ClockThứ Tư, 26/07/2023 21:41

Hoàng Phủ Ngọc Tường đã “về ngủ dưới khung trời cỏ hoa”

TTH.VN - Trong bài thơ “Về chơi với cỏ”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết câu thơ định mệnh: “Mai kia rồi cũng xa người/ Tôi về ngủ dưới khung trời cỏ hoa”

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đờiVĩnh biệt nhà văn hóa Hoàng Phủ Ngọc Tường

Rạng sáng ngày 24/7/2023, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã rời cõi tạm, về cõi “cỏ hoa” của ông, hưởng thọ 87 tuổi. Rất nhiều người thương tiếc ông. Huế tiếc thương ông, bởi các trang bút ký tuyệt đỉnh của ông, như Nhà văn Tô Hoài nói: “Hoàng Phủ Ngọc Tường trầm cả tâm hồn trong khuôn mặt cuộc đời cùng với đất trời, sông nước của Huế”, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc nhận định “Hoàng Phủ Ngọc Tường – người lập ngôn cho văn hoá Huế”.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường quê Quảng Trị, nhưng từ nhỏ đi học, sau đó đi dạy và tham gia kháng chiến, sau hoà bình phần lớn thời gian đều ở Huế. Ông có nhiều đóng góp cho văn hoá Huế. Khi những bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường xuất hiện, người ta nhận ra Huế đang có thêm một người kể chuyện cho văn hóa Huế, với cách kể chuyện rất mực tài hoa, say đắm, uyên bác, hấp dẫn. Thể loại bút ký được cây bút bậc thầy Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện, đã có thể chạm tới những mạch vỉa âm trầm nhất của lịch sử, những góc khuất của ký ức vùng đất… Bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khơi mở hàng loạt các giá trị văn hóa Huế một cách có hệ thống, uyên bác, song lại rất nhiều cảm xúc… Nhà vườn Huế đã tồn tại hàng trăm năm trước đó, nhưng phải đến khi “Hoa trái quanh tôi” của Hoàng Phủ Ngọc Tường ra đời năm 1983, người ta mới nhận ra Huế có một thực thể thiên nhiên đầy minh triết đến thế. Ông nhận chân giá trị thiên nhiên Huế trong cuộc sống con người Huế: “Hình như khi xây dựng nên đô thị của mình, người Huế không bộc lộ cái ham muốn chế ngự thiên nhiên theo cách người Hy Lạp và người La Mã, mà chỉ tìm cách tổ chức thiên nhiên trở thành một kẻ có văn hóa để có thể tham dự một cách hài hòa vào cuộc sống của con người, cả bên ngoài và bên trong…”

leftcenterrightdel
 Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thời còn trẻ. Ảnh: Liên hiệp các hội VHNT tỉnh

Một trong những bút ký hay nhất của Hoàng Phủ Ngọc Tường là “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, áng văn đã được đưa vào sách giáo khoa và đã có hàng trăm bài phê bình phân tích. Tác phẩm ấy là tinh hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Thiên nhiên cỏ hoa, cảm hứng sông nước hòa hợp một cách lạ lùng. Đọc bút ký này, ta như thấy dòng sông Hương đang trôi, cùng với vô vàn câu chuyện sử thi của nó, nồng thắm, đầy cảm xúc, đầy biểu tượng. Có thể nhận ra rất nhiều những cách “lập ngôn cho văn hoá Huế” của Hoàng Phủ Ngọc Tường qua các bút ký khác nổi tiếng của ông: “Ngọn núi ảo ảnh”, “Miền cỏ thơm”, “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu”, “Tuyệt tình cốc”…

Bên cạnh các bút ký, thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng có những bài thơ xuất sắc. Ông có các tập thơ “Những dấu chân qua thành phố” (1976), “Người hái phù dung” (1992)…  biên độ thẩm mỹ thi ca của ông lan tỏa trong nhiều thế hệ. Nhà thơ Ngô Minh viết: “Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường là vẻ đẹp của nỗi buồn hoài niệm, những day dứt triết học, từ sâu thẳm thời gian, sâu thẳm đất đai vọng lên trong tâm khảm người đọc”. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo khi còn sống cũng viết “Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường thấm đẫm triết học về cái chết… Thơ anh buồn một nỗi buồn đứt ruột…”

