Đó là những lời nhắn nhủ của nhà văn hóa Bửu Ý trong buổi trò chuyện với Báo Thừa Thiên Huế Online khi thời khắc Tết Nguyên đán đang cận kề.
Nhà văn hóa Bửu Ý
Đã có đề xuất nên bỏ Tết cổ truyền, với ông thì sao?
Tết cổ truyền trải qua thời gian đã có nhiều thay đổi. Đất nước có những bước chuyển mình nên sự thay đổi trong cách nghĩ là chuyện đương nhiên. Theo tôi, chúng ta nên vững vàng trong quan điểm, nhất là đối với những gì gọi là cổ truyền, có từ mấy nghìn năm lịch sử thì không dễ gì nói bỏ là bỏ!
Tết cổ truyền không chỉ có ở Việt Nam mà còn ở một số quốc gia khác ở châu Á. Làm sao giữ gìn, phát huy được nét đẹp truyền thống mà cha ông vun đắp từ xưa đến nay mới là điều quan trọng. Nếu quyết định thay đổi vấn đề gì, chúng ta phải suy nghĩ thật kĩ. Ví như đến nay đã cấm pháo, ngăn chặn tệ cờ bạc. Đó là những thay đổi theo chiều hướng tốt. Có thói quen cũng nên thay đổi như đốt vàng mã quá nhiều vào dịp Tết, vừa gây hao tốn cho gia đình, vừa ảnh hưởng đến môi trường chung. Những gì không còn phù hợp, không tốt, gây ảnh hưởng đến chính mình và người xung quanh thì nên tiết giảm, hạn chế bớt.
Khác với cách suy nghĩ của người lớn, rằng Tết là phải trở về, sum vầy thì hiện nhiều người đang xem đây là cơ hội để du lịch nghĩ dưỡng. Hiểu theo nghĩa “chơi tết” thời hiện đại như vậy có đúng không thưa ông?
Tết là dịp đoàn tụ hay đi du lịch, tôi thấy hai chuyện nay không loại trừ nhau. Có gia đình con cái đi làm ăn xa, với những người này tết không về được thường hay có mặc cảm, nhưng mỗi người một cảnh. Tôi nghĩ rằng, dịp Tết không nhiều thì ít ngày cũng nên quay về với nhà cửa, gia đình, ba mẹ, anh chị em và thắp hương cho những người thân đã khuất núi.
Mặc khác, khi đã đoàn tụ rồi tại sao không nghĩ đến chuyện đi du lịch với nhau. Cả nhà vừa đoàn tụ, vừa đi chơi, có sao đâu.
Sắc xân. Ảnh: Ngọc Thắng
Cuộc sống hiện đại khiến những phong tục truyền thống tốt đẹp của Tết Nguyên đán đang bị thay đổi. Điều khiến ông lo lắng nhất là gì?
Một trong những điều khiến tôi lo lắng là giá trị tinh thần, giá trị văn hóa đang đang bị một số người trẻ xem thường. Trong những dịp lễ, Tết lớn như vậy nếu giá trị truyền thống không được gìn giữ thì ngày thường nó chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Các bạn trẻ hãy sống chậm một chút để cảm nhận và biết trân quý những gì gọi là văn hóa truyền thống.
So với nhiều nơi, theo ông, Tết Huế có ưu điểm gì cần được duy trì và phát triển?
Việc đầu tiên trong ngày đầu năm mới của tôi là đi chùa cầu an. Tôi là con cháu phủ Tuy Lý, nên tiếp đến là về thắp hương ông bà, tổ tiên ở phủ rồi chúc năm mới họ hàng...
Trong tất cả các nơi trên đất nước, có lẽ Huế là nơi giữ được nhiều hơn cả những giá trị cổ truyền, được người ta tôn trọng. Trước hết là giá trị ăn sâu bên trong từng trong gia đình, mối gắn kết bền chặt giữa các thành viên; lễ giáo gia phong được giữ gìn, bồi đắp... Điều này không dễ nơi nào có được!
Làm sao để hướng về và “ăn” một cái Tết Việt đúng nghĩa?
Chúng ta không nên mất quá nhiều thời gian theo Tết. Ngay chuyện dọn thức ăn lên bàn thờ nhiều buổi, kéo theo việc thức khuya, nấu nướng, dọn dẹp… Tóm lại, nên giản tiện bớt để đỡ vất vả. Đừng nhìn nhà hàng xóm mà mặc cảm bản thân. Hãy sống thật với chính mình và làm những việc có ý nghĩa là được.
Muốn Tết vui và trọn vẹn, mình phải lo cho mình, rồi tự dưng niềm vui sẽ đến. Có nhiều vui nhiều, có ít vui ít. Tự dặn lòng đừng bày vẽ, tốn kém mà hãy bằng lòng với những gì mình đang có. Mọi sự do mình, không phải do vật ngoại thân. Biết đủ là đủ, còn đòi cho đủ thì biết bao giờ mới vừa ý.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Phan Thành - Linh Tuệ (Thực hiện)