Thiếu nữ trong vườn (sơn mài)
Họa sĩ Tôn Thất Đào sinh năm 1910 tại làng Phú Cát, Huế trong một gia đình quý tộc lâu đời, mất năm 1979 tại Gia Hội, TP. Huế. Ông là họa sĩ được đào tạo bài bản tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa VIII, cùng thời với danh họa Lương Xuân Nhị. Sau khi tốt nghiệp, ông quay trở về quê hương và sau này ông được giao trọng trách đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng của Trường Quốc gia cao đẳng Mỹ thuật Huế khi trường mới thành lập (tiền thân của Trường đại học Nghệ thuật ngày nay). Trong suốt cuộc đời, ông đã có nhiều cống hiến to lớn đối với nền mỹ thuật Huế.
Sinh thời, họa sĩ Tôn Thất Đào say mê sáng tác nhiều bức tranh với đủ các thể loại chất liệu như sơn mài, sơn dầu, lụa. Khi nghiên cứu về hội họa của ông, hình tượng xuyên suốt và chiếm trọng tâm là người phụ nữ. Như trong bức tranh lụa Chân dung thiếu nữ (hình 1), ông vẽ một cô gái mang vẻ đẹp kiêu sa, đài các. Cô ngồi nghiêng với đường cong đầy duyên dáng trong tà áo dài màu vàng nhạt. Khuôn mặt hướng về phía người xem với những đường nét thanh tú: đôi lông mày lá liễu, mũi cao dọc dừa, đôi mắt ẩn chứa một chút buồn. Phía sau nhân vật là rèm, mành tre che nắng, và một bình hoa sen trắng. Hình tượng hoa sen trắng vốn là biểu tượng cho sự thanh cao, đồng thời mang đậm tâm hồn Việt như một sự so sánh ngầm với cô gái ngồi cạnh. Bức tranh mang đậm tinh thần phương Đông. Hòa sắc được họa sĩ sử dụng với hai màu chủ yếu là lam và vàng, đặt cạnh nhau vừa tạo ra sự tương phản nóng lạnh nhưng đồng thời với gam màu nhẹ nhàng vẫn tạo nên sự tinh tế, rung động cho người xem.
Chân dung thiếu nữ (lụa)
Với Thiếu nữ trong vườn (hình 2) bằng chất liệu sơn mài, Họa sĩ Tôn Thất Đào thể hiện một đôi bạn ở trong vườn đang cùng nhau đọc sách. Hai cô gái đều ăn vận áo dài, đầu đội mấn với tư thế khác nhau tạo nên sự sinh động cho tác phẩm.
Sang bức Bình Phong (hình 3), đây là một bức lụa vẽ về chủ đề sinh hoạt tập thể với đông đảo số lượng các nhân vật. Trong bức tranh này, sự xuất hiện của phái nam khá ít ỏi và mờ nhạt. Sự có mặt của họ được biểu thị là cụ già đang ngồi bên hòn non bộ ở góc dưới phía phải tranh, một chàng trai đang ngồi đàn ngay sát bình phong, một bé trai đang ngồi xoay lưng với người xem ở tiền cảnh, và bóng bé trai trên con đường ở phía đằng xa, còn lại là hình ảnh áp đảo của các thiếu nữ và các bé gái. Các cô mang trên mình những tà áo dài đẹp, được họa sĩ chia làm nhiều nhóm, tạo nên một đường lượn cao thấp nhịp nhàng uyển chuyển, trong đó nhóm chính tập trung ở bức bình phong. Họ đang thủ thỉ chuyện trò, soi gương chải tóc hay thêu thùa khâu vá trong tiếng nhạc. Những hoạt động này đều mang sự nữ tính, gợi tới sự đầm ấm, bình an. Bên cạnh đó, thiên nhiên được diễn tả trong tranh rất tươi đẹp: cây cối xanh tươi, kết hợp cả những chú chim bồ câu (biểu tượng của hòa bình) đã tạo ra cảm giác an yên.
Bình phong (lụa)
Xem bức Bình Phong, ta có cảm tưởng như toàn bộ bức tranh là một khu vườn của niềm vui, hân hoan và hạnh phúc, mà trong đó những người phụ nữ là những bông hoa tươi tắn và rực rỡ nhất mà tạo hóa đã ban tặng.
Ngoài các bức kể trên, còn một loạt các bức tranh khác cũng khai thác về vẻ đẹp người phụ nữ với nhiều khía cạnh đa dạng của tác giả, có thể kể đến như: Ca Huế, Sen trắng, Ngự Bình, Đàn thập lục, Ba thiếu nữ, Chị em… Xem tranh của họa sĩ Tôn Thất Đào, ta thấy người phụ nữ trong tranh ông hiện lên với một vẻ đẹp dịu dàng, nữ tính nhưng cũng rất kiêu sa và đậm khí chất. Những tác phẩm này đã bộc lộ tư tưởng, tình cảm của người sáng tạo, đó là thái độ nâng niu, trân trọng, đồng thời là lời ngợi ca đối với vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Bài, ảnh: HỒNG HÀ