Các họa sĩ cần chủ động bảo vệ "đứa con tinh thần" của mình (Ảnh minh họa)
Xuất hiện “phiên bản lỗi”
Từ khi ra đời vào năm 2011 đến nay, nghệ thuật trúc chỉ đã thu được những thành tựu lớn trong các lĩnh vực nghệ thuật thị giác cũng như nghệ thuật ứng dụng. Thế nhưng, trong quá trình hoạt động, có khá nhiều trường hợp đã là “phiên bản lỗi”. Trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại hình na ná trúc chỉ dưới một cái tên khác, thậm chí có nhiều nơi ghi là bán tranh trúc chỉ nhưng sản phẩm không phải của họa sĩ Phan Hải Bằng, người sáng lập trúc chỉ và các cộng sự của anh. Điều đáng nói là việc này đã xâm hại đến giá trị Việt mà trúc chỉ đã và đang xây dựng, giữ gìn.
Họa sĩ Ngô Đình Bảo Vi, quản lý dự án Nghệ thuật trúc chỉ Việt Nam bức xúc: Một cách tinh vi, họ đã lấy nguyên concept (tác phẩm nghệ thuật giấy tự thân) của trúc chỉ nhưng cố tình lờ đi, chỉ nhấn mạnh về chất liệu và một số kỹ thuật nhỏ trong quy trình. Trong tình trạng không minh bạch thông tin, họ còn được truyền thông hỗ trợ, có biểu hiện quay lại vu khống trúc chỉ. Việc xuất hiện những sản phẩm na ná tính biểu hiện của trúc chỉ, thậm chí còn giả danh trúc chỉ, không chỉ xâm hại trắng trợn đến sự sáng tạo nghiên cứu của chúng tôi, mà còn là sự trây trét, cố tình hạ thấp một giá trị văn hóa Việt mới mà chúng tôi và xã hội cố công xây dựng cho Huế và Việt Nam.
Tháng 4 năm nay, một số tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Đăng Sơn bị một công ty ở TP. Hồ Chí Minh tự ý in tranh lên áo dài để kinh doanh mà không xin phép. Anh và những họa sĩ khác cùng bị các đơn vị áo dài xâm phạm bản quyền đã lên tiếng, nhưng đến nay vẫn chưa được đơn vị xâm phạm giải quyết thỏa đáng. Họa sĩ Nguyễn Đăng Sơn chia sẻ, dù rất bất bình về việc bị sử dụng tranh vào mục đích thương mại mà không xin phép nhưng do không am hiểu luật, lại ngại thủ tục rắc rối nên anh không đi đến cùng sự việc.
Năm ngoái, trong triển lãm mỹ thuật truyền thống của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế, một tác giả cũng đạo tranh của một họa sĩ nổi tiếng và mang đi dự triển lãm. Hội đồng nghệ thuật rất nghiêm khắc với trường hợp này và buộc tác giả tháo tranh xuống. Tuy nhiên, nếu gọi là hình thức kỷ luật nào đó thì vẫn chưa có.
Tác phẩm nghệ thuật trúc chỉ
Tự bảo vệ bằng cách hiểu luật
Theo họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật, việc vi phạm bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật là vấn đề nóng, thời gian gần đây diễn ra các trường hợp sao chép, đạo nhái rất trắng trợn. Tuy ở Huế chuyện đạo tranh, nhái tranh không nhiều nhưng cũng là vấn đề đáng bàn. Điều đáng nói, giới văn nghệ sĩ vẫn chưa có thói quen đăng ký bản quyền đối với sản phẩm sáng tạo của mình, lý do là ngại thủ tục phức tạp. Khi xảy ra chuyện đạo tranh, các hội viên cũng chưa đi đến tận cùng để đưa sự việc ra pháp luật.
Sự hiểu biết pháp luật của phần lớn người dân về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế, chưa hình thành ý tự giác thực sự trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với bản quyền tác giả, quyền liên quan. Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức nhấn mạnh: “Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất của người làm nghề là danh dự. Nếu phát hiện ra đạo nhái thì những người trong nghề phải có hình thức răn đe nghiêm khắc, sẽ hạn chế rất nhiều”.
Ngay họa sĩ Nguyễn Thiện Đức cũng chưa từng đăng ký bản quyền với những “đứa con tinh thần” của mình. Ông cho biết: “Dĩ nhiên việc đăng ký bản quyền sáng tạo là điều nên làm nhưng với những tác phẩm đặc biệt. Một họa sĩ năm vẽ vài chục bức tranh, không lẽ phải đi đăng ký từng bức một. Đây là điều những người làm luật cần quan tâm. Khi tác giả ký vào tác phẩm là đã có tư cách pháp nhân và pháp luật phải bảo vệ họ”.
Họa sĩ Võ Quang Phát chia sẻ kinh nghiệm, để tự bảo vệ mình, bản thân anh cùng nhiều họa sĩ khác cố gắng tạo cho mình một phong cách kỹ thuật cá nhân riêng để hạn chế sao chép. Đồng thời công bố tác phẩm ở các triển lãm để công chúng và giới chuyên môn biết đó là tác phẩm của họ, cũng như tạo được “lý lịch” cho tác phẩm. Tuy nhiên, theo anh, để bảo vệ bản quyền cho tác giả, quan trọng hơn hết vẫn là hành lang pháp lý và cơ chế luật tác quyền được áp dụng hiệu quả và quyết liệt.
Họa sĩ Bảo Vi cho rằng, để bảo vệ những cá nhân trong cộng đồng, chỉ có thể là những quy chế chặt chẽ từ cộng đồng đó, ở tổ chức lớn như quốc gia thì đó là luật pháp do Nhà nước ban hành. Ở ta, việc tự bảo vệ, đồng thời kêu gọi, giáo dục sự chân thành, tự trọng là việc cấp thiết trước mắt. Về lâu dài, cần một thiết chế về bản quyền, sở hữu trí tuệ rõ ràng và minh bạch về phía Nhà nước, mới có thể làm giảm được tình trạng này. Nghệ sĩ tự bảo vệ mình bằng cách hiểu luật pháp và vận dụng luật pháp. Tuy nhiên, ý thức tự trọng và danh dự của các cá nhân vẫn là điều tiên quyết.
“Hiện chúng tôi đã cùng với luật sư tiến hành các bước trong quy trình, thủ tục nhằm làm rõ và bảo vệ quyền lợi cũng như các yếu tố liên quan đến thành quả sáng tạo, nghiên cứu của trúc chỉ. Hướng đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và bản quyền ở nước ngoài cũng đã được tiến hành, hy vọng sẽ có kết quả sớm trong thời gian tới”, họa sĩ Bảo Vi cho hay.
Bài, ảnh: TRANG HIỀN