Thứ Ba, 10/02/2015 09:13
(GMT+7)
Đóa hàm tiếu chào xuân
TTH - Lúc còn là cô bé con quanh quẩn chân ba chờ đêm giao thừa, nghe những khúc ca xuân vang lên rộn ràng từ cuộn băng cát xét cũ, tôi đã nhớ như in câu hát “Vườn xuân thơm ngát hương xuân sắc hoa hàm tiếu…”. Có lẽ vì vương vấn về tên một loài hoa mình chưa hề nhìn thấy chăng? Với vốn chữ Hán non nớt học lỏm từ ông nội, tôi mơ hồ hiểu “hàm tiếu” nghĩa là nụ cười chúm chím, cười ẩn vào bên trong. Không hình dung được màu sắc, mùi hương cụ thể như thế nào. Như thế, tôi đinh ninh rằng loài hoa ấy chỉ có trong trí tưởng tượng của con người mà thôi.
Tết Giáp Ngọ vừa rồi, cơ duyên cho tôi gặp một doanh nhân đam mê cây cảnh, ông đã chỉ cho tôi những cây hàm tiếu được trồng trước sân nhà. Niềm vui len nhẹ trong lòng như áng mây trôi giữa thinh không, tôi say mê hỏi về loài hoa ấy. Ông giải thích: “Hàm tiếu thuộc họ ngọc lan, tên khoa học là Magnolia figo, có người gọi là dạ hợp hương, lan tiêu. Hàm tiếu là loài cây thân gỗ bụi, cao chừng 2-3 mét, lá nhỏ, nụ hoa có vỏ bao ngoài với lớp lông tơ mịn, hoa màu trắng ngà, gồm 5-6 cánh, nhụy bao quanh đài hoa màu xanh. Khi nở, hoa có mùi thơm dìu dịu tựa mùi chuối chín”.
Trong làn mưa bụi dìu dịu của tiết trời sắp vào xuân, nụ cười an nhiên của một con người đã qua bao dâu bể của cuộc đời như làm lòng tôi điềm tĩnh lại. “Hoa hàm tiếu có sắc mà chẳng loè đời, có hương mà chẳng cầu tục”, câu nói ấy lột tả hết thần thái của loài hoa quý hiếm này. Ông ngắt một nụ hoa bé xíu nhẹ đặt vào lòng bàn tay tôi và nói: “Thực ra, hoa hàm tiếu không ở đâu xa, nó ở ngay trên nét mặt, trên ánh mắt, trên khóe môi khi ta có niềm vui sống”.
20 năm qua đi kể từ ngày tôi lon ton theo ba lượm pháo tép. Tôi tin rằng ai cũng trải qua thời thiếu nữ e ấp thẹn thùng và để lại nụ “hàm tiếu” trong lòng ai đó. Những xô bồ của cuộc sống càng làm tôi trân trọng hơn những niềm vui dù nhỏ nhất mà cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn từng tha thiết: “Mỗi ngày, tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa và những nụ cười”.
THU MỸ