ClockThứ Năm, 23/04/2020 15:07

Mong có nghị quyết riêng cho làng cổ Phước Tích

TTH - Đó là kiến nghị của lãnh đạo huyện Phong Điền với Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh trong một buổi làm việc giữa hai đơn vị vừa qua.

Nâng cấp hạ tầng cho làng cổ Phước TíchVề nghe tĩnh lặng

Một ngôi nhà cổ ở Phước Tích

Làng cổ Phước Tích được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận “Di tích cấp quốc gia” năm 2009 sau làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Là một ngôi làng cổ được thành lập vào khoảng thế kỷ 15, gắn với thời gian mở cõi về phương Nam của cha ông xưa.

Làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa được giao cho huyện Phong Điền quản lý và sau đó địa phương này nhanh chóng thành lập Ban Quản lý di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích trực thuộc UBND huyện để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước.

Việc huyện Phong Điền quản lý đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật là việc huyện tham mưu để  HĐND tỉnh xây dựng và ban hành nghị quyết về hỗ trợ trùng tu 23 nhà vườn (đến nay đã đạt 100% kế hoạch đề ra); phát huy lợi thế nhà vườn tổ chức dịch vụ homestay cho khách du lịch nước ngoài, bước đầu đem lại hiệu quả khá tốt, công tác quản lý xây dựng đảm bảo, không để việc xây dựng làm mất mỹ quan chung của làng; tổ chức các tour cho học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh đến tham quan, trải nghiệm làng nghề gốm; triển khai việc phục hồi lại 12 bến nước xưa cũng như hồ sen giữa làng… Tuy nhiên, vẫn còn đó khó khăn đối với huyện khi ngân sách địa phương có hạn, chưa đảm bảo được việc quản lý toàn diện ngôi làng cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần gìn giữ làng vừa bảo tồn vừa phát triển.

Trong buổi làm việc với Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh về hướng phát triển bền vững của ngôi làng cổ này, lãnh đạo huyện Phong Điền đề nghị HĐND tỉnh nên có một nghị quyết riêng cho làng cổ Phước Tích để giúp ngôi làng này có một nguồn lực nhất định để phát triển một cách toàn diện hơn, nhất là giúp làng khôi phục lại làng nghề, đào tạo nghề, hỗ trợ ngân sách phát triển dịch vụ du lịch, tổ chức giới thiệu các tour du lịch đến với làng, in ấn các pa nô, áp phích, tờ rơi với nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật… để quảng bá, giới thiệu  làng cổ đến với du khách…

Ông Võ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch HĐND huyện Phong Điền mong mỏi: “Nếu HĐND tỉnh có nghị quyết riêng cho làng cổ Phước Tích, sẽ giúp cho ngôi làng có đủ tiềm lực phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo tồn và gìn giữ ngôi làng trên 500 năm tuổi này”.

Ông Nguyễn Vũ, Giám đốc Ban quản lý di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích nói rằng: “Người dân muốn được đào tạo nghề du lịch để làm dịch vụ homestay, dịch vụ ăn uống song cũng rất khó vì đa phần người dân ở đây lớn tuổi, đi học nghề ở huyện hay ở tỉnh thì khó mà đi được vì xa…, trong lúc ngân sách huyện không thể hỗ trợ cho người dân. Chúng tôi mong tỉnh sớm có một chính sách riêng cho làng cổ Phước Tích, giúp chúng tôi làm tốt công tác quản lý hơn”.

Năm 2015, HĐND tỉnh cũng đã ban hành một nghị quyết riêng cho làng cổ Phước Tích để thực hiện việc trùng tu nhà vườn đặc trưng tại đây với số lượng 23 nhà. Tại kỳ họp bất thường lần thứ 7 diễn ra mới đây (4/2020), HĐND tỉnh tiếp tục đồng ý chủ trương cho làng cổ Phước Tích trùng tu 3 nhà còn lại. Sau 5 năm triển khai, đã có 23 nhà vườn ở Phước Tích được trùng tu, đạt tỷ lệ 100%. Đây là sự quan tâm lớn của tỉnh đối với Phước Tích, tuy nhiên, nghị quyết này chỉ gói gọn trong phạm vi trùng tu nhà vườn, chưa phải một nghị quyết toàn diện để giải quyết những vấn đề bức bách trong công tác quản lý đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội… cho làng cổ.

Vì vậy, việc huyện Phong Điền đề xuất HĐND tỉnh có nghị quyết riêng cho làng cổ Phước Tích là hoàn toàn chính đáng, trong điều kiện ngân sách huyện có hạn, hơn nữa đây là di tích cấp quốc gia cần phải bảo vệ nghiêm ngặt.

Đồng tình với đề xuất của huyện, ông Nguyễn Thái Sơn, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh ghi nhận ý kiến này và hứa sẽ sớm đưa ý kiến của huyện tại cuộc họp với Thường trực HĐND tỉnh trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Hoàng Trọng Bửu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng với “Tâm thế mới, tinh thần mới, động lực mới”

Ngày 5/12, dưới sự chủ trì của UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Bí thư Đảng ủy Quân sự (ĐUQS) tỉnh Lê Trường Lưu, ĐUQS tỉnh tổ chức hội nghị ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng đảng bộ năm 2025.

Thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng với “Tâm thế mới, tinh thần mới, động lực mới”
Gấp rút triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Sáng 3/12, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Gấp rút triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Return to top