ClockThứ Tư, 15/09/2010 21:10

Êm đềm tuổi thơ

TTH - Huế dường như chỉ có hai mùa nắng và mưa. Nếu nắng thì gay gắt và mưa thì dai dẳng triền miên. Huế khắc nghiệt. Nhưng nơi đó ôm ấp một tuổi thơ đầy nắng gió của tôi.

Nhớ về ngày nhỏ, bên khu vườn rộng màu cổ tích, có cây khế già rụng hoa ngập đầy lối đi nhỏ, có đủ loại rau củ và sam-pu-chê, na, ổi để ba mẹ có thể đem bán nuôi chị em tôi ăn học... Cái thời bao cấp ấy, nghèo chi lạ. Ba đi bắn dơi, bắt ếch, nhiều khi bán cả đồ điện và những trang sách quý từ thời nhỏ để nuôi nấng gia đình. Và ba chị em tôi tíu tít xếp hàng chiêm ngưỡng thành quả của ba. Tôi lớn lên từ đó. Nhưng trong tôi, tuổi thơ là những gì đẹp nhất mà mình từng trải qua. Bởi tôi được sống trong tình cảm ấm nồng và yêu thương rứt ruột...

Những ký ức tuổi thơ luôn hiện về với những màu sắc lấp lánh như cầu vồng. Màu của trời đêm ngủ ngoài hiên cho những giấc mơ dài. Màu bàn học, nét bút mực, nhớ truyện tranh cùng tiếng cười khúc khích như ngô rang ngày hạ. Ngày biết tập tô đã vẽ ông mặt trời hiền hiền như bố. Ngày mẹ mua cho váy mới nhiều màu, tôi tết tóc hai bên chạy lon ton khắp phố. Và tung tăng chiếc xắc xinh xinh đựng những món đồ hàng. Tôi nhớ con cá chép nhựa ngày nhỏ từng tắm chung, luôn bị tôi đổ nước vào đầy bụng rồi cho xịt ra lẹp xẹp và cười vang cả nhà. Chơi đồ hàng bằng lá cây và đồ nhựa vỡ. Nhưng giờ đây ước được một lần gặp lại chú cá bé nhỏ ấy, gặp lại những đồ chơi nhựa vỡ ấy một lần thôi...
  
Nhớ một cô bé mồ hôi nhễ nhại chạy chơi ô ăn quan, bắn chun, nhảy dây và ùn đẩy xếp hàng vào lớp. Được bạn cho viên ô mai là sung sướng cười cả tiết học. Và những tiết trốn học chạy qua sân chùa hái me, nhặt đào rơi... Cái ngày cùng bạn làm nên “chiếc điện thoại” bằng vỏ hai lon bia và 1 đoạn dây cũ ấy, thế là cũng alô như ai. Giờ đây công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, “chiếc điện thoại” ngày ấy chỉ còn trong kỉ niệm...
 
Khi đã lớn rồi, nhiều kỉ niệm cũng rơi rớt, mắc quai trên vô vàn chi tiết. Nhưng sẽ chẳng thể nào quên đôi bàn tay bé nhỏ bám chặt hai thành giỏ xe trên chiếc xe đạp ngoại chở đi chơi khắp phố. Tôi vẫn thầm ao ước có một vé đi về tuổi thơ trên rất nhiều chuyến tàu cuộc đời, vé một chiều chẳng còn đường quay lại, chở ta về tuổi thơ mãi mãi. Nhưng kí ức chỉ có thể trở về qua kỉ niệm ngày nhỏ mà thôi...
 

Minh họa từ internet
 
Huế là thành phố của lăng tẩm, thành quách cổ, với sông Hương, núi Ngự Bình, đàn Nam Giao lộng gió... Nhớ những hoàng tử áo xanh, công chúa áo vàng đang du ngoạn trên thuyền rồng trong giấc mơ tôi ngày ấy... Và ngày đứng trên đồi Vọng Cảnh để được phóng tầm mắt về chân trời hồng tít tắp. Lắng nghe chuông chùa Linh Mụ mỗi tối dào dạt mơ mộng ru giấc ngủ và đánh thức thời giờ dậy đòi quà sớm mai. Giờ đây, tôi nhìn Huế với ánh mắt khác, tâm hồn khác nhưng dường như luôn có dây tơ mềm cột chặt với Huế không bao giờ dứt được. Cuộc sống ở Sài thành nhộn nhịp và năng động này, liệu có đủ để luôn nhớ về Huế nữa không? Đôi khi cuộc sống cuốn ta theo những guồng quay nhưng dù ở đâu trái tim tôi vẫn hướng về Huế, nơi quê hương tuổi thơ tôi, nơi có gia đình nhỏ yêu thương, nơi chắp cánh ước mơ của tôi bay xa…
 
Đỗ Linh Chi
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huế nên bảo vệ những di chỉ văn hóa - lịch sử

Là chốn Kinh đô của Triều Nguyễn, Huế mang trong mình rất nhiều di chỉ văn hóa - lịch sử quý, mà chính quyền và Nhân dân Huế không thể không quan tâm giữ gìn, bảo vệ và khai thác mọi lợi thế trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố Huế thành trung tâm văn hóa nổi tiếng của cả nước.

Huế nên bảo vệ những di chỉ văn hóa - lịch sử
Lắng nghe vườn Huế

“Tôi nghiên cứu nhà vườn như mối liên hệ giữa nghệ thuật với văn hóa Việt Nam, mối liên hệ sâu sắc với mảnh đất và tinh thần Huế. Nét văn hóa ẩn tàng vẫn còn tồn tại trong những giá trị và bản sắc Huế ngày nay”, Giáo sư (GS), kiến trúc sư (KTS) cảnh quan Kimberlee Stryker (Đại học California, Berkeley) đã nói như vậy trong nghiên cứu về vườn Huế: “Listening to the Gardens of Hue, Vietnam”, cách đây 25 năm.

Lắng nghe vườn Huế
Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”
Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
Return to top