ClockThứ Ba, 22/08/2017 13:56

Phan Ngọc Minh & những ngọn nến phục sinh

TTH - Sự phục sinh theo quan niệm khoa học chỉ là sự di truyền giống nòi đời đời như ảnh tượng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng còn một sự di truyền vượt lên trên cơ chế sinh học, đó chính là di truyền tư tưởng. Và tư tưởng sẽ mãi còn giá trị và phát huy nếu điều đó là chân thiện mỹ, là con đường tiến bộ của loài người và ngược lại thì sẽ bị đào thải theo phép loại suy.

Một trong những tác phẩm tranh bút sắt của Phan Ngọc Minh

Cũng vậy, hội họa luôn hướng đến bầu trời của mỹ học, mỹ học ngoài dị biệt do văn hóa của mỗi vùng miền, thì yếu tố tương đồng luôn chiếm một tỉ lệ lớn hơn.

Tôi nói những điều này để góp đôi lời về sự trầm tư trong sáng tạo của họa sĩ Phan Ngọc Minh. Thông thường, người ta thường nhìn lịch sử như bất động không thể đổi thay, cũng vậy với di tích di sản của lịch sử để lại cũng được nhìn bằng sự bất động thuộc về quá khứ. Nhưng với Phan Ngọc Minh, màu sắc có thể xem như một công cụ, anh đã thổi vào di sản, sự vật bằng cả hồn cốt của một nghệ sĩ qua những nét vẽ tinh tế, với gam màu phiêu lãng để tạo cho người xem một cảm nhận khác lạ hoàn toàn về di sản. Không phải như trùng tu phục chế một cách vô hồn mà vấn đề là cho sự vật trong di sản sống lại theo tinh thần như nó đã vốn có.

Từ những suy tư và chiêm nghiệm trong cuộc sống, họa sĩ Phan Ngọc Minh như nhập vào thế giới của di sản, màu xám tro trong tranh của anh được điểm xuyết những đốm lửa nhỏ làm sống lại quá khứ của một thời vàng son.

Những bức tranh màu lục già như lớp rêu phong phủ lên gạch đá dẫn đưa người xem bước vào thế giới của miền ký ức xa xăm.

Bỏ qua màu sắc để khám phá serial tranh bút sắt của Phan Ngọc Minh, người xem ngỡ ngàng như đứng trước những hình ảnh văn hóa của làng quê xứ Huế, như cây đa bến nước, đình làng, cổng tam quan, cửa Ngăn, cầu ngói Thanh Toàn, những con đò ven sông, phố cổ Bao Vinh…

Với di sản Chăm, anh đã có cả bộ ký họa chuyên về các biểu tượng văn hóa của xứ sở qua các vị thần và những vùng đất như: Một góc Mỹ Sơn, Vũ nữ Trà Kiệu, Thần Shiva, Đạo sĩ Bà la môn, Đan sảnh Brahma,…

Ngoài ra anh còn vẽ một loạt chân dung của các nhà văn hóa, những nghệ nhân, văn nghệ sĩ và bạn bè như: nghệ nhân hát bội La Cháu ở Huế, nghệ nhân Nguyễn Thị Cẩm làng gốm Thanh Hà, Hội An,...

Còn nhớ cuộc triển lãm tốc hành (chỉ hai ngày) ở Gác Trịnh của họa sĩ Đinh Cường và Phan Ngọc Minh vào mùa đông năm 2013, trong cái không gian nhỏ chưa đến 15 mét vuông, nhưng không gian trong mỗi bức tranh lại vượt khỏi biên giới của một quốc gia để đến với người thưởng ngoạn quốc tế.

Trong màu chiều ẩn mật, tôi nhìn tranh Phan Ngọc Minh với niềm hưng cảm khó tả, bất chợt trong thế giới sắc màu lung linh huyền ảo đó, như ánh lên những ngọn nến phục sinh. Điều mà họa sĩ Phan Ngọc Minh đã nói: “Khi vẽ, tôi phục sinh cùng di sản”.

Họa sĩ Phan Ngọc Minh sinh năm 1954, tại Gò Nổi (Điện Bàn, Quảng Nam). Tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật TP. HCM. Các cuộc triển lãm tranh của Phan Ngọc Minh: Ký ức phố xưa tại Đà Nẵng (1994); Nhật ký Mỹ Sơn tại Mỹ Sơn (1998 - Quảng Nam); Phan Ngọc Minh và Champa tại Pháp (2000): Mỹ Sơn - Hội An và những kỷ niệm Paris tại Pháp (2004); Triển lãm tranh tại hội những người Việt tại Paris-Pháp (2005); Việt Nam/Kerry và Minh tại Ireland (2007).

Anh tham dự khóa sáng tác, làm việc trao đổi giao lưu học tập với các nghệ sĩ quốc tế tại Mỹ với tư cách là họa sĩ được giải thưởng hạng nhất của Hiệp hội Họa sĩ châu Á (Freeman Foundation Asian Artists’ Fellowship Winners 2010/2011). Giải thưởng là một phần học bổng ngắn hạn dành cho các nghệ sĩ châu Á như: Nhật Bản, Hồng Kông, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc... cùng các nghệ sĩ Mỹ trong thời gian 8 tuần (từ 3/7 - 29/8/2011).

Bài, ảnh: LÊ HUỲNH LÂM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top