|
Lãnh đạo tỉnh khánh thành Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế |
Khách quan & chủ quan
TX. Hương Trà hiện có 4 di tích cấp quốc gia (địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế, tháp Đôi Liễu Cốc, đình Văn Xá, nhà thờ Đặng Huy Trứ) và 7 di tích cấp tỉnh (địa điểm Công binh xưởng Phú Lâm, đình và chùa La Chử, đình làng Cổ Lão, địa điểm dốc ông Ầm, Bia tưởng niệm liệt sĩ tại căn cứ quân sự Động Tranh (Bastogne), đình Thanh Lương và đình Giáp Nhất). Hương Trà cũng có nhiều di tích, như: Cửa Thiềng, cồn Ràng, cồn Dài, bàu Đưng, cồn Thu Lu... cũng như hệ thống các đình làng, chùa làng đang cần được nghiên cứu, xem xét công nhận.
Do nằm phân bố rộng, qua quá trình tồn tại dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt cùng một số yếu tố tác động khác nên nhiều di tích đã và đang xuống cấp. Tuy nhiên, nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách và nguồn xã hội hóa trong giai đoạn này còn hạn chế nên việc tu bổ, tôn tạo và bảo quản các di tích vẫn mang tính chất “tu sửa nhỏ”, chỉ tập trung vào các hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng hoặc hạng mục chính của di tích, nên chưa đảm bảo được yêu cầu bảo vệ tổng thể di tích cũng như mang tính định hướng lâu dài.
Cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch tại di tích hoặc xung quanh khu vực di tích chưa được quan tâm đầu tư, khiến việc phát triển kinh tế gắn với lợi ích của dân cư địa phương gặp nhiều khó khăn. Mối quan hệ giữa gìn giữ, phát huy giá trị và việc khai thác di tích để xây dựng sản phẩm du lịch phát triển kinh tế - xã hội chưa đồng bộ. Chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch và việc tuyên truyền về giá trị của các di tích chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng xâm phạm đối với hệ thống di tích đã được xếp hạng vẫn diễn ra... gây ảnh hưởng đến mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của TX. Hương Trà.
Tăng cường nguồn lực xã hội hóa
Tiến sĩ Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao cho rằng, Hương Trà cần có những định hướng, chiến lược cụ thể, bền vững, phù hợp cho từng giai đoạn. Cụ thể, bên cạnh tập trung bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện đồng bộ Đề án tu bổ, tôn tạo, bảo quản cho hệ thống di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế theo tinh thần Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, Hương Trà cần nghiên cứu cơ chế hỗ trợ cụ thể cho các dự án chống xuống cấp theo tính chất, loại hình, quy mô của công trình di tích trên tinh thần đầu tư tập trung và gắn liền với nguồn vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân, đơn vị sử dụng, quản lý di tích nhằm thúc đẩy xã hội hóa, cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức…
Tiếp đó, là cần xây dựng kế hoạch làm hệ thống phích phiếu khoa học (lý lịch hiện vật, sổ đăng ký, theo dõi hiện vật...) và quản lý bằng công nghệ thông tin. “Trước mắt, cần chụp ảnh, biên soạn lý lịch hiện vật và hướng dẫn ban điều hành tại di tích phương pháp bảo quản, phục chế những hiện vật đang có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Về lâu dài, xem xét, ưu tiên bố trí nguồn vốn hàng năm để thực hiện công tác kiểm kê hiện vật khoa học hơn.
Hướng đến mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích gắn liền với phát triển kinh tế, tạo nguồn thu và đảm bảo lợi ích của cộng đồng dân cư, Hương Trà cũng cần xem xét, lựa chọn những công trình di tích có khả năng, tiềm năng thu hút nhiều khách du lịch, khách tham quan để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch, đi kèm là cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc phát triển những loại hình dịch vụ du lịch...
Hệ thống di tích trên địa bàn TX. Hương Trà đã thể hiện và nêu bật được những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, phản ảnh quá trình đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương, đất nước. Để phát huy hơn nữa những giá trị này, trong thời gian tới, chính quyền và người dân Hương Trà cần quan tâm, hỗ trợ nhiều nguồn lực hơn nữa để có thể khai thác, phát huy hiệu quả tối đa những giá trị di sản văn hóa. Qua đó, góp phần tích cực trong chung tay xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trên tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.