ClockThứ Năm, 17/12/2015 16:23

Địa chí văn hóa làng

TTH - Gần đây ở Thừa Thiên Huế xuất hiện một số cuốn địa chí, công trình khảo cứu về làng. Tiêu biểu là các cuốn sách “Địa chí văn hóa làng Mỹ Lợi” của nhóm tác giả Lê Văn Thuyên, Lê Nguyễn Lưu và Huỳnh Đình Kết, “Sống ở làng” của Lê Bá Kỳ, hay các công trình khảo cứu về các làng Hải Cát, làng Phước Tích của Nguyễn Hữu Thông và các cộng sự ở Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế. Bên cạnh làng, cũng đã xuất hiện những cuốn địa chí xã, huyện và cả tỉnh. Cuốn “Địa chí Thừa Thiên Huế” xuất bản được 4 tập. 

So với xã, huyện hay tỉnh, đọc địa chí văn hóa làng vẫn cảm thấy thú vị hơn nhiều. Một phần do cách viết của các tác giả, phần nữa cũng rất quan trọng là do không gian văn hóa làng vốn gần gũi, gắn bó từ bao đời nay với mỗi con người. Những cư dân từ phía bắc “nam tiến” vào Thuận Hóa xưa khẩn hoang và mưu sinh, đã quần tụ và sinh sống bên nhau đầu tiên bên trong các làng ấp. Trải qua bao thay đổi, văn hóa làng với những thiết chế văn hóa truyền thống, lối sống và phong tục tập quán riêng có vẫn được bảo lưu, gìn giữ và phát triển. Nó khác với các xã, huyện hay tỉnh có nhiều thay đổi và là một đơn vị tập hợp mang nặng tính chất hành chính.

Khảo sát về làng ở Thừa Thiên Huế, dễ dàng nhận thấy sự phong phú, đa dạng đến bất ngờ các kho tàng văn hóa tiềm ẩn bên trong những lũy tre xanh. Đằng sau những đặc trưng chung của cái gọi là văn hóa làng xã là những khám phá đến từ mỗi làng quê. Ví như Hải Cát là một ngôi làng ven đô, nhưng quá trình hình thành và phát triển đã có những nét đặc thù không giống với những ngôi làng kế cận. Chính cái thiêng của thần nữ Thiên Y A Na đã chi phối không ít đến lịch sử hình thành, cấu trúc ngôi làng, mối quan hệ và ứng xử trong tổ chức, thiết chế lẫn cơ chế vận hành. Hay như làng Mỹ Lợi, đứa con muộn của xứ Thuận Hóa, quá trình khai sinh và trưởng thành đã có những nét độc đáo riêng. Nói như nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu, nó như đám cây xanh vẫn mọc lên tươi tốt giữa cồn cát trắng.
Chính sự phong phú và khác biệt của các thôn làng ở Thừa Thiên Huế đặt ra vấn đề cần thiết phải có nhiều hơn nữa những công trình địa chí và khảo cứu về làng. Đó là cách ôn cố tri tân, tìm hiểu để bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa xưa, vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay khi mà vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có quá trình đô thị hóa, đã và đang có không ít những giá trị truyền thống bị xem thường và dần bị mai một theo thời gian. Không thể lập kế hoạch phát triển cho mỗi vùng đất mà không biết gì về tiềm năng, lịch sử và đặc biệt là những giá trị văn hóa mang tính đặc thù. Chính những công trình địa chí, khảo cứu và ghi chép tâm huyết, công phu về làng quê sẽ là cơ sở để khởi đầu cho việc hình thành kế hoạch phát triển đó.
Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguồn cảm hứng làm nên những ca khúc bất tử

Nếu tôi không nhầm, thì tiểu thuyết “Vầng trăng Him Lam” của Châu La Việt là một trong ít tác phẩm sớm nhất hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024).

Nguồn cảm hứng làm nên những ca khúc bất tử
Thành lập Câu lạc bộ thơ ca Đất Việt xứ Huế

Sáng 30/4 đã diễn ra lễ ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Thơ ca Đất Việt xứ Huế, trở thành thành viên thứ 14 của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy thơ ca Đất Việt thuộc Viện Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc.

Thành lập Câu lạc bộ thơ ca Đất Việt xứ Huế
Return to top