chùa Pháp Vân và nhiều chùa lớn trong nước theo hợp đồng ký kết năm 2016. Ngoài ra, cơ sở bắt tay sản xuất các mẫu sản phẩm quà tặng lưu niệm như Ngọ môn, Cửu đỉnh, súng thần công, chùa Linh Mụ, cầu Trường Tiền… theo chỉ đạo của UBND tỉnh để phục vụ du khách dịp Festival Huế 2016.

Chủ cơ sở, nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Thuận B cho biết: “Những năm gần đây, nghề đúc phát triển mạnh, sản phẩm tìm được đầu ra ổn định nên thu nhập của anh em trong nghề khá lên. Nhờ vậy, nhiều nghệ nhân đã gắn bó và phát triển thêm nhiều mẫu mã mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhờ sản phẩm đẹp, tinh xảo nên nhiều cơ sở đúc tạo được uy tín, nhận nhiều đơn hàng có giá trị tiền tỷ và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.” Cũng theo nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận B, từ đầu năm đến nay, cơ sở đã nhận gần chục đơn hàng của các đối tác nước ngoài và khách hàng trong nước với tổng trị giá gần 5 tỷ đồng. Hiện, cơ sở đang tiếp tục mở các khóa đào tạo nghề để truyền nghề cho các lớp trẻ.

Khuyến công tiếp sức

Để tiếp sức cho nghề đúc đồng và thực hiện mục tiêu khôi phục, phát triển nghề đúc theo hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, năm 2015 Sở Công thương đã phê duyệt đề án đào tạo nghề đúc đồng truyền thống cho 20 lao động trên địa bàn, nhằm phát triển nghề và mở rộng quy mô; trong đó, giao cho Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại phối hợp với Cơ sở đúc đồng Nguyễn Văn Thuận B thực hiện đề án. Khóa đào tạo kéo dài 4 tháng với tổng kinh phí trên 100 triệu đồng, trong đó nguồn vốn khuyến công hỗ trợ 40 triệu đồng. Hiện, 20 học viên tham gia khóa đào tạo đã tìm được việc làm ổn định tại các cơ sở đúc và  phát huy hiệu quả.

Trưng bày các sản phẩm đồng mỹ nghệ tại Khu trưng bày sản phẩm đúc đồng ở đường Bùi Thị Xuân, TP Huế

Anh Phan Đoan, một trong những thợ đúc vừa hoàn thành khóa đào tạo cho biết: “Lâu nay các cơ sở đúc trên địa bàn chỉ dạy nghề theo kiểu cha truyền con nối, chủ yếu học bằng kinh nghiệm chứ chưa nắm bắt các kỹ năng cơ bản nên sản phẩm làm ra chưa tinh xảo và đạt độ chính xác cao. Nhờ khóa đào tạo nghề của đề án khuyến công mà nhiều anh em nắm bắt lý thuyết, tìm hiểu lịch sử của nghề, đồng thời học cách đắp khuôn, nấu đồng và những kỹ năng cần thiết để tạo ra một sản phẩm đồng mỹ nghệ độc đáo. Mong muốn trong thời gian tới, Nhà nước sẽ tổ chức thêm nhiều khóa đào tạo để nhiều người được học nghề bài bản nhằm khôi phục và phát triển nghề đúc truyền thống”.

Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại, ông Nguyễn Lương Bảy cho biết: “Năm 2016, từ nguồn vốn của chương trình khuyến công địa phương, trung tâm tiếp tục triển khai các đề án hỗ trợ đối với nghề đúc, trong đó tập trung hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất mỹ nghệ đồng cho Cở điêu khắc mỹ nghệ Đại Nghĩa, 598 Lê Duẩn, TP Huế nhằm tạo ra nhiều sản phẩm mỹ nghệ đồng có mẫu mã đẹp, giá thành hạ phục vụ thị trường”.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top