ClockThứ Năm, 26/06/2014 04:58

Không gian văn hóa

TTH - Hôm qua, đứa bạn ở Sài Gòn điện thoại ngót nửa tiếng đồng hồ quanh nỗi buồn không biết “tỏ cùng ai” về chuyện những người đồng hương xa quê đang vận động để xây dựng một cái nhà văn hóa thiệt to tại làng quê của mình. Nỗi buồn và lo của bạn: “Tau sợ cái nhà văn hóa đó xây ra rồi sẽ trở thành một cái xác nhà không hồn, mà tiền tỷ đâu phải chơi…”.

Thực ra ở những làng quê Việt Nam nói chung và riêng của TT Huế thì đình làng chính là không gian văn hóa thiêng liêng và gần gũi nhất. Mình có đi dự lễ thu tế ở một số làng xứ Huế, nhất là ở làng Chuồn, một làng quê gần Huế thuộc huyện Phú Vang mới thấm thía những vỉa tầng văn hóa của làng quê đã được hun đúc thành máu thịt, thành nếp ăn, nếp ở được thể hiện sinh động vô cùng trong không gian văn hóa đình làng. Ở đó có tôn ti trật tự, có tình làng nghĩa xóm, có sự thành kính thiêng liêng và cả nét hồn hậu đáng yêu của những người dân quê luôn ghi nhớ câu răn của ông cha: “Một miếng giữa làng, bằng một sàng trong bếp”.

Những lần đi thực tế đến các xã vùng cao, vùng xa ghé chân những ngôi nhà Gươl bê tông hóa ở miền núi hay một số nhà văn hóa một số vùng nông thôn, mình chưa thấy ngôi nhà nào có cái hồn văn hóa cả. Nhà gươl mà xây dựng bằng bê tông cốt thép, bóng đèn bật sáng trưng, quạt máy chạy vù vù thì còn gì là không gian của bản làng nữa. Còn nhà văn hóa của một số làng quê đồng bằng, năm thì mười họa mới có dịp hội họp nên thời gian cứ thế phủ bụi, công trình xuống cấp, hư hao…
Cách đây hơn năm, báo chí đã viết về tấm gương của một người xa quê thành đạt, bỏ ra cả gần chục tỷ đồng xây dựng một khu chợ bề thế cho làng quê mình. Đó là một tấm lòng tốt đối với quê hương mà không dễ có người thứ hai. Điều đáng nói ở đây là tại sao chính quyền địa phương hay những người có uy tín ở xã, ở làng lại im lặng khi biết trước rằng khu chợ mới xây lên sẽ rất khó mang lại hiệu quả khi cách đó chỉ vài trăm mét ở làng bên cạnh đã có một khu chợ nổi tiếng buôn bán từ mấy trăm năm qua? Hậu quả là đến nay, khu chợ mới được gọi với cái tên thật hiện đại là “Khu thương mại…” của làng quê nọ chỉ lèo tèo vài người buôn bán. Cả tiền bạc, đất đai trở nên lãng phí vô cùng… Nếu như cũng với số tiền đó được đầu tư xây dựng trường học hay các công trình phúc lợi cấp thiết cho làng thì sẽ ý nghĩa biết bao…
Mỗi vùng đất, mỗi làng quê, mỗi thành phố có một nét văn hóa đặc trưng riêng. Buổi tối những ngày cuối thu ở Huế chạy xe trên đường thỉnh thoảng lại bắt gặp cái mùi nồng nặc của hoa sữa. Mình nhớ có ai đó đùa rằng nhạc sĩ Hồng Đăng tác giả của bài hát “Hoa sữa” là nhạc sĩ “nhân giống cây” số 1 của Việt Nam... Ra Đồng Hới, vô Nha Trang thấy nhiều tuyến đường trồng dày hoa sữa, đặc quánh mùi hương. Ở Huế không có đường mô trồng hoa sữa nhưng cũng chỉ một vài cây ở sân công sở hay sân nhà ai đó cũng đủ để loài hoa này chứng tỏ cái mùi hương đặc trưng của mình. Quan sát kỹ thấy các con đường ở Huế chủ yếu là các loài cây xanh bóng mát hay các loài cây ra hoa nhẹ nhàng từ me, phượng, bằng lăng rồi mới đây là hoàng yến, so do cam rồi ngày xưa có đường hàng đoác, đường hàng nhãn... chứ tịnh không có một loài cây mô ngát hương cả. Hay người Huế mình mê tín sợ các loài cây có hoa tỏa hương thì tinh ma trú ngụ trên đó? Mà nghe đâu ở Nha Trang hay Đồng Hới người ta cũng đã chặt bớt những cây hoa sữa nồng nặc đêm đêm đó rồi…
Từ nỗi vừa buồn vừa lo cho làng quê của người bạn đến những điều mắt thấy tai nghe về những không gian văn hóa bị lệch pha; lại nhớ những dòng văn rất sâu sắc của một nhà văn nổi tiếng. Ông viết đại ý rằng: khi đồng bào Tây Nguyên khua lên cồng chiêng vang vọng vào thăm thẳm rừng sâu để hướng vọng đại ngàn thì cũng như người Kinh thành kính thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên để thưa gửi với ông bà những điều thiêng liêng nhất... Đó là những không gian văn hóa từ ngàn xưa cũng là bản sắc của từng dân tộc…
Thanh An
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Vũ điệu thời gian”

Là chủ đề của chương trình nghệ thuật do Hiệp hội Múa Gyeonggi Hàn Quốc biểu diễn tối 22/11, tại sân khấu Nhà hát Duyệt Thị Đường – Đại Nội Huế. Chương trình trong khuôn khổ Festival Huế Mùa Đông 2024 và chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11.

“Vũ điệu thời gian”
Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số

Đó là chủ đề của hội thảo khoa học quốc tế LSCAC 2024 - Ngôn ngữ, Xã hội, Văn hóa trong bối cảnh châu Á diễn ra từ ngày 22 - 24/11 tại TP. Huế, do Trường cao đẳng Huế phối hợp với Trường đại học Quốc gia Malang (Indonesia), Đại học Hyderabad (Ấn Độ), Đại học Mahasarakham (Thái Lan), Viện Nhân học Văn hoá (Hà Nội) và Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Đông Bắc (Thái Lan) tổ chức.

Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số
Tôn vinh nhiều cá nhân hiến tặng hiện vật cho bảo tàng

Trong năm 2024, có 6 cá nhân tặng hiện vật và 9 cơ sở, cá nhân sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống Huế hỗ trợ cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trong công tác trưng bày, triển lãm nhằm quảng bá di sản văn hóa Huế đến với công chúng, khách tham quan.

Tôn vinh nhiều cá nhân hiến tặng hiện vật cho bảo tàng
Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức

Dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức”, gồm điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, la thành, cổng, bình phong đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế triển khai.

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức
Return to top