Hoạ sĩ Vĩnh Phối bên những tác phẩm của ông
Tuy nhiên, mới lạ thì đúng rồi, rất đúng là đằng khác, nhưng hoang dại thì e là có chút phạm thượng. Là người đã từng làm việc, hoạt động mỹ thuật dưới quyền của ông nhiều năm, tôi thấy nói vậy cũng chẳng làm ông để ý lắm, tính cách và bản thể của ông là vậy: lặng lẽ đến tận cùng và khi bùng nổ thì đến mức không gì cản nổi.
Tranh của ông bây giờ thật khác trước, ông càng trở về trừu tượng thì cái chất “đanh” đầy trí tuệ của ông lại càng lộ rõ. Đối với họa sĩ Vĩnh Phối, ám ảnh quá khứ là những hình ảnh bền vững, là những ký ức không bao giờ phai nhạt. Ông đưa vào tranh Ký ức những trăn trở tâm linh về Huế, những niềm vui chợt loé nhưng đậm nhất lại là sự cô quạnh của một tâm hồn nghệ sĩ đa cảm. Bức tranh vẽ về đất nước ngàn năm, sự cảm nhận về Thăng Long một thủa của ông chan chứa bao nỗi niềm tự hào và cả sự triết lý có vẽ bí ẩn. Cái đẹp mà ông phác họa ra bằng ngôn ngữ hội họa, dẫu chưa đến tận cùng của cái đẹp nhưng lại có sức hút, sức lan tỏa lạ kỳ. Gần đây, tranh của ông càng làm cho người xem liên tưởng về hồn thiêng Chămpa. Cảm thức về Huế, về danh bậc, vị thế của mỗi cá thể, về những thân phận con người như Huyền Trân, Nguyễn Trãi, Lê Lợi… trong tranh của ông, người xem chợt nhận ra ông đã khơi dậy một mạch chảy văn hoá khác lạ và bất ngờ. Bức tranh Con cháu rồng tiên của ông trưng bày tại 1000 năm Thăng Long là một ám ảnh như vậy.
Tác phẩm "Nàng tiên cá"
Sau hơn 10 năm về hưu, họa sĩ Vĩnh Phối vẫn đều đặn tham gia những triển lãm quốc tế tại Thailand, Pháp, ông còn đem tranh qua triển lãm tại Thụy Sĩ. Với họa sĩ Vĩnh Phối, có những điều không phải là thông lệ, bằng chứng là trong khi nhiều họa sĩ khác càng lớn tuổi, càng run tay vẽ, tranh vì vậy cũng “nhạt” hơn thì họa sĩ Vĩnh Phối càng vẽ càng hăng. Sự hưng phấn nghệ thuật ở ông nhiều khi thật đáng kinh ngạc. Khi khách đến nhà, ông đang vẽ và cũng có ý định nhấn vài điểm, để rồi tiếp khách, nhưng sự say mê, cuốn hút đã làm ông quên tất cả, nên bạn bè, khách khứa tự ra về mà chẳng ai nỡ trách.
Sinh viên mỹ thuật của nhiều thế hệ đều yêu quý ông, yêu đến mức có những giai thoại về ông mà kể mãi đến buồn cười mà không hiểu vì sao như vậy. Chẳng hạn sinh viên kể rằng ông đã từng ký “đồng ý” vào một tờ giấy xin họa phẩm mà không đọc cái câu của một tay sinh viên láu cá nào đó viết thêm ở dưới rằng “thầy Phối vẽ xấu tệ”.
Tác phẩm "Ký ức"
Còn nhớ những năm 90, khi làm chủ nhiệm một đề tài NCKH cấp tỉnh với kinh phí mấy chục triệu đồng, ông đã chi thoải mái cho các CTV, và gần như chi toàn bộ tiền công của mình, ông đã san sẻ cho những đồng nghiệp còn khó khăn hơn. Nếu đã hiểu ông qua những câu chuyện như thế thì mới cảm nhận hết cái trong trẻo đến dễ thương và cả sự hoang dại đến ngơ ngác trong tranh Nàng Tiên Cá của ông. Màu xanh lạnh và huyền hoặc lơ lững trong tranh đưa người xem trở về ký ức trẻ thơ qua chuyện cổ tích của Andecxen. Nhưng người cá qua hội hoạ của ông bất ngờ và náo động đến khác lạ trong sắc âm của một người vẽ đã rất điêu luyện tỏ về nuối tiếc, muốn trở lại vẽ ngây thơ, hồn nhiên, vụng về của con trẻ mà mãi mãi không bao giờ được nữa.
Năm nay tuổi đã cao, ông vẫn đi cùng anh em sáng tác trẻ lên tận vùng đất Tổ ở Phú Thọ, đi hết các kinh đô ở Hoa Lư, Lam Kinh để nghiên cứu sáng tác. PGS.Hoạ sĩ Vĩnh Phối đang trở lại với nghệ thuật trừu tượng, dòng nghệ thuật mà ông thành công từ những năm 60 và giờ đây đang toả sáng với những sự táo bạo, lay động và hoang dại đến lạ kỳ.
Lý Hạnh