ClockChủ Nhật, 20/10/2024 06:40

Du lịch đồng hành cùng văn hóa di sản

TTH - Du lịch là ngành công nghiệp, dĩ nhiên trước hết mang lại lợi nhuận, đóng góp lớn trong ngành kinh tế của tỉnh. Song hành với đó cũng là quảng bá các di sản thiên nhiên, văn hóa, di sản của tiền nhân để lại. Đây cũng là cách quảng bá cho một vùng đất tươi đẹp, thân thiện, giàu tri thức và tiềm năng đến với cả nước và thế giới.

Bảo tồn di sản văn hóa bằng công nghệ sốNền tảng phát huy các giá trị văn hóa, di sản

 Du khách tham quan Nhà Lưu niệm Bác Hồ tại Dương Nỗ (xã Phú Dương, TP. Huế).  Ảnh: P. Thành

Du lịch, ngoài việc chiêm ngắm cảnh quan thiên nhiên, động vật, còn là cảm nhận di sản, bản sắc văn hóa quê hương. Làm tốt công tác du lịch cũng là góp phần lớn trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, văn hóa, thảm thực vật, các khu bảo tồn thiên nhiên, giúp cân bằng sinh thái. Đó âu cũng là mục đích quan trọng của nhân loại đối với quả địa cầu xanh. Mỗi điểm đến của du lịch thường mang đậm những sắc thái văn hóa của vùng đất đó. Như trên Cửu đỉnh trong Đại Nội Huế, hội tụ những tinh hoa của cả nước. Trên đó, có cả loài hoa ngô đồng, quý hiếm hơn khi những bông hoa vẫn nở tím trong Kinh thành và ngoài vùng ven với những cây ngô đồng có thể gọi cổ thụ.

Giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của quê hương luôn cần sự quảng bá với nhiều lứa tuổi, nhất là tính giáo dục đối với học sinh, sinh viên. Đơn cử như Hệ thống Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế, đây là di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt; không gian gần gũi, ý nghĩa gắn với một phần đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lúc theo gia đình vào Huế lần thứ nhất từ năm 1895. Thời gian Người ở Huế chỉ khoảng 10 năm song đã để lại những dấu ấn đậm nét, hòa vào không gian con người xứ Huế; là hình ảnh của Người trong ngôi Trường Quốc Học, nơi Người từng học tập và gặp gỡ các nhà trí thức yêu nước sau này; là Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Người ở làng Dương Nỗ như còn vẳng tiếng à ơi của mẹ.

Huế với tiềm năng lớn về du lịch, đã và đang phát huy giá trị văn hóa của vùng đất. Tôi luôn nhớ đến Nhà thờ cụ Phan Bội Châu ở phường Trường An, nếp nhà nhẹ nhàng, thanh thoát. Nhớ bức tượng đầy chí khí của cụ Phan nay được di dời về bên cạnh cầu Trường Tiền để khách ngang qua dễ dàng nhìn ngắm. Cả ở nơi xa và cũng khó di chuyển như mộ cụ Phạm Quỳnh với câu nói khắc bên bia: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”, vào mỗi dịp Nguyên tiêu nhiều người đã ghé thăm, suy ngẫm. Khi đến với lăng tẩm, đền đài, thành quách, chúng ta không chỉ biết đến một công trình kiến trúc tâm linh, nhắc nhớ thời đoạn lịch sử, còn là hiểu thêm về tư tưởng, tính cách chủ nhân của nó nữa. Bia Khiêm Cung Ký ở lăng vua Tự Đức là tác phẩm điêu khắc mang tính nghệ thuật cao, một văn bản đặc biệt giá trị với số lượng Hán tự khắc trên đá nhiều nhất; là bia duy nhất lưu giữ nét bút của chính vua Tự Đức. Hơn hết là chữ "Khiêm” sáng chói, tự soi xét lỗi lầm, khuyết điểm của tác giả trước lịch sử, cũng cho thấy tâm - trí của vị vua để lại cho đời sau. Du lịch là học hỏi, là thu nhận nguồn năng lượng cho trí tuệ và sáng tạo.

