Ở đó, chúng ta sẽ gặp những cách thức làm các món chay, nhưng không chỉ là món chay thông thường, mà là những món chay từng được giữ gìn ở kinh đô Phật giáo Huế - vùng đất có trên 1.000 ngôi chùa; hơn thế nữa, những món chay đó từng được thi triển công phu tinh xảo qua bàn tay những nghệ nhân trong đội Thượng thiện cung đình Huế xưa cũng được tái hiện. (Thân phụ của chị xưa là quan Nam triều Bộ Lễ, Bộ Học, Uỷ viên phiên dịch sử liệu Việt Nam của Trường đại học Luật khoa Huế. Hiền mẫu là một nghệ nhân ẩm thực của đất Thần kinh). Sách hướng dẫn 8 món khai vị tao nhã: Bánh ướt Lạc Việt, chả cánh phượng - cơm Bồ đề, cuốn cải xanh, gỏi rong biển tứ quý…; 19 món ăn chính lừng danh: Canh cải thảo cao lầu, cà ri xanh, lẩu củ sen chua cay, ra gu gấc, đậu hũ rau răm, mộc nhĩ chưng tương, cơm chiên bí đỏ, cơm hấp lá sen, xôi lá dừa ngũ vị… Và, 5 món tráng miệng thanh lành: Bánh đậu dinh dưỡng, bánh hoa hồng nướng, chè hạt sen bọc nhãn, khoai hấp đường 3 màu, trái cây nướng mật.
Những món chay đó vừa quen vừa lạ, rất dân dã song cũng rất đỗi cầu kỳ, công phu khi chế biến. Mới xem qua tên món ăn, tưởng như rất khó nấu, nhưng đọc hướng dẫn và nhìn hình ảnh, thì những người chưa biết ăn chay cũng có thể tự tin hình dung món ăn mình sẽ nấu.
Cái cách trình bày với hình thức quá đẹp và tao nhã là một thành công của cuốn sách này. Các món ăn đều có những hình ảnh minh họa rất đẹp được trình bày như các tác phẩm nghệ thuật.
Nhưng cái làm nên chữ tình và nét duyên của sách là bên những cách thức làm bếp, còn là những ký ức miên hoài, ăm ắp nỗi nhớ về mẹ. Mỗi món ăn đều có những đoạn ngắn bình về sự hữu ích của món, và hiện lên hình ảnh người mẹ đã từng nấu món ăn đó trong những ngày ấu thơ.
Trong “Lời thưa” đầu sách, nhà thơ viết: “Theo lệ thì nhà tôi mỗi năm ngoài mâm cỗ chay đưa rước ông bà, đầu năm còn có thêm bốn, năm cái giỗ mà người Huế thường gọi là kỵ. Với mẹ tôi thì việc chuẩn bị mâm cỗ chay thường tốn công hơn làm cỗ mặn, các nguyên liệu thảo mộc được chế biến công phu và tinh khiết… Những mâm cỗ chay mà mẹ tôi thường gọi là “cỗ lợt” có trên 20 món, mỗi món một chút được bài trí công phu, tinh tấn… Tôi hình dung mỗi món chay là một đóa hoa tâm kết nối giữa người nấu và các đấng thiêng liêng…”.
Những ăm ắp nhớ mẹ trải bày trong từng món ăn trong sách. Nhiều khi, có những món ẩm thực sáng tạo được khởi nguồn từ sự yêu kính mẹ, như “Xúp dinh dưỡng xanh” là một: “Cơ địa của mẹ rất nhạy cảm với khí trời, nắng không ưa mưa không chịu, thấy thịt cá chưa ăn đã muốn đầy hơi, mới ra nắng chút xíu là da mặt xám xịt… Qua một số tài liệu… đánh giá bông cải xanh không những là món ăn tốt cho sức khỏe mà còn giúp tế bào da ngăn ngừa những tổn hại…, làm chậm quá trình lão hóa. Tôi ngẫm nghĩ nên “biến tấu” một món ăn chay mà nguyên liệu chính là bông cải xanh kết hợp với một số nguyên liệu phụ có đầy đủ tính ôn, trầm, nóng, lạnh…”
Cứ thế, những “món chay dâng mẹ” cứ thảo hiền từng món, ngọt tình từng thức theo mùa, quanh tháng, quanh năm…
Cái cách sử dụng thành quả thực tế để dành cho xã hội của cuốn sách là một câu chuyện cảm động khác, bao nhiêu tiền nhuận bút thu được từ việc phát hành cuốn sách, nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh đem đi làm từ thiện hết, trong đó có việc sẽ trao 20 triệu đồng học bổng cho học sinh nghèo xứ Huế, thông qua Quỹ Tình Sông Hương của Tạp chí Sông Hương.
Ngoài những dòng thơ hay và đẹp cho đời, nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh hiện là hội viên chuyên ngành Văn hóa Ẩm thực Liên hiệp các hiệp hội UNESCO Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Ẩm thực chay Bếp Vàng, và cũng từng được trao danh hiệu Sứ giả quảng bá Ẩm thực và Bếp Vàng do Hội Kỷ lục Việt Nam trao tặng.