Với thơ, ông quan niệm: Mỗi người chỉ thực sự là chính mình trong căn nhà của mình. Thơ cũng vậy. Thơ cần phải trở về nơi cư trú của nó là nỗi buồn. Với tập thơ “Người hái phù dung”, nỗi buồn đã được ông viết hoa, nâng lên thành triết lý, có sức ám ảnh lớn về những điều muôn thưở: Tình yêu, sự sống, cái chết... Tất cả đều được nhà thơ tư duy bằng kinh nghiệm buồn của chính mình thông qua sự đối chiếu với các phạm trù như: thời gian, tình yêu, cuộc sống... Như những câu thơ dưới đây khái quát về sự mỏng manh, ngắn ngủi của đời người qua sự đổi màu của loài hoa phù dung cánh trắng:

“Anh hái cành phù dung trắng

Cho em niềm vui cầm tay

Màu hoa như màu ánh nắng

Buổi chiều chợt tím không hay”

(Người hái phù dung)

Hoàng Phủ Ngọc Tường quan niệm, với tình yêu không thể giản đơn bởi đó là sản phẩm kỳ lạ nhất của trái tim, và tình yêu là một cơn mê buồn:

“Thôi em cảm tạ chờ mong

Ngày anh đi hái phù dung chưa về

Ðêm qua hương đã tàn mê

Mày ai còn dấu trăng thề như in”

(Ðêm qua)

Thơ tình Hoàng Phủ Ngọc Tường tuy buồn nhưng vời vợi, mang vẻ đẹp lung linh, tình sử.

Tôi còn ngọn nến hao gầy

Chảy như nước mắt từ ngày sơ sinh

Tôi xin em chút lòng thành

Cài lên một phiến u tình làm hoa.

( Ðịa chỉ buồn)

Nỗi buồn trong thơ Hòang Phủ Ngọc Tường thấm đẫm triết lý Ðông Phương nhưng lại gần gũi với con người hiện đại, được thể hiện bằng ngôn ngữ trữ tình, trang nhã. Sức bật của âm điệu từ ngữ, con chữ vang ngân, huyền ảo, mang đầy tính hội họa. Thiên nhiên trong thơ ông cũng mang những vẻ đẹp hướng thượng, với rất nhiều cỏ hoa:

“Thưa rằng người đã quên tôi

Tôi về chơi với ngọn đồi cỏ may”

(Về chơi với cỏ)

Tôi trở về tìm trong hương cỏ

Dịu dàng một chút bình yên

(Tôi biết nơi kia có một chỗ ngồi)

Thơ ông, vì vậy đầy tính triết lý, trang trọng, quý phái.

Hoàng Phủ Ngọc Tường hay lo âu về cái chết trong tương quan với sự sống. Nhưng rồi, đời người ai cũng về với cỏ, điều đáng sợ nhất là khi từ giã cõi đời “Không còn lại gì trong những người khác”. Những trang bút ký của ông, những bài thơ lay động khôn cùng của ông, đã khiến ông có những đóng góp lớn cho nền văn học Việt Nam.

Ông đã nhận được nhiều giải thưởng quan trọng: Tác phẩm “Rất nhiều ánh lửa” được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1980), “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, “”Di chúc của cỏ lau”, “Miền cỏ thơm” được Giải thưởng Văn học Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (các năm 1999, 2008), Giải A giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô Huế (1998-2003), Giải thưởng Văn học nghệ thuật Chế Lan Viên tỉnh Quảng Trị lần thứ nhất (2015)… Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba năm 1998.

Trong các ngày 30, 31/7, tro cốt nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sẽ được đưa về Huế làm lễ tưởng nhớ tại Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh. Sáng ngày 1/8/2023, hai vợ chồng nhà thơ sẽ được đưa đi an nghỉ ở nghĩa trang phía Bắc. Huế yêu thương và trân trọng đón những người con làm đẹp cho xứ sở về lại quê nhà. Tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường chắc chắn sẽ sống mãi cùng thời gian, cùng Huế.

Bài: KHÁNH CHU

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Nhiều cống hiến của họ Ngô ở Thừa Thiên Huế

Ngày 30/11, Hội đồng Lâm thời (HĐLT) họ Ngô tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Đại hội đại biểu họ Ngô tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2024 - 2029 để đánh giá, nhìn lại những đóng góp, cống hiến của dòng tộc.

Nhiều cống hiến của họ Ngô ở Thừa Thiên Huế

TIN MỚI

Bảng giá đệm Dunlopillo
Return to top