Ngay cả những địa chỉ nổi danh xa xưa đã không còn, vẫn vẫy gọi sự tò mò của người đời đến trải nghiệm, hồi tưởng về dòng sử cũ. Đó là “Chợ Đông Ba đưa ra ngoài giại”; là “phiên Gia Lạc” thời vua Nguyễn họp vào ba ngày đầu xuân xênh xang áo mũ tài tử giai nhân cùng giới bình dân vui chơi, mua sắm; là ngôi chùa do một bà hoàng lập nên hay hiên phủ đệ nào đó ở Kim Long như còn in dấu gót hài. Đôi khi ta lại muốn đến con đường mang tên nàng công chúa xưa kia “mượn màu son phấn đền nợ Ô-Ly” để đắm trong hương thơm của tấm lòng trinh bạch; để vọng niệm Huyền Trân - một thần nữ trung trinh ra đi, một nữ tu lung linh khi trở về; những gam màu hòa trộn cho mối nhân duyên giữa dân gian và chính trị.

Các em học sinh tham quan, tìm hiểu giá trị di sản văn hóa ở Nhà Lưu niệm Bác Hồ tại Dương Nỗ (xã Phú Dương, TP. Huế). Ảnh: P. Thành 

Đầu tháng 5 vừa qua, huyện Phú Lộc tổ chức kỷ niệm 15 năm “Lăng Cô - Vịnh đẹp thế giới” (2009 - 2024). Dấu mốc này làm tôi nhớ đến một bức ảnh trên bìa tạp chí, chụp bằng phương pháp pano khá mới mẻ trong giai đoạn đó; mặt trời nhô phía xa dãy núi, sóng nước hình nan quạt, đô thị Lăng Cô uốn lượn, sắc màu hồng đỏ, trắng, xanh thẫm tạo nên hiệu ứng thị giác quyến rũ. Tôi nhớ đến dòng thơ về Bạch Mã mờ sương, thiền viện tĩnh lặng, biển mơ vàng mướt nắng, những cung đèo, đường ray ráng nhuộm như uốn cả trời mây trôi mải miết trong hoài niệm. Đứng trên một lưng núi, ta sẽ thấy hình bóng của mẹ Âu Cơ trong tác phẩm sắp đặt Huyền thoại Lăng Cô của họa sĩ Đinh Khắc Thịnh với những quả trứng khổng lồ trên bãi biển. Giấc mơ đã hiện về trong nắng, trong sương, phiêu nơi từng nốt nhạc. Tiếp đó, tin vui cùng với “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” được UNESCO ghi danh vào Danh mục Ký ức thế giới. Hình ảnh về Cửu đỉnh cũng xuất hiện trên trang bìa của các báo, tạp chí. Điều này cũng đúng với mong muốn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, di sản Huế nhiều hơn nữa trong mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Tôi ở Huế mấy mươi năm, đi khắp vùng miền, mỗi năm, mỗi mùa lại khác với những vẻ đẹp quyến rũ, như mình là khách xa đến đây du lịch vậy. Đôi lúc tôi đứng trước dấu tích văn hóa Champa trên một bãi cát lắng mình như nghe ai ngâm trong điệu Nam Bình, thương nhớ mối tình ly biệt. Đến Huế để hoài niệm với dòng sông Hương, với núi Ngự thông reo. Có nhà nghiên cứu đã xem Ngự Bình như Bình phong của Kinh thành Huế. Từ đây, các địa chỉ du lịch, tâm linh, di sản Huế đã được nghề truyền thống làm thành sản phẩm du lịch đặc thù, mang lại cho du khách những món quà nhỏ, tinh tế để nhớ mãi một chuyến đi. Một chữ Huế đã là mỹ từ thu hút người người đến để cảm nhận, thấy sự hài hòa giữa văn hóa, di sản và thiên nhiên, để sáng tạo thêm những tác phẩm nghệ thuật và tiếp tục hành trình lan tỏa sắc thái Huế đến muôn nơi.

Nhụy Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo sức bật từ năm du lịch quốc gia

Năm 2025, Thừa Thiên Huế được chọn để đăng cai tổ chức năm du lịch quốc gia. Đây là cơ hội để ngành du lịch Cố đô kết nối và tạo được dấu ấn, khai thác hết tiềm năng, lợi thế, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Tạo sức bật từ năm du lịch quốc gia
25 năm đồng hành cùng A So: “3 bám, 4 cùng, 6 xóa”

Gần 25 năm kiên trì gắn bó với vùng biên giới A So, huyện A Lưới, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 92 - Quân khu 4 không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được giao, mà còn góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây.

25 năm đồng hành cùng A So “3 bám, 4 cùng, 6 xóa”
Hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới

Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Thành ủy về phát triển du lịch, dịch vụ (DLDV), trọng tâm là phát triển, hoàn thiện dịch vụ, du lịch về đêm, ẩm thực Huế (viết tắt là Nghị quyết 03), nhiều sản phẩm du lịch mới trên địa bàn thành phố hình thành, chất lượng dịch vụ ngày càng nâng lên đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới
Return to top