ClockThứ Hai, 03/04/2017 13:56

Tìm về cội nguồn của ngày giỗ Tổ Hùng Vương

TTH - Dù ai đi ngược, về xuôi / Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Không rõ câu ca dao trên có từ bao giờ, nhưng với người Việt Nam, nó đã trở thành một lời ca quen thuộc, một lời ca thân thương khi họ nhớ về cội nguồn dân tộc, về một lễ hội trọng đại của quê hương, đất nước. Lần giở lại những trang sử vàng của dân tộc, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn, sâu hơn nguồn gốc và ý nghĩa cao đẹp của ngày giỗ các vị có công lớn trong việc khai sơn, phá thạch, mở đất, lập làng, lập nước.

 Cách đây chừng 2.900 năm, vào thời kỳ văn hóa Đông Sơn trên vùng đất châu thổ sông Hồng, nghề trồng lúa, làm nương rẫy, đúc đồng, luyện sắt phát triển rất mạnh, đạt đến trình độ cao… Đặc biệt ở dọc các triền sông, cư dân vùng đất này đã rất dày công be bờ, làm thủy lợi, dẫn nước vào đồng để cấy cày. Từ nhu cầu của nghề trồng lúa nước, của việc chống thiên tai, những người làm nghề nông đã sớm liên kết với nhau và lập nên các làng bản. Cộng đồng làng bản chính là cơ sở, là nền tảng của xã hội Việt Nam suốt mấy ngàn năm qua. Các làng bản ngày càng nhiều, càng mạnh, lan rộng ra khắp các vùng, miền từ vùng đồi núi, vùng trung du đến vùng đồng bằng ven sông, ven biển… Từ đây, các làng bản lại liên kết cùng nhau và lập ra một mẫu hình tổ chức cộng đồng lớn hơn, cao hơn - ấy là cộng đồng quốc gia. Nước Văn Lang là mô hình nhà nước đầu tiên trên dải đất hình chữ S bên bờ biển Đông. Về sự kiện này, sách “Việt sử lược” chép:

“Dị nhân dùng yêu thuật bắt các bộ lạc thần phục, tự xưng là Hùng Vương, hiệu nước là Văn Lang. Truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương”.

Về danh xưng “Vua Hùng”, cố giáo sư Trần Quốc Vượng, trong bài viết “Thời đại các Vua Hùng từ huyền tích đến lịch sử” đã phục dựng bằng một phác đồ như sau:

Vua – Bua – Bô – Pô = (Bố)

Hùng – Khun – Cun = (Thủ lĩnh)

Vua Hùng = Bố của các thủ lĩnh = Thủ lĩnh tối cao

Sự ra đời của nhà nước Văn Lang chính là sự phát triển, sự kết nối chặt chẽ giữa ba mô hình tổ chức cộng đồng: Gia đình - gia tộc (nhà, dòng họ) – Làng, bản – Quốc gia (nước). Trong ngôn ngữ hàng ngày người Việt Nam thường dùng các cụm từ: “làng - nước”, “nhà nước”, “việc nhà, việc nước”… khi nói về những vấn đề có liên quan đến cộng việc, đến sinh hoạt chung của cộng đồng…

Đề cao và thấm nhuần đạo lý “chim có tổ, người có tông”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, từ thuở mới lập làng, dựng nước, nhân dân ta đã tôn vinh những người có công tạo dựng nên cộng đồng danh xưng: “Tổ tiên” và lập nhà thờ, lập đình miếu để phụng thờ cùng với việc cúng tế hàng năm. Khu Di tích Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh (Phong Châu - Phú Thọ) bao gồm nhiều công trình kiến trúc có giá trị cao như: Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ, lăng mộ Vua Hùng, giếng ngọc… Đây là những nơi các Vua Hùng từng sinh sống, từ họp bàn việc nước, việc dân. Từ đây cũng đã ra đời nhiều huyền tích, huyền thoại nói về việc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta thuở ban sơ, ví như các truyện: Con Rồng, cháu Tiên; Vua Hùng chọn đất đóng đô và dạy dân cấy cày; Bánh chưng, bánh dày; Thánh Gióng; Tiên Dung; Sơn tinh, Thủy tinh; Mai An Tiêm…

Từ thế kỷ thứ 2 (trước CN) trở về sau, khi kinh đô nước ta chuyển về các nơi khác (tùy theo từng triều đại) thì các núi đồi ở vùng đất Nghĩa Lĩnh đã trở thành nơi thờ phụng các Vua Hùng, thành nơi hành hương về đất Tổ của đồng bào cả nước cũng như của bà con kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài sau này. Nhà nước phong kiến từ thời vua Đinh Tiên Hoàng (thế kỷ thứ 10) đến các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn về sau đều rất coi trọng công việc giữ gìn, sửa chữa, bảo vệ, tôn tạo các công trình lịch sử - văn hóa có liên quan đến thời đại các Vua Hùng. Khu vực Đền Hùng là nơi được chọn để tổ chức Lễ hội giỗ các vị Tổ của đất nước ta hàng năm. Từ lễ hội dân gian, năm 1917 dưới triều vua Khải Định giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành quốc lễ. Ngày 18 tháng 2 năm 1946, sau ngày đất nước độc lập, vừa thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp được 5 tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22 CV/CC cho các công chức nghỉ làm việc trong ngày 10/3 âm lịch. Phó Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng trong năm này đã lên Đền Hùng dâng hương hoa thờ cúng các vị Tổ đã khai sinh ra đất nước ta từ gần 3.000 năm trước.

Hướng về ngày giỗ Tổ của dân tộc, chúng ta mãi mãi khắc ghi và làm theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây hơn 60 năm:

Các Vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.

Trần Hoàng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cội nguồn đoàn kết dân tộc

Hằng năm, cứ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 âm lịch, người Việt dù ở nơi đâu cũng tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hướng về cội nguồn, bởi từ bao đời nay, trong tâm thức của "con Lạc cháu Hồng", Hùng Vương là vị Vua thủy tổ dựng nước, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Cội nguồn đoàn kết dân tộc
Chủ tịch nước dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương

Sáng 10/4 (tức mùng 10 tháng 3 âm lịch), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Phú Thọ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Chủ tịch nước dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương
Return to top