ClockThứ Sáu, 09/09/2016 13:55

Khi con trẻ viết nhật ký

TTH - Ngày 15 tháng 3…

Bữa ni Mây có một người bạn mới đó là “Nhật ký”, người bạn này còn thân hơn mấy bạn trên lớp. Mây rất thích viết nên mới “mua” bạn Nhật ký đó chớ! Nếu mà Mây không thích thì đời nào mà Mây mua!

Ngày 24 tháng 3…

Hôm nay ba chở Mây đến trường để học, đến nơi không thấy bạn mô cả! Khi ba Mây gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm, mới biết trường cho nghỉ học để ôn thi. Hic! Biết thế thì ngủ ở nhà cho thẳng giấc!...

 … Chị Hòa vừa ngạc nhiên vừa cảm động khi tình cờ đọc được mấy dòng nhật ký của Mây, con chị. Hóa ra đứa trẻ mới học lớp 4, bề ngoài có vẻ ngu ngơ, tưởng nó không biết gì, hóa ra nó biết hết, chỉ có mình là vô tình! Chị thấy hiểu con hơn. Thấy mình phải điều chỉnh những suy nghĩ, cách cư xử và thấy cần phải tôn trọng con…

 Viết nhật ký thường xuyên giúp trẻ nâng cao khả năng nhận xét một sự việc, một vấn đề. Chẳng hạn, ý kiến về một chuyện ở lớp, ở nhà, ở hồ bơi… mà mình tham gia hoặc mình biết. Chính vì thế, qua nhật ký có thể hiểu được tâm tư, tình cảm, những buồn vui, mong muốn, giận hờn của trẻ. Từ đó, cha mẹ, ông bà có cơ sở chia sẻ, giúp trẻ ngày một tiến bộ. Cũng qua nhật ký có thể thấy những ưu điểm, hạn chế về cách viết, cách dùng từ, đặt câu… để có thể uốn nắn, giúp trẻ nâng cao năng lực diễn đạt những vấn đề mà trẻ quan tâm, nên có tác dụng hỗ trợ cho việc học văn.

Bố mẹ, ông bà quan tâm đến trẻ, được xem nhật ký của trẻ thì còn gì bằng. Có trẻ hồn nhiên, viết xong để nhật ký ở ngăn sách, ai muốn xem thì xem, có trẻ giấu kỹ, không muốn cho ai xem. Trong không khí cởi mở, có thể bảo “cho mẹ xem con viết gì nào?” Nếu trẻ vui vẻ đưa thì xem, nếu trẻ không muốn thì thôi, tuyệt đối không dùng “mệnh lệnh” ép trẻ phải cho xem nhật ký. Vì vậy, phải thật “tâm lý”.

 Có người nghĩ cứ mua sổ tay đẹp tặng trẻ rồi bảo trẻ viết nhật ký là nó viết thôi. Không đơn giản như vậy! Nếu chuyện viết nhật ký của trẻ còn mới lạ, cha mẹ, ông bà có thể cho trẻ xem những cuốn nhật ký đã được xuất bản, hoặc nếu có thể thì cho trẻ xem những trang của những người thân trong gia đình. Rồi nói cho trẻ biết tác dụng của việc viết nhật ký. Tiếp theo là hướng dẫn, động viên con trẻ viết. Có thể lúc đầu trẻ chỉ viết được mấy câu đơn giản, ngắn gọn, viết không thường xuyên. Đó là chuyện bình thường. Dần dần khi đã “mê” thì trẻ sẽ viết đều hơn, tốt hơn. Vấn đề đặt ra ở đây là không nóng vội, không bắt ép trẻ. Tạo được cho trẻ có thói quen (trước hết là thói quen viết ra những việc đã làm, những suy nghĩ của mình trong ngày), có hứng thú, có niềm vui khi viết nhật ký là đã thành công lắm rồi!

