ClockThứ Bảy, 10/12/2022 14:28

Nỗi nhớ giữa ngày đông

Ấm áp chiếc lồng ấp ngày đông

Ai đó viết trên tường nhà facebook: “Sáng nay gió đông lạnh thật, nhưng...” kèm tấm ảnh bếp lửa rực hồng, gợi nỗi bâng khuâng đến lạ. Tôi mở hé cánh cửa sổ chào làn gió rét cùng tiếng mưa rả rích. Miên man nhớ.

Hồi còn thơ bé, tôi thích những ngày đông rét mướt, cơn mưa đôi khi lê thê mấy ngày liền khiến bầu trời ướt sũng. Mưa rét khiến một đứa trẻ “có quyền” nấn ná, nhõng nhẽo trong chăn ấm. Để đứa cháu kịp bữa sáng trước lúc tới trường, lời giục giã của nội bao giờ cũng mềm sự dỗ dành.

Thích nhất là lúc chiều buông, khi cả nhà đã trở về, góc bếp là nơi quây quần ấm áp. Xung quanh chiếc kiềng ba chân, những thanh củi đã được ba tôi chẻ mỏng dựng sát tường gạch hong thật khô, để mẹ dễ dàng nhóm lên ngọn lửa đượm đà. Mỗi lần nội hé cánh cửa, ngọn lửa nhảy nhót, nghiêng bên này, chao bên nọ, bởi cơn gió lạnh vội vã len vào. Lúc cơm sôi già, anh em tôi đưa những bàn tay bé nhỏ bụm lại mùi thơm từ gạo và những lát sắn khô mẹ nấu ghế trong nồi, đưa lên mũi hít hà, hít luôn mùi lửa ấm, êm đềm. Thỉnh thoảng, chén cơm độn sắn lