|
Tượng Kazik ở Hội An |
Kazimierz Kwiatkowski (1944 - 1997) được biết đến ở Việt Nam với tên gọi thân mật Kazik. Ông là một kiến trúc sư, nhà bảo tồn người Ba Lan, có những nỗ lực, những đóng góp rất lớn trong bảo tồn các di tích lịch sử và khảo cổ thành phố Hội An (khi ấy còn là thị xã), thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng thành Huế, góp phần đưa các di tích này được ghi danh vào danh mục Di sản thế giới của UNESCO.
Đầu thập niên 1980, ông được giao nhiệm vụ lãnh đạo sứ mệnh trùng tu các di tích tại Việt Nam. Ông cùng với các chuyên gia Việt Nam đã nghiên cứu, trùng tu các công trình thời trung cổ của nền văn hóa Chăm ở miền Trung. Sứ mệnh tập trung trước tiên vào những tháp thờ bằng gạch tại một thánh địa trên địa phận Amaravati của vương quốc Chămpa xưa. Một "vương quốc biến mất" mà lịch sử và văn hóa để lại không nhiều.
Trong thời gian ở Mỹ Sơn, đã có tám người trong đoàn khảo cổ của kiến trúc sư Kazik thiệt mạng do bom đạn còn lại sau chiến tranh, do bệnh tật và cuộc sống kham khổ. Năm 1991, khi nguồn tài chính, vốn thiếu trước hụt sau, cho hoạt động khảo cổ của đoàn chuyên gia Ba Lan bị chấm dứt, Kazik đã tự đứng ra kêu gọi tạo quỹ cho hoạt động của mình tại Mỹ Sơn. Ngay vào thời điểm khó khăn nhất ông vẫn nói: “Tôi chịu đựng được hết thảy, miễn sao được sống vì những ngôi tháp”. Trùng tu quần thể di tích Mỹ Sơn là công trình quan trọng nhất trong sự nghiệp của Kazik. Ông đã cứu được khoảng 20 đền tháp ở đây, và được coi là người bảo vệ cho sứ mệnh giải cứu những gì còn sót lại của nền văn hóa Chăm. Kazik luôn kiên trì theo đuổi nguyên tắc trùng tu khảo cổ học mà di tích gốc được giữ gìn nguyên vẹn ở mức tối đa và các biện pháp trùng tu chỉ được áp dụng để duy trì hiện trạng.
Ông là người đầu tiên đã chú ý đến giá trị di sản đặc biệt của phố nhỏ Hội An nằm ngay cạnh cảng thị cổ Faifo của người Chăm. Những công trình xây dựng bằng gỗ vẫn còn nguyên vẹn. Ông đã thuyết phục được chính quyền quan tâm tới thành phố nhỏ này và không nên thay đổi diện mạo các ngôi nhà cổ. Ông đã nỗ lực vận động chính quyền địa phương tiến hành các biện pháp bảo tồn, trùng tu đô thị cổ Hội An, đồng thời giới thiệu nét riêng biệt của Hội An ra thế giới.
Đầu năm 1995, Kazimierz được giao chủ trì công việc nghiên cứu, trùng tu các di tích Thế Miếu, Tả Vu của Hoàng thành Huế, dự án do Chính phủ Ba Lan tài trợ. Thời điểm đó, Chính phủ Ba Lan dành một triệu USD trong khoản xóa nợ cho Việt Nam vào việc trùng tu một số di tích ở Huế, theo đề nghị của Chính phủ ta. Kazik đã làm việc cật lực với mong muốn đây phải là một dự án mẫu mực nhất. Kazik, vợ con Kazik, và bạn bè, không ai có thể ngờ rằng ông gắn bó với Việt Nam liên tục 17 năm. Và Kazik qua đời cũng ở Việt Nam vào ngày 19/3/1997, do nhồi máu cơ tim, khi công việc còn đang dang dở. Di hài của ông sau đó được chuyển về quê hương ở Ba Lan.
Kazik mất tại khách sạn Thành Nội Huế, sau những ngày làm việc quá căng thẳng. KTS. Hoàng Đạo Kính phát biểu trong lễ truy điệu, tại nhà Hữu Vu: “Kazik đã cùng chúng ta cứu một số di sản văn hóa, nhưng giờ đây không ai trong chúng ta có thể cứu được Kazik”!
Kazik góp công lớn trong việc đưa Hội An và Mỹ Sơn trở thành Di sản thế giới. Năm 2007, thành phố Hội An đã dựng một bức tượng để tưởng nhớ công lao của ông ở ngay trung tâm phố cổ. Năm 1999, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã ra mắt một tuyển tập các bài viết về kiến trúc sư Kazik với tựa đề “Kazik, ký ức bạn bè”. Nhà nước Việt Nam đã tặng Kazik Huân chương Lao động hạng Nhì. Tôi lấy làm tiếc vì Huế chưa có con đường gắn biển tên Kazik. Và cả Cadie, nhà Huế học người Pháp, giới nghiên cứu trong cả nước gọi ông là nhà Việt Nam học, đã mất tại Huế, có mộ ở Huế, nhưng đến nay vẫn chưa có tên đường.