Du khách đến Huế khi thăm lăng Khải Định đều choáng ngợp trước vẻ đẹp kỳ vĩ của lăng và nghệ thuật trang trí sành sứ và thủy tinh lộng lẫy trong nội cung điện Khải Thành. Nhưng ở Huế còn có một công trình đặc sắc khác với hiệu quả trang trí khảm sành sứ không hề thua kém, đó là tam quan của cung An Định - một công trình kiến trúc mang phong cách đặc trưng của thời Nguyễn đầu thế kỷ XX khi có sự giao thoa văn hóa Việt - Pháp.
Họa tiết trên Tam quan cung An Định nhìn từ phía trong
Nằm trên trục đường Phan Đình Phùng, gần với bến sông An Cựu, đứng bên kia bờ ta sẽ thấy tam quan cung An Định lặng lẽ soi bóng xuống dòng sông và hoàn toàn khác biệt với nhiều tam quan khác bởi nét cao sang mà vẫn gần gũi, bề thế mà bình dị lạ thường.
Cung An Định nguyên là phủ An Định, một công trình kiến trúc bằng gỗ được xây dựng vào năm 1902, dùng làm nơi ăn ở riêng cho hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo khi 18 tuổi. Sau khi lên ngôi lấy niên hiệu là Khải Định, nhà vua cho mở rộng và chỉnh trang lại khuôn viên, cải tạo và xây dựng thêm một số công trình vào những năm 1917-1918, rồi đổi danh xưng phủ thành cung.
Dưới thời Bảo Đại, cung An Định như một biệt cung tráng lệ, được quan tâm chăm chút trang trí đến từng vách tường, trụ giả, cửa sổ và mái cổng trên sự kết hợp hài hòa phong cách phương Tây và Á Đông. Ngày nay, tại nội thất của cung An Định còn lưu giữ bộ 6 bức tranh tường quý giá vẽ về các lăng tẩm thời Nguyễn, cùng những đồ dùng, vật dụng hoàng cung và không gian trang trí, bài trí ánh sáng ảnh hưởng phong cách Rococo Pháp thế kỷ XVIII-XIX.
Tuy nhiên ở tam quan thì lại trang trí đậm chất phương Đông, nổi bật là hình tượng các linh thú, hoa lá, nền hoa văn hình học khảm sành sứ được cắt gọt tỉ mỉ. Mỗi hình ảnh rồng, phụng khảm sành sứ ở đây có vẻ thanh nhã hơn, chúng không quá đồ sộ, có tính « chế ngự » như ở hình tứ linh tại hoàng cung, nhưng vẫn toát ra được sức mạnh mang ý nghĩa tượng trưng cho vương quyền và khát vọng thái bình.
Tam quan cung An Định – nơi được nhiều sinh viên mỹ thuật và Việt Nam học đến nghiên cứu
Tại tam quan cung An Định, rồng, phụng là một tổ hợp của nhiều nhịp điệu chuyển động do chính cấu trúc kiến trúc quy định với thân hình linh thú được gắn những vảy sứ màu xanh - trắng, đuôi rồng, phụng là dải vân xoắn đa sắc, xung quanh là những ô hộc trang trí tứ thời với những sắc màu lục, lam, cam, tím. Ở vòm cửa có đôi phụng chầu cuốn thư được trang trí tỉ mỉ theo gam màu lam - trắng kết hợp với những hoa văn mây, lửa xanh lục.
Trong nhiều công trình kiến trúc cung đình thời Nguyễn, tam quan của cung An Định là công trình duy nhất có các ô hộc nổi chứ không chìm âm vào trong, hầu hết các ô hộc này đều trang trí màu lam - trắng. Ngoài ra, phần trang trí ở dải đường diềm dưới cũng tạo ra cảm giác nổi cho dù bản chất của hình vẽ này là trên mặt phẳng.
So với cổng Hiển Nhơn, cổng Chương Đức hay tam quan cung Trường Sanh và bình phong lăng Kiên Thái Vương thì trang trí khảm sành, sứ ở tam quan cung An Định mềm mại hơn và rất cẩn trọng trong từng chi tiết. Đường nét hoa văn gần với phong cách khảm sành, sứ tại cung Thiên Định của lăng Khải Định. Chẳng hạn như mô-típ hoa văn nút huyền bí ở chính giữa tam quan được những nghệ nhân thực hiện rất công phu trong chọn lọc mảnh màu gốm cũng như nhẫn nại, tỉ mỉ cắt gọt từng mảnh sứ màu để tạo ra vẻ đẹp rực rỡ trang trọng, phù hợp phẩm chất cung đình quý phái ở công trình quan trọng này của triều Nguyễn.
Có một số chi tiết khảm sành, sứ tại cổng này thể hiện trình độ đã đạt đến bậc thầy, và, những nghệ nhân trang trí ở cổng tam quan cung An Định chắc chắn phải là những người rất giỏi về kỹ thuật tạo hình và phối màu. Bởi, rất không đơn giản để tạo ra được những điểm nhấn sinh động, đa hướng và nhiều chiều, nhiều góc trên mỗi chi tiết của cổng với những gắn kết có chủ ý để tạo ra những hiệu quả thẩm mỹ đầy ấn tượng và tạo được cảm quan không gian mới mẻ, ít lặp lại ở các công trình tương tự khác.
Dẫu vẫn còn nhiều đánh giá khác nhau, thậm chí rất khác biệt, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn xem nghệ thuật trang trí ở tam quan cung An Định là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật khảm sành sứ thời Nguyễn. Là một công trình khảm sành sứ rất cầu kỳ nhưng không hoa mỹ, cẩn trọng nhưng không vụn nhỏ, rực rỡ nhưng không diêm dúa, tam quan cung An Định đã đạt được độ tinh tế, xúc cảm, phản ánh rõ tài nghệ của những người nghệ nhân tài hoa thời Nguyễn đầu thế kỷ XX, những người đã tạo nên những giá trị nghệ thuật còn mãi với thời gian.
Bài, ảnh: NHÃ HƯƠNG