Rạch ròi là thế, nhưng khi thực thi cũng có khoản nằm ngoài “quy ước” đã xác lập. Những lúc ấy, chị thường khéo léo đẩy trách nhiệm về phía anh. Chẳng hạn, nhận thiệp mời đám cưới bạn của cả vợ và chồng, chị để tờ giấy hồng ấy trên bàn phòng khách, sao cho anh dễ thấy nhất. Lựa lúc cùng ăn cơm hay uống nước, chị đánh tiếng giữa trời, tưởng vu vơ nhưng đầy ngụ ý: “Thứ bảy này có đám cưới rồi”. Gần tới ngày cưới mà chồng vẫn hững hờ với tiệc vui, vợ liền ủi đồ cho chồng, cứ như ngầm nhắc nhở. Cả các khoản đóng góp của tổ dân phố, hầu như anh bị cài vào thế chủ chi. Chẳng là, các vị trong ban cán sự khu phố thường đi thu các quỹ hay lạc quyên từ thiện sau bữa cơm tối. Tầm ấy mọi người đều ở nhà, anh thì dán mắt vào ti-vi với chương trình thời sự nơi phòng khách; khách đến, tất nhiên không thể thoát… Được cái, với những khoản lập lờ nước đôi trách nhiệm như thế, anh hoan hỉ nhận lấy; trong khi chị thường lãng đi, giả không biết, không nghe.
Vợ còn “ủ mưu” bòn rút khoản riêng của chồng một cách tinh vi. Chẳng hạn, vừa gọi cho dịch vụ cung cấp gas xong là chị tót qua hàng xóm tám chuyện say sưa. Anh ở nhà đón người ta đem gas tới rồi trả tiền, cũng có nghĩa bao luôn khoản tiền gas cho vợ. Có khi chị vừa dắt xe ra ngõ đã thấy bà thu tiền điện tới nhà bên cạnh, thay vì nán lại để thanh toán thì chị đi luôn. Vợ về, chồng nhắc: “Anh vừa trả tiền điện đấy”. Chị cười cười, đáp không nhiệt tình lắm: “Để em gửi lại”. Anh tỏ ra dễ dãi: “Thôi”. Lời từ chối gắng gượng, vì sĩ diện hơn là thực tâm, lại phảng phất vẻ bất bình nhưng cho chị thêm một lần thỏa mãn với toan tính cỏn con.
Dù đã cho nhau tự do với khoản riêng đã định, nhưng vợ vẫn có thói quen nhòm ngó túi chồng. Ngày tết, về nhà nội, thấy anh mừng tuổi người già, lì xì bọn trẻ toàn tờ trăm, chị có vẻ không vui. Liền đó, vợ ghé tai chồng có lời can gián, khiến anh phát bực. Đã có lúc không nén được, anh xẵng giọng: “Em ích kỷ lắm!”. Vợ vùng vằng, phồng mặt, thế là mất vui. Ngay việc chi tiêu của mình mà mỗi khi liệt kê lại những khoản chi tiền triệu trong tháng là chị cứ nhăn nhăn như đau răng, vẻ xót tiền lắm.
Cả việc áp giá mấy phòng cho thuê trọ, vợ chồng cũng bất hòa. Chị thì muốn vài năm lại tăng tiền; anh thì ngược lại, với nỗi lo: “Người ta nghèo mới thuê nhà, cứ nâng giá, họ lấy chi trả!?”. Chị vẫn bảo thủ ý định bằng cách dẫn ra những lợi thế của nhà mình rồi so sánh với điều kiện, giá cả nhà người ta. Nói qua nói lại một hồi, anh lắc đầu, chém gió, tự biến thành người ngoài cuộc: “Thôi kệ em!”. Chị đốp lại: “Vợ nói phải cũng cãi, trong khi bênh người ngoài chằm chặp!”. Nói thế nhưng giọng cáu gắt lẫn hờn dỗi của chồng đã nhiều lần khiến ý định tăng giá nhà trọ của vợ lung lay, bất thành.
