ClockChủ Nhật, 06/10/2024 15:15

Nhạc sĩ Mặc Hy nặng lòng với Huế

TTH - Trong “Lời tự bạch” đề tựa cho cuốn sách cuối đời của mình, nhạc sĩ Mặc Hy viết: “Đừng để dương gian nhiều mũ áo/ Mà rồi âm phủ thiếu đèn nhang”. Hai câu thơ đó khiến nhiều người nhớ ông, như nhớ chòm râu trắng dài và nụ cười hồn hậu như ông tiên của ông. Nhưng nhớ nhiều hơn là sự im lặng và lặng lẽ sống, lặng lẽ đi, lặng lẽ viết, lặng lẽ hát xẩm, lặng lẽ đến với bà con miền núi xa xôi… của ông.

Bài hát “Lúa vàng” từ năm 1949…

 Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và nhạc sĩ Mặc Hy (phải) dịp Kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Quốc Học - Huế

Ông sinh năm 1927 ở Thanh Hóa, lớn lên và hoạt động cách mạng ở vùng quê sông Mã, nhưng ông cũng có thời thanh niên sôi nổi chống Pháp ở khúc ruột miền Trung, khi tham gia lớp văn nghệ quân đội Liên khu Bốn, văn công Sư đoàn 325 mặt trận Bình Trị Thiên, Đội tuyên truyền Trung đoàn 95 Bình Trị Thiên… Đặc biệt, cuộc đời âm nhạc của ông gắn bó vô cùng máu thịt với Huế. “Lúa vàng”, ca khúc nổi tiếng nhất của ông được sáng tác ở một ngôi làng biển của Huế. Ông kể lại: Năm 1949, khi từ vùng núi về ngôi làng giáp ranh ở đồng bằng, một sáng thức dậy thấy bên ngoài là cánh đồng lúa chín vàng rực. “Một tứ thơ, một ý nhạc chợt nảy ra trong óc tôi. “Lúa vàng! Lúa vàng trên cánh đồng làng tang tình tang…”. Nét nhạc uốn lượn như sóng lúa, nhẹ nhàng êm ái… Bài hát hoàn thành trong một đêm cuối năm 1949 ở vùng Kế Môn, Đại Lược, huyện Phong Điền, Bắc Thừa Thiên…”.

Ông có một ca khúc khác cũng rất nổi tiếng, đó là “Gặp nhau dưới trăng”, ngập tràn chất ca dao: “Đêm qua tát nước sau đình, ra về anh bỏ quên (bỏ quên) cái áo vắt trên cành (trên cành) bông hoa sen…”. So với “Lúa vàng”, ca khúc  “Gặp nhau dưới trăng” được nhiều người biết hơn, nhất là khi được thu đĩa ở Liên Xô, được phát nhiều lần trên Đài Tiếng nói Việt Nam, là tiết mục thường trực của nhiều liên hoan văn nghệ ở hầu khắp các miền.

Nhưng “Lúa vàng” thì lại có số phận oanh liệt và dữ dội hơn. Năm 1950, bài hát lần đầu tiên được giới thiệu tại Đại hội Văn nghệ Quảng Trị. Cuối năm đó, tại Hội nghị Họp Bạn của văn nghệ sĩ Thừa Thiên ở làng Mỹ Lợi, bài hát được giới thiệu cho gần 150 văn nghệ sĩ tham dự. Khi nhạc sĩ Mặc Hy tập kết ra Bắc, bài hát “Lúa vàng” được Nxb Tinh Hoa (Huế) in tái bản đến 3 lần. Bìa do họa sĩ Phi Hùng trình bày. Nhờ “Lúa vàng” mà các nhạc sĩ Hà Nội lúc đó biết Mặc Hy là nhạc sĩ ở vùng kháng chiến về, trong Đại hội Đoàn Ca vũ nhạc Hà Nội đã bầu ông vào Ủy viên Ban chấp hành. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, phải đến năm 1993, tập ca khúc của ông có tựa đề “Hương thời gian” mới được in ở Huế, do Sở Văn hóa Thừa Thiên Huế cấp phép xuất bản. Năm 1997, hãng Audio Sài Gòn đưa “Lúa vàng” vào đĩa CD “Nhạc tình kháng chiến” cùng 9 bài hát khác của Trần Hoàn, Nguyễn Xuân Khoát, Hoàng Việt, Lê Yên, Đỗ Nhuận… Năm 2000, Nxb Trẻ xuất bản “Tuyển tập 100 ca khúc tiền chiến” trong đó có “Lúa vàng”. “Lúa vàng” cũng “xuất ngoại”, lan truyền qua Thái Lan, Pháp, Mỹ, Canada… Năm 1986, sau hơn 30 năm xa chiến trường Thừa Thiên, nhạc sĩ Mặc Hy được Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên mời vào Huế chơi. Ông có dịp tiếp xúc với nhiều tầng lớp công chúng yêu âm nhạc của Huế. Trong một cuộc gặp gỡ bạn bè thân mật, nhạc sĩ Mặc Hy hết sức bất ngờ khi chứng kiến khoảng hai mươi cựu nữ sinh Đồng Khánh trên 50 tuổi đứng lên hát “Lúa vàng”.

Vào thăm lại Huế, ông sáng tác một số nhạc phẩm ấn tượng. Bài hát “Về lại chiến khu xưa” (1986), nhạc sĩ Mặc Hy đã viết: “…Ôi nhớ sao là nhớ, nhớ chiến khu Dương Hòa những con đường như còn reo chiến thắng… Ôi nhớ sao là nhớ. Nhớ biết bao mẹ già đã quên mình nuôi đàn con chiến sĩ thắm bao tình quân và dân kết nghĩa…”. Bài hát sau đó đã được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam và được in trong tập “30 năm ca khúc Việt Nam 1975-2005” của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Ông cũng đi thăm nhiều nơi. Ông lên thăm và mang tiếng hát tới gia đình các anh hùng Vai, Kan Lịch, A Nun – bạn bè một thuở ở vùng cao A Lưới, rồi viết “Đi hát xẩm ở A Lưới” đăng báo Nhân Dân: “Đêm giao lưu này giữa núi rừng Pa Cô thật thân tình, ấm cúng, cảm động, cho tôi sống lại những năm tháng còn là diễn viên Văn công Quân đội thời chống Pháp. Tiệc rượu sắn, nhắm với sắn luộc và chuối chín, của chủ nhà chiêu đãi khách, kéo dài suốt đêm… Ở cái tuổi cổ lai hy như tôi, còn được cầm đàn đi hát cho đồng bào miền núi nghe, được thăm lại chiến trường xưa, tôi thầm nghĩ: Thật là hạnh phúc…”.

Cùng với những ca khúc sống mãi với thời gian, những câu chuyện do ông kể lại, là nhân chứng cho sự tham gia dũng cảm vô ngần của văn nghệ sĩ xứ Huế trong cuộc chiến thần thánh của dân tộc.

Cách đây tròn 15 năm, năm 2009, ông vĩnh biệt chúng ta để đi về miền mây trắng. Trước khi ra đi, nhạc sĩ Mặc Hy để lại ba cuốn sách cùng tên “Hương thời gian”, với các mốc xuất bản: 1993, 2003, 2005. Có thể nói đó như cách ông thầm tỏ lòng biết ơn thời gian, dù nghiệt ngã, cũng đã cho ông dự phần với hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và công cuộc xây dựng đất nước mà ông luôn yêu mến vô bờ, trong đó có xứ Huế mà ông vốn rất nặng lòng…

Hồ Đăng Thanh Ngọc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bài hát “Lúa vàng” từ năm 1949…

Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, nhiều ca khúc ra đời trong kháng chiến chống Pháp được nhiều người yêu thích và lưu truyền trong cả hai miền Nam - Bắc, bài hát “Lúa vàng” của nhạc sĩ Mặc Hy là trường hợp như vậy.

Bài hát “Lúa vàng” từ năm 1949…

TIN MỚI

Return to top