|
Ca nương Nguyễn Thùy Chi với thể cách 36 giọng
|
Người đưa ca trù đến với Cố đô Huế lần này là đạo diễn Lê Quý Dương, với sự tham gia của nghệ nhân dân gian nổi tiếng Phạm Thị Huệ và nhóm ca nương của Giáo phường Ca trù Thăng Long đến từ Hà Nội. Trong không gian chỉ đủ cho khoảng 60 người, canh hát của Giáo phường Ca trù Thăng Long thực sự đã thành công khi đem đến cho khán giả những trải nghiệm rất thú vị về ca trù, cùng những ấn tượng tốt đẹp sau khi ngưng tiếng phách.
Tôi là người khách thứ 3 bước chân lên tầng 2 của lầu Tứ Phương Vô Sự và chờ đợi đến xuất diễn của “Đêm ca trù Thăng Long trên Cố đô Huế”. Một trong 2 người phụ nữ đến trước mình, tôi nhận ra bà Monie Phương – cháu ngoại vua Thành Thái. Vui vẻ đáp lại lời bắt chuyện của tôi, bà Phương nhẹ nhàng: “Mình mê ca trù từ một lần được xem biểu diễn ở cung Diên Thọ trong kỳ Festival trước. Lần này, mình rất hồi hộp chờ đợi đêm diễn này”.
Tứ Phương Vô Sự về đêm huyền ảo trong ánh đèn nghệ thuật. Không gian dành cho ca trù càng lung linh và ấm cúng hơn với ánh đèn dầu. Càng gần giờ diễn, người lên lầu càng đông dần, nhưng không ai nhắc ai, mọi người đều đi nhẹ nói khẽ và chuyển điện thoại về chế độ yên lặng. Cứ thế, tiếng trống chầu lóc tóc, tiếng sênh phách, tiếng đàn đáy và cả tiếng ca tinh tế của ca nương đã cất lên trong không gian trang trọng và nhường nhịn sự tĩnh lặng tốt nhất có thể.
Giới thiệu ca trù đến với Cố đô Huế, Giáo phường Ca trù Thăng Long đã thể hiện bằng những gương mặt rất trẻ. Ngoài nghệ nhân Phạm Thị Huệ nổi tiếng trong và ngoài nước, còn có các ca nương và đào đàn: Nguyễn Huệ Phương, Nguyễn Thùy Chi, Đặng Thị Hường và Nguyễn Thu Thủy. Với canh hát này, dưới sự dẫn dắt mềm mại của nghệ nhân Phạm Thị Huệ, nhóm ca nương không chỉ biểu diễn những tiết mục ca trù cổ, như: Giai nhân nan tái đắc, Bắc phản, 36 giọng, Tỳ bà hành..., mà còn giới thiệu sinh động về lịch sử ca trù và những nhạc cụ sử dụng trong loại hình nghệ thuật này.
Không hề có sự lơ là trong phần thể hiện. Từ điệu bộ di chuyển cho đến cách bắt đầu và cách kết thúc một tiết mục biểu diễn, các ca nương đã truyền cho khán giả được cái cảm giác được tôn trọng, cũng như sự đam mê trong cách gìn giữ di sản của văn hóa Việt. Đặc biệt, với sự xuất hiện của 2 ca nương trẻ Nguyễn Huệ Phương (con gái nghệ nhân Phạm Thị Huệ) và Nguyễn Thùy Chi, nhiều khán giả đã không giấu được thán phục trước cách Giáo phường Ca trù Thăng Long đã làm để gìn giữ di sản.
Chia sẻ về “Đêm ca trù Thăng long trên Cố đô Huế”, đạo diễn Lê Quý Dương cho biết từ lâu anh đã ấp ủ ý tưởng kết nối văn hóa của 3 miền Bắc – Trung – Nam và làm sao để những tinh hoa của 3 miền có nhiều cơ hội giao lưu với nhau hơn. Lần này là nghệ thuật ca trù tại Huế. Sắp tới có thể sẽ là nghệ thuật đờn ca tài tử. Đồng thời, cũng có thể giới thiệu nghệ thuật ca Huế và Nhã nhạc cung đình tại 2 miền Nam và Bắc. Anh nhấn mạnh: “Nghệ thuật ca trù cũng như Nhã nhạc cung đình Huế, khi đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể, trở thành món ăn tinh thần cao cấp thì sẽ rất khó để đem lại cho quảng đại quần chúng, nếu đó không phải là những chương trình truyền hình. Trong chương trình tổ chức này, tôi muốn đưa ra một mô hình thưởng thức tinh túy nhất, thật sự cao cấp và không thể dành cho số đông. Nếu gọi là kinh doanh trong công việc này thì tôi hoàn toàn không bao giờ nghĩ đến lợi nhuận. Cái mà tôi nghĩ đến nhiều nhất, cao nhất và đẹp nhất chính là đưa được nét đẹp của ca trù Thăng Long về đất Huế. Giá trị đó hơn hẳn rất nhiều so với những giá trị về vật chất”.