Anh nhận quyết định nghỉ hưu đúng lúc đại dịch lan tràn, uy hiếp người người nhà nhà. Anh cũng không đứng ngoài khó khăn chung của nhiều người về khoản “đầu tiên” - tiền đâu. Lương hưu teo đi nhiều so với lúc đương chức đã đành, lại còn vì giãn cách xã hội nên chậm gần cả tháng, kẹt tiền là phải. Trước đó, nhận được cục tiền kha khá khi về nghỉ thì anh đã “vung tay quá trán”. Đầu tiên là anh về quê, sắm mấy mâm cơm, trước là kính cáo tổ tiên, sau mời bà con gia tộc láng giềng để có lời trịnh trọng rằng, “thằng bé” mới ngày nào mếu máo lên đường nhập ngũ, nay đã hạ ba-lô, giã từ vũ khí. Cũng với lý do tương tự, anh mời bà con lối phố rồi bạn đồng môn, đồng tuế. Việc này thì chị không ngăn, bởi nghĩ cả đời mới có một lần; thậm chí, vợ còn tư vấn cho chồng về thời gian, thành phần, cơ cấu cỗ bàn.
Dịch bệnh thì không ra khỏi nhà khi không thật cần thiết nhưng anh vẫn về quê chăm cha mẹ già, từ việc ăn uống đến thuốc thang rồi mua nhu yếu phẩm cho hai cụ. Và nữa, nghĩa tử là nghĩa tận nên anh không thể vắng trong các đám hiếu người thân; dù chỉ đến thắp hương, vái lạy và chia buồn sau cái khẩu trang rồi quay lưng. Anh cũng rất áy náy khi chỉ hỏi thăm người thân đang cấp cứu qua điện thoại; thế nên anh chuẩn bị quà rồi tới cổng bệnh viện gọi người nhà ra… Cứ thế, túi tiền vẫn có nhiều đầu ra, trong khi đầu vào đang tắc.
Chồng kẹt tiền là vợ biết liền, cứ nhìn cách chi tiêu “hạ cấp” của anh là rõ. Tuy nhiên, anh chẳng kêu ca phàn nàn, càng không nhờ vợ “cứu trợ”. Nhớ những lúc lai rai với bạn, anh thường chém gió, cao giọng: “Đàn ông ngửa tay xin tiền vợ là nhục như con trùng trục!!!”. Hình như anh vẫn kiên trì với “tuyên ngôn” ấy, cả khi tạm thời túng thiếu. Vậy nên, dù vợ sẵn lòng chờ chồng thẽ thọt về khoản “đầu tiên” thì đáp lại vẫn là vẻ cao ngạo, phớt lờ.
So với chồng, vợ chống dịch quyết liệt hơn nhiều, đúng là “chống dịch như chống giặc”. Chị đang nghỉ phép thì có lệnh giãn cách xã hội nên được chỉ huy cho nghỉ tiếp bởi đơn vị thực hiện “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Chị thường hóng hớt trên mạng rồi quán triệt với cả nhà, đại loại: “Yêu nước thì phải ở nhà/Lang thang tụ tập, ấy là chẳng yêu!”. “Yêu Tổ quốc yêu đồng bào/Ở nơi nào yên ở đó!”. Chị bảo con khóa cổng luôn, mà phải khóa ngoài để nếu ai tới thì quay lui bởi biết nhà này tạm thời không hoan nghênh quý khách. Khi bất đắc dĩ phải ra ngoài, chị trùm kín mặt mũi như phụ nữ có đạo ở Tây Á; không có áo quần bảo hộ chống dịch thì chị mang áo mưa tiện lợi, đi đứng lật đật, mồ hôi nhễ nhại giữa cái nắng chảy mỡ. Biết có những ánh mắt căng tròn đang nhìn mình như nhìn dị nhân nhưng chị mặc kệ. Chị lùng khắp các hiệu thuốc để mua cả mớ khẩu trang, bao tay rồi gel kháng khuẩn; lương thực thực phẩm dự trữ thì khỏi nói, cái tủ lạnh như muốn vỡ ra. Thấy dáng tất bật cùng vẻ hốt hoảng thường trực của vợ, ngỡ như con vi-rút chở thần chết đang đuổi sau lưng, chồng trêu: “Nếu có giải thưởng về tinh thần chống dịch, em ăn giải nhất là cái chắc!”. Chị nghiêm giọng: “Không đùa được đâu; vả lại, bảo vệ mình cũng là bảo vệ người khác đó thôi”.
Ở nhà rảnh rỗi, chị hay vào mạng theo dõi tình hình dịch bệnh rồi chia sẻ với chồng con. Đặc biệt, những câu chuyện vui buồn, khiến người nghe thốt lên những lời cảm thán được chị cập nhật thường xuyên và nhớ từng chi tiết. Có bữa, anh đang thiu thiu ngủ, chị lay dậy: “Ngó nè, ngó nè!”. Thấy anh dụi mắt, ngơ ngác, chị liền đeo kính cho rồi đưa điện thoại lại gần. Trên màn hình hiện lên clip về những suất cơm miễn phí dành cho người nghèo được xếp từng chồng trong tủ kính; tiếp đó là hình ảnh những thùng mì gói, bao gạo được trao tận tay người tàn tật; rồi hình ảnh người xếp hàng dài trước “ATM gạo” chờ nhận gạo miễn phí cho người khó khăn… Loạt hình ảnh ân tình ấy đã qua nhưng chị vẫn lặng người; lâu sau mới cất giọng vui vui lẫn bùi ngùi: “Qua đại dịch, lòng người như gần nhau hơn, anh nhỉ!?”. Anh gật đầu, nhìn vợ trìu mến.
Tinh thần chống dịch triệt để của chị bị phá vỡ khi ông bác là anh em thúc bá của bố chồng ở cùng thành phố đột ngột qua đời. Con trai bác là quân nhân, đang quản lý khu cách ly tập trung nên không về được; con gái là bác sĩ trong bệnh viện – nơi tuyến đầu chống dịch, lại ở xa nên càng không thể có mặt; bác gái thì già yếu. Thế là hiếu sự của bác do cháu cáng đáng… Lúc nhận tin dữ, chị thấy chồng sững sờ giây lát nhưng ngay sau đó, anh biết mình phải làm gì.
Khi chồng từ trên lầu đi xuống thì thấy vợ đã quần áo chỉnh tề ngồi nơi phòng khách, có ý chờ. Anh chớp mắt: “Em cũng đi?”. Chị nhìn chồng, giọng dứt khoát: “Việc này không thể không đi!”. Thấy chồng chưa hết ngạc nhiên, chị nói thêm: “Lo cho bác xong, mình có thể tự cách ly tại nhà cũng được mà”. Nói rồi, chị nhanh nhảu chạy ra mở khóa cổng. Bỗng chồng khựng lại, rụt rè: “Mình đi tay không thế này…”. Vợ hiểu ý, đưa tay vỗ nhẹ cái túi đeo bên người: “Em cầm hai chục triệu đây, cứ ứng lo cho bác, có gì tính sau”. Anh đứng sững nhìn vợ, xao lòng.
Vừa nới lỏng giãn cách xã hội thì tổ dân phố quyên góp ủng hộ người nghèo trong đại dịch. Như thường khi, những người tổ chức quyên góp đến đúng lúc anh đang xem ti-vi nhưng khác là anh chẳng còn sốt sắng như mọi bữa; thay vào đó là sự luống cuống đến tội nghiệp. Anh không thể nói thẳng là mình chẳng còn nổi năm trăm ngàn nên đành trì hoãn: “Các anh qua mấy nhà khác đi, quay lại đây sau!”. Khách thoáng ngạc nhiên trước lời đề nghị nhưng cũng vui vẻ chiều theo. Họ định quay lưng thì chị xuất hiện ở đầu cầu thang trên lầu nói với xuống: “Chờ xíu các anh ơi!”. Tay cầm sẵn tiền, chị lật đật chạy xuống, tươi cười, nhỏ nhẹ: “Tôi xin góp chút ít”.
Anh vui, không chỉ vì cái “chút ít” của vợ lớn bất thường mà còn vì nụ cười bao dung trên đôi môi quen thuộc.
NGUYỄN TRỌNG HOẠT