Xúc động sao khi nhìn những món quà chuyển đến vùng lũ lụt những ngày qua. Bên cạnh gạo, mì gói, nước uống đóng chai cùng nhiều loại thực phẩm thường dùng, thấy có cả bánh tét và bánh chưng. Những chiếc bánh, đòn bánh có thể không thật xinh xắn, tròn trịa hay vuông vắn, thường thấy ở các quầy bánh hàng ngày ở chợ An Cựu gần nhà tôi hay bên kia phố bánh chưng Nhật Lệ. Thế nhưng, thoáng bắt gặp những chiếc bánh kia giữa khung cảnh mưa gió lạnh lẽo của một ngày nước lụt ngập tràn đã thấy trào dâng một cảm xúc lạ lùng và khó tả.
Thông thường, chỉ đến Tết mới có chuyện nấu bánh tét, bánh chưng. Thế nhưng, lướt vội trên các trang báo hay facebook, đã thấy rộn ràng và đỏ lửa khi cả nước cùng nấu bánh cho miền Trung lụt lội. Có nơi, cả làng cùng chung tay, nhà nhà góp nếp, thịt, lá; rồi trẻ già ngồi cùng nhau rửa lá, gói bánh. Hàng chục chiếc nồi lớn được xếp thành dãy dài, đỏ lửa xuyên đêm để kịp cho ngay sáng hôm sau các nhà xe gom bánh chở miễn phí đến vùng lũ cứu trợ. Nghệ An có chương trình “Bánh chưng xanh ấm lòng đồng bào vùng lũ”, còn Phú Yên có “Gói yêu thương” gửi về vùng lũ… Nhiều nữa, những phong trào có tên gọi mến thương.
Cũng đã có những đáng tiếc xảy ra khi có nơi bánh chưng chưa kịp tới tay người dân vùng lũ đã bị hỏng, bị ôi thiu. Một phần do thời tiết. Phần nữa do được làm với tinh thần hết sức khẩn trương đi cứu đói nên các khâu làm sạch, để nguội bánh... chưa chu toàn. Trong thùng xe vận chuyển đồ cứu trợ vừa nóng vừa kín vừa bí, bánh xếp chồng lên bánh. Quá trình chuyên chở gặp nhiều ách tắc. Chưa kể, bên trên là mưa dội xuống, phía dưới lụt lội mênh mông và ẩm ướt, có người nói đùa mà như thật, đến người còn ôi thiu nữa là bánh! Và để khắc phục, một số bà con ở quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), Quy Nhơn (Bình Định) nghĩ ra cách cho bánh chưng vào bao hút chân không để bảo quản được lâu ngày, thương sao!
Tôi nghĩ, trên hết từ câu chuyện đòn bánh tét và chiếc bánh chưng hôm nay là tấm lòng và niềm yêu thương. Chuyện xưa, rằng vua Hùng thứ 6 muốn truyền ngôi, bèn bảo: “Con nào tìm được của ngon vật lạ để bày cỗ, ta sẽ truyền ngôi”. Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm. Chỉ có Lang Liêu khó khăn, không biết chuẩn bị gì. Một hôm, nằm mộng thấy có vị thần bảo: “Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành”. Lang Liêu tỉnh dậy, mừng rỡ và làm theo lời Thần dặn. Giữa rất nhiều sơn hào hải vị, vua Hùng chỉ hài lòng duy nhất với món bánh chưng và bánh dày của Lang Liêu và đã truyền ngôi cho chàng.
Kể lại chuyện xưa để thấy, mỗi chiếc bánh chưng hay đòn bánh tét tuy nhỏ bé và còn nhiều khiếm khuyết nhưng ẩn chứa trong đó là tình cảm của đồng bào nhiều nơi gửi gắm cho miền Trung và cho Huế. Hoàn cảnh có thể còn vất vả, nghèo khó nhưng tình nghĩa luôn đong đầy. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho tinh thần đoàn kết, thương người như thể thương thần từ xa xưa cho đến nay của người Việt, là nét đẹp văn hóa luôn được lan tỏa. Mỗi khi gặp khó khăn, người dân cả nước lại sát cánh bên nhau giúp đỡ, chia sẻ để cùng vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo.
Đan Duy