Một góc nhỏ yên bình của đảo Pulau Ubin (Singapore). Ảnh: Phan Lê Chung
Trải nghiệm và chia sẻ
Với hơn 1000 hecta, Pulau Ubin là một hòn đảo yên tĩnh có vẻ đẹp mộc mạc và bình dị. Một vẻ đẹp thuần thiên nhiên khác hẳn với những “tiện nghi” của một Singapore hiện đại. Chính phủ Singapore đã hạn chế tối đa sự tác động của con người vào cấu trúc thiên nhiên ở nơi đây. Hành vi săn bắt các động vật tự nhiên trong danh sách bảo vệ và phá hoại môi trường sẽ chịu những hình phạt rất nặng, tối thiểu khoảng 5.000 đô la Sin cho mỗi lần vi phạm. Ở đây, thiên nhiên và con người dường như hòa hợp gắn bó với nhau, người dân sống nhờ vào các nguồn thực vật và đánh bắt thủy hải sản gần bờ nhưng với lưu lượng và tần suất giới hạn do quy định của chính phủ về đảm bảo môi trường, trong thời gian trở lại đây do các tour du lịch sinh thái được phát triển nên người dân cũng phát triển các nghề nghiệp liên quan đến dịch vụ du lịch. Nghệ sĩ tham gia chương trình sẽ có cơ hội được tiếp xúc với những nét bình dị của thiên nhiên và con người nơi đây và một lưu ý rất quan trọng là nghệ sĩ cần tuân thủ mọi quy tắc ứng xử với thiên nhiên khi sinh sống tại đây nếu bạn không muốn cơ quan chức năng phạt tiền vì các hành vi của bạn. Một hệ thống máy quét sẽ soi hành lý và kiểm tra toàn thân khi bạn quay vào đất liền từ đảo Pulau Ubin, họ muốn đảm bảo rằng bạn không mang bất cứ mẫu san hô, ốc biển hay một động vật nào rời khỏi nơi này…
Đa phần người dân địa phương trên đảo đều có thể sử dụng tiếng Anh phổ thông nên việc trao đổi và giao tiếp cũng rất thuận lợi cho nghệ sĩ. Thông thường, để nộp đơn vào một trại nhiệm trú, bạn sẽ phải thuyết trình về các dự định của bạn tại đó với một bản kế hoạch khá cụ thể và chi tiết, tuy nhiên với chương trình này thì ban giám đốc sẽ chọn lựa dựa trên các tác phẩm đã thực hiện của bạn trong quá khứ, bạn chỉ cần cho họ biết biết về kế hoạch sơ bộ sẽ làm gì trong thời gian nhiệm trú mà thôi. Những trải nghiệm và cảm xúc đầu tiên khi đến là một điều quan trọng, nó chính là một phần dữ liệu để thực hiện các sáng tác của bạn sau này. Như vậy, tính ứng biến với điều kiện trực tiếp được xem là yếu tố quan trọng để nghệ sĩ có thể thực hành các tác phẩm của mình. Chủ đề về thiên nhiên là một trong những chủ đề mà được nhiều nghệ sĩ lựa chọn khi thực hiện các tác phẩm nơi đây, sự rung cảm trước thiên nhiên có lẽ là một trong những yếu tố tác động đến việc chọn nội dung của ý tưởng. Đúng với tinh thần của trại nhiệm trú, tôi thực hiện một số các tác phẩm bút sắt trên giấy và một tác phẩm video art để trưng bày trong buổi triển lãm cá nhân của mình tại Your mother Gallery.
