|
Tác giả Hồ Vĩnh (bên phải) và nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trước bia đá cổ. Ảnh: Bửu Nam
|
Di tích đầu tiên chúng tôi khảo sát là từ đường công chúa Quy Đức (số 87 Lê Ngô Cát, phường Thủy Xuân). Ngôi từ đường có mặt bằng 8,90m x 8,92m, tọa lạc trên khu vườn Túc Ung lập năm 1848 dưới đời vua Tự Đức. Đứng ở nội thất ngôi nhà, tôi giới thiệu bức hoành phi đề sáu chữ Hán “Quy Đức công chúa từ đường” được ban cấp dưới đời vua Thành Thái. Công chúa Quy Đức là con gái thứ 18 của vua Minh Mạng, cùng mẹ với Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Bà sinh năm 1824, mất năm 1892, thọ 69 tuổi.
Liên quan đến di tích này, năm 1887 – Tuy Lý Vương có viết bài “Cung hậu Quy Đức công chúa từ kỷ niệm” (Lời ghi nhớ cảnh cũ ngài công chúa Quy Đức) cho biết, Công Nữ Đồng Canh (Đạm Phương nữ sử) lúc nhỏ tuổi đã đến ngôi nhà vườn của công chúa Quy Đức để sinh hoạt học tập. Trước đây ở nội thất ngôi nhà có treo câu đối của Lại bộ Lang trung Tôn Thất Dục “Lạy mừng” vào mùa đông năm Ất Hợi (1875); nội dung câu đối đã phác họa cảnh trí bằng những lời đượm tình:
“Vân đống vũ liên tân đệ sắc
Giãn phồn chiểu tháo cổ nhân tâm”
(Cột (vẽ) mây, rèm (vẽ mưa), tạo vẻ mới cho (phủ) đệ Khe rậm rạp, ao đầy rong, hợp lòng người xưa).
Tuy nhiên chúng tôi không khỏi xót xa chạnh lòng vì nội thất nhà thờ công chúa Quy Đức đang xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ sụp đổ. Cách nhà thờ khoảng 80m là lăng mộ bà Quy Đức và phò mã Phạm Đăng Thuật; phía trước mộ có dựng tấm bia đá khắc ghi bài “Văn bia tự điền ở Thanh Lam” vào năm 1865. Nội dung văn bia cho biết, công chúa Quy Đức mua đất ruộng hơn 3 mẫu 8 sào ở xứ Bàu Sen thôn Thanh Lam Thượng (nay thuộc phường Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) để lo việc hậu sự.
Tiếp đến, chúng tôi lên núi Dẫn Khiêm, nơi có tấm bia đá cổ “Dẫn Khiêm sơn”; đây là núi dẫn mạch làm tiền án cho địa cuộc Khiêm lăng (lăng Tự Đức). Từ núi Dẫn Khiêm theo đường đi xuống, về phía trái hiện còn một cổng cổ phủ màu rêu phong. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nói: “Bà Đạm Phương lúc nhỏ đã theo cha là Hoằng Hóa quân vương Miên Triện (hoàng tử thứ 66 con vua Minh Mạng) lên đây và dựng ngôi nhà ở khu vực này lấy tên “Học bạn tinh xá” (ngôi nhà tu học của những bạn bè theo nghiệp đèn sách). Ở đây hằng ngày, bà Đạm Phương đến học chữ tại đệ trạch của công chúa Quy Đức”. Cách cổng cổ khoảng 20m có một giếng cổ. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mô tả: “Ngoài học bạn tinh xá, liền dãy xóm còn có láng giềng là ngài Lạc Tịnh viên (tức Hồng Khẳng), đức ông Cẩm Giang quận công Miên Vãn. Riêng cái cổng cổ, chúng ta cần nghiên cứu xác định có phải là dấu tích của phủ đệ hay không?” Tôi nhìn vào bức tường, cạnh trước cổng còn có một số chữ Hán đã phai mờ, nhưng chắc chắn những chữ Hán này thể hiện bằng hình thức câu đối.
Rời núi Dẫn Khiêm, chúng tôi qua núi Cửa Sẻ, nơi có lăng mộ bà Thục tần Nguyễn Thị Bảo (Bửu), mẹ của Tùng Thiện Vương. Bên ngoài tường thành của lăng mộ, về phía trước có dựng bia công đức “Thần đạo biểu”. Bia đá cao 1,79m, rộng 0,83m; nội dung văn bia do Tùng Thiện Vương viết: “Mẹ tôi là vị Thục tần, họ Nguyễn Khắc, húy Bửu, người làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định; con quan Tư không Nguyễn Khắc Thiệu và bà Nguyễn Thị Phú. Phong tư trọng hậu, cử chỉ đoan trang; khi nói, khi cười đều có chừng đỗi. Vì thông minh sớm, nên hiểu đạo lý nhiều, lại vì bản tính cần cù, không chịu an nhàn, hễ buông bút thì cầm kim; có ý tiếc thì giờ, như đã tự biết rằng: đời người thấm thoát. Ngày mười lăm tuổi, năm thứ 14 (1815) triều Gia Long, quan Tư không tuân sắc, đưa vào Thanh cung; mẹ tôi được chầu hầu đức Tiên hoàng là từ năm ấy… Hết đời Thánh Tổ, mẹ tôi lo chầu hầu đức Thuận Thiên; được năm năm nên thân suy nhược sớm. Năm Kỷ Dậu (1849), tôi (Tùng Thiện Vương) mới rước mẹ về Tiêu viên. Qua năm sau, hai bà em tôi hạ giá, vui chưa mấy bữa, thì mẹ tôi đã bị thương phong; tuy nhờ thuốc ở trong cung ban ra, bệnh vẫn tạm yên; song cánh tay trái chưa cử động được như thường, đầu lưỡi còn tê, tiếng nói cũng không được rõ. Năm Tân Hợi (1851), lại cho hạ giá bà em út của tôi nữa. Ngày thành hôn mẹ tôi bảo với tôi rằng: “Tiên đế lưu lại mấy người con, nay đều được trưởng thành, theo lời nguyện ước ngày xưa, thì mẹ định về chầu Tiên đế”. Mẹ tôi sinh ngày ba mươi tháng bảy, năm Tân Dậu (1801), mất ngày mười bảy tháng tám năm Tân Hợi (1851). Hoàng tử thứ mười là Miên Thẩm, còn thứ mười bốn, thứ mười chín và thứ ba mươi chín đều bị tảo thương (chưa có tên). Hoàng nữ thứ mười tám Vĩnh Trinh (công chúa Quy Đức), phò mã là Phạm Đăng Thuật, thứ hai mươi lăm Trinh Thuận, phò mã là Thân Trọng Di, thứ ba mươi bốn Tĩnh Hòa, phò mã là Đặng Huy Cát”. (Ưng Trình và Bửu Dưỡng, Tùng Thiện Vương tiểu sử và thi văn, Huế - Sài Gòn, 1970, tr.116-117).
Đứng trước bia “Thần đạo biểu”, tôi nói với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và PGS.TS Bửu Nam: “Đây là tấm bia có nội dung viết riêng về một người mẹ khá đầy đủ và xúc động”. Tùng Thiện Vương là một nhà thơ lớn thế kỷ XIX mà bài văn bia nói trên chỉ là một tác phẩm nhỏ trong sự nghiệp văn thơ khá phong phú của ông”. Hiện nay chữ khắc trên bia đã bị mưa gió bào mòn (không có nhà bia). Chúng tôi thiết nghĩ, đây là một cụm di tích văn hóa cần được bảo vệ, vì trên cạnh bia đá cổ còn có lăng mộ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819-1870).