Để đạt được kết quả, các chuyên gia cho rằng cần tạo điều kiện cho trẻ tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động trong cuộc sống xã hội để trẻ được nhìn nhiều, nghe nhiều, cảm nhận nhiều; khi đó sẽ có nhiều tình huống “có vấn đề” tác động đến trẻ, kých thích trẻ suy nghĩ, giãi bày. Chẳng hạn, nếu gia đình ở thành phố, hàng năm cho trẻ về thăm quê nội, quê ngoại ở miền quê. Mùa xuân đưa con về nhận họ, tham gia các lễ hội ở quê”; mùa hạ thấy cảnh con sông quê xanh biếc, mùa thu được đi trên cánh đồng “mênh mông biển lúa”, rồi cảnh bà con nông dân cấy cày gặt hái, các bạn cùng trang lứa cắt cỏ chăn trâu…

Một trong những lưu ý nữa là kích thích trẻ đọc nhiều loại sách khác nhau để giúp trẻ tích lũy kiến thức, làm giàu vốn từ ngữ, giúp trẻ rèn luyện cách diễn đạt trôi chảy. Đọc sách còn giúp trẻ có thêm những ý tưởng lý thú, để cảm nhận về những nhân vật, những câu chuyện mà bé yêu thích để viết nhật ký.

Tiếp theo là nhắc nhở trẻ viết đều đặn hàng ngày, trước giờ đi ngủ chẳng hạn. Trẻ thường thiếu kiên trì, lại ham chơi, hay vì muốn đi ngủ, hoặc hẹn ngày mai rồi quên dần. Lúc này cha mẹ cần nhắc nhở nhẹ nhàng… Chẳng hạn mẹ đưa ra gợi ý: Trước khi đi ngủ, cả nhà ta cùng làm mấy việc còn lại nhé! Ba nên tranh thủ làm việc này, mẹ cần làm việc kia, còn con thì vào phòng ghi lại mấy việc mà nếu để mai thì sẽ quên (ý là viết nhật ký). Dần dần trẻ sẽ có thói quen tốt này.

 Cuối cùng các chuyên gia lưu ý rằng cha mẹ, ông bà phải hết sức tế nhị, tôn trọng sự tự do, khoảng trời riêng của trẻ. Nếu cha mẹ, ông bà không tôn trọng quyền tự do cá nhân của con trẻ, xem nhật ký mà không được sự đồng ý của trẻ hoặc can thiệp quá sâu vào việc trẻ nên viết chuyện này, chuyện kia, viết thế này thế kia, điều đó có thể khiến trẻ khó chịu, phản ứng tiêu cực, trẻ mất hứng thú với việc viết nhật ký, hoặc chỉ viết để đối phó, viết để vừa lòng cha mẹ, ông bà…

 NGUYỄN XUÂN CHÂU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trẻ em vùng cao vượt qua định kiến giới

Sau khi Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh triển khai các hoạt động của Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), việc học tập của trẻ em, nhất là trẻ em gái được quan tâm hơn. Điều đó đã góp phần ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và bất bình đẳng giới.

Trẻ em vùng cao vượt qua định kiến giới
UNICEF: 6 triệu trẻ em ở Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi bão Yagi

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) hôm nay (18/9) cho biết lũ lụt và lở đất chết người do bão Yagi gây ra đã ảnh hưởng đến khoảng 6 triệu trẻ em trên khắp Đông Nam Á, trong khi số người thiệt mạng vì thảm họa này vẫn đang tiếp tục tăng lên.

UNICEF 6 triệu trẻ em ở Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi bão Yagi
Nâng cao năng lực tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số

Ngày 18/9, tại Trường mầm non Thượng Quảng, huyện Nam Đông, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ mầm non cho giáo viên mầm non dạy trẻ em dân tộc thiểu số tại các huyện Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền và thị xã Hương Trà.

Nâng cao năng lực tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số

TIN MỚI

Return to top