ClockChủ Nhật, 02/06/2019 08:48

Mùi khói vương chái bếp

TTH - Trên đường đi công tác chiều nay, lúc xe chạy ngang một ngôi làng nhỏ, bất chợt thấy làn khói xám tỏa ra từ chái bếp nhà ai lúc chiều đã xênh xang xuống kề bên kia đỉnh núi, không dưng thấy lòng mình thổn thức lạ.

Nhà tôi cũng từng có một chái bếp lụp xụp như thế bên hông nhà. Những buổi chiều chân đất chạy chơi với đám trẻ con trong xóm, hễ thấy cột khói xám ngoét là đà vươn lên ngọn sến bên hông nhà mình, tôi biết mẹ đã trở về nơi chái bếp chuẩn bị cơm chiều, sau một buổi miệt mài lặn lội ngoài đồng xa.

Cái chái bếp nhỏ xíu của mẹ, lúc nào cũng quẩn quanh mùi khói. Đó là mùi hắc hắc cay nồng của đám củi tre mẹ mót vội sau buổi làm đồng. Có khi là mùi ẩm mốc của những thanh gỗ mục mẹ nhặt được đâu đó trên đồi. Là mùi ngai ngái của những thanh củi bưởi già nua cuối góc vườn, trải qua bao năm tháng cuộc đời giờ chẳng đơm nổi một nụ hoa, nên đành phải nằm yên trong gian bếp nhỏ của mẹ, nghe tiếng lửa tí tách reo cười. Mỗi loại cây, mỗi loại củi, lại toát lên một thứ mùi hương riêng biệt khi được ngọn lửa ngấu nghiến trong cái bếp nhỏ xíu của mẹ. Để rồi chúng hóa thân thành những sợi khói xám mỏng manh, là đà bay về trời sau khi hoàn thành xong sứ mệnh của mình.

Chái bếp của mẹ nhỏ lắm, mái tôn lụp xụp oằn mình che mưa nắng đã ám đen màu khói. Nơi đó, trên đám tường đã loang lổ vết thời gian, đám nhện thường chậm rãi giăng tơ xây tổ mới. Những sợi tơ óng ánh chẳng mấy chốc mà chuyển sang màu khói, rồi rũ rượi xà xuống ở một góc bếp. Dường như, đám nhện kia cũng ghiền mùi cay nồng của khói bếp, nên dẫu có bao lần mất tổ, chúng vẫn cứ ở đó cần cù lặng lẽ xây tổ mới, chậm rãi từ ngày này sang ngày khác, như chẳng hề hay biết ngoài kia sáng chiều lặng lẽ luân phiên.

Những ngày bé thơ vụng dại, tôi thường quấn quanh chân mẹ, khi phụ bà nhặt rau, lúc giúp bà bóc vỏ củ hành, củ tỏi trong căn bếp lúc nào cũng nghi ngút khói ấy. Những vạt khói nhiều khi bị cơn gió thổi ngược, cứ hắt vào mặt khiến đôi mắt bé thơ cay xè, không khóc mà nước mắt cứ thế tràn mi. Tôi thích hít hà mùi khói lẫn vào hương bồ kết bám trên tóc mẹ khi ôm bà chìm vào giấc ngủ mỗi khi đêm về. Phòng ngủ của mẹ có khung cửa nhỏ nhìn ra chái bếp, nên mùi khói cay nồng đượm cả trên từng manh gối tấm chăn. Những sớm mai mưa rả rích, khi mẹ oằn vai gánh rau ra chợ sớm trên con đường lầy lội đầy dấu chân trâu, bước chân mẹ bấm sâu vào con đường làng quanh co giữa mờ mờ sáng tối, thì tôi vẫn đang quấn mình trong chiếc chăn úa màu thời gian, nghe mùi khói vẫn còn vấn vương quanh nhà.

Cái chái bếp cũ xưa ấy, thường là nơi mẹ tôi loay hoay chuẩn bị bao nhiêu món ngon cho bầy con thơ dại. Bên bếp lửa đỏ rực, những món ăn của mẹ cũng đượm mùi khói rơm rạ ngoài đồng, của củi khô hanh hao hái về từ trên những đồi cao mà bước chân mẹ phải đi qua bao mưa nắng. Rồi khi chúng tôi còn chưa kịp lớn, cái chái bếp cũ kỹ của mẹ đã bị đập bỏ, thay vào đó là một gian bếp hiện đại tiện nghi hơn khi công việc làm ăn của ba đã khấm khá. Củi lửa được cất sâu vào ký ức. Mùi khói hắc hắc cũng trở thành dĩ vãng của tuổi ấu thơ. Để rồi một lúc nào đó, như hôm nay chẳng hạn, bất chợt nghe mùi khói tỏa ra từ chái bếp nhà ai đó, chợt cồn cào nhớ về những năm tháng tuổi thơ đã trôi qua cùng với mùi khói nồng nàn nơi chái bếp của mẹ.

Chái bếp nhỏ, mùi khói cay nồng, theo thời gian, chỉ còn là ký ức mờ hồ, xa xăm.

PHẠM NGỌC HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Ông giảm nghèo” ở Hương Vân

Là cán bộ đầy nhiệt huyết trong công tác giúp dân thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống, ông Trần Công Thuyên, công chức Văn hóa Xã hội ở phường Hương Vân (TX. Hương Trà) được bà con địa phương thương mến gọi với cái tên... “ông giảm nghèo”.

“Ông giảm nghèo” ở Hương Vân
Truyền thông chuyên nghiệp cho công tác thư viện

Sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin trong kỷ nguyên số đã làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động truyền thông của thư viện. Nếu làm tốt công tác truyền thông thì cộng đồng sẽ dễ dàng nhận diện rõ được vai trò, đóng góp của thư viện, giúp cộng đồng nhận biết, có ấn tượng tốt, kích thích việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của thư viện nhiều hơn. Đó là một trong nhiều nhận định được các chuyên gia, những người làm công tác thư viện đưa ra khi bàn về việc truyền thông, quảng bá văn hóa đọc trong đời sống hiện nay.

Truyền thông chuyên nghiệp cho công tác thư viện

TIN MỚI

Return to top