Một trong những tác phẩm bút sắt trên giấy (kích thước 60cm x 110cm) của nghệ sĩ Phan Lê Chung trong chương trình nhiệm trú tại Pulau Ubin (Singapore)
Tham gia chương trình, nghệ sĩ sẽ có cơ hội được trải nghiệm và chia sẻ tác phẩm thông qua buổi nói chuyện, trình bày những tác phẩm hoặc những cảm xúc trong thời gian nhiệm trú thông qua một buổi nói chuyện với công chúng (artist talk) và kết thúc chương trình nhiệm trú của nghệ sĩ sẽ được trung tâm T.A.V (The Artists Village) tổ chức một buổi triển lãm cá nhân (solo exhibition). Bên cạnh các hoạt động sáng tác trong suốt thời gian diễn ra nhiệm trú, nghệ sĩ cũng được có điều kiện tham dự các triển lãm cũng như được tham quan hệ thống bảo tàng tại Singapore như Bảo tàng Sam, Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia… Đây là cơ hội rất tốt để nghệ sĩ có thể biết thêm nhiều điều mới mẻ và học hỏi thêm kinh nghiệm của các nghệ sĩ đi trước ở tất cả các lĩnh vực hàn lâm cho đến các tác phẩm đương đại như sắp đặt, video, trình diễn…
Đôi điều trăn trở
Hiện nay trên thế giới chủ yếu có hai mô hình nhiệm trú, một là do nhà nước quản lý, hai là do tư nhân tự đứng ra tổ chức. Hai mô hình này hoạt động theo hai phương thức khác nhau. Mặc dù mô hình trại nhiệm trú không còn mới ở môi trường nghệ thuật đương đại ở Việt Nam nhưng đây là một môi trường thực sự rất cần thiết cho nghệ sĩ đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ, đây cũng là cơ hội cho nghệ sĩ được tiếp xúc sáng tác và làm việc một cách chuyên nghiệp
Họa sĩ Lê Đức Hải (Giám đốc Trung tâm New Space Art Foundation) chia sẻ
|
Việt Nam đã hình thành một số chương trình nhiệm trú như Sàn art (Tp Hồ Chí Minh), New Space Art Foundation (Huế), Bảo tàng không gian văn hóa Mường (Hòa Bình)… tuy nhiên, mô hình những trại nhiệm trú sáng tác nghệ thuật này được tổ chức và điều hành bởi cá nhân hoặc nhóm nhỏ nên cũng gặp những khó khăn nhất định trong các khâu điều hành, tổ chức cũng như hành lang pháp lý để hoạt động. Tài chính hoạt động của các tổ chức này thường dựa vào kinh phí cá nhân hoặc xin tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ, các mạnh thường quân để hỗ trợ. Ngân sách dựa vào những nguồn này thường không ổn định và lâu dài, vì vậy, tính bền vững cũng là một bài toán cần được đặt ra để duy trì hoạt động của các tổ chức này. Về chương trình trại sáng tác của Hội Mỹ thuật Việt Nam và các hội mỹ thuật địa phương chỉ mới dừng lại ở các bước của các workshop ngắn ngày, thời gian thường rơi vào khoảng 1 đến 2 tuần, đây là khoảng thời gian có lẽ hơi ngắn để nghệ sĩ có thể tìm hiểu bối cảnh văn hóa vùng miền nơi nhiệm trú cũng như hoàn thiện các sáng tác của mình. Những hoạt động này tuy đã hình thành và đi vào hoạt động nhưng có lẽ cần phải đi sâu hơn nữa về mặt quy mô và chất lượng để tạo ra những sân chơi thực sự cho nghệ sĩ chứ không hình thành các tác phẩm mang tính chất báo cáo hay khoán theo định mức sản phẩm.
Trường đại học nghệ thuật Huế cũng là một đơn vị có nhiều năm liền tiếp nhận cũng như gửi giảng viên của mình đi trao đổi nhiệm trú tại các nước trên thế giới, trong đó Thái Lan là đối tác lâu năm nhất của nhà trường. Đánh giá về kết quả và nhận định hướng đi mới trong các chương trình nhiệm trú vừa qua dưới góc độ nhà quản lý mỹ thuật, PGS. TS Phan Thanh Bình (Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế) cho rằng: “Thời gian qua, việc tổ chức các trại nhiệm trú sáng tác đã tác động tích cực trong hoạt động trao đổi sáng tác, giảng dạy và triển lãm của nhà trường. Đã có rất nhiều lượt nghệ sĩ, giảng viên tham gia nhiệm trú giảng dạy tại nhà trường từ các nước, như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Cũng có nhiều nghệ sĩ rất vững vàng về chuyên môn nghề nghiệp nhưng cũng có một số nghệ sĩ chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà trường. Vậy nên, để có một chương trình nhiệm trú thật tốt trước hết cần phải có một sự chọn lựa kỹ càng và trách nhiệm đặc biệt là chọn lọc được những tác giả có phong cách mới lạ tích cực giao lưu và hoạt động”
Để thành lập và vận hành một chương trình nhiệm trú nghệ thuật mang tầm quốc gia là một việc không hề đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều đơn vị khác nhau, trong đó vai trò của các cơ quan ban ngành nhà nước nên đóng vai trò là chủ đạo, bởi như vậy sẽ thuận lợi hơn cho các các cơ chế hoạt động cũng như các thủ tục giấy tờ có liên quan. Chúng ta cũng cần có một cầu nối giữa Việt Nam với các trung tâm văn hóa hoặc các quỹ hỗ trợ văn hóa từ nước ngoài, để thông qua đó, nghệ sĩ có thể phát triển sự nghiệp cá nhân của mình trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh thông qua các tiêu chí chọn lựa công khai. Đây cũng là một kênh rất tốt trong việc quảng bá hình ảnh văn hóa nghệ thuật Việt Nam ra với thế giới. Sự ra đời một quỹ hỗ trợ chương trình nhiệm trú nghệ thuật chính thống từ các cơ quan ban ngành văn hóa của Việt Nam là một nguồn cổ vũ rất lớn để hỗ trợ động viên cho các nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ để họ có dịp được cọ xát với các thử thách của nghề nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện cho những nhà sưu tập, nhà quản lý văn hóa tìm ra được những nghệ sĩ tài năng góp phần vào sự phát triển của mỹ thuật địa phương nói riêng và mỹ thuật của Việt Nam nói chung.
PHAN LÊ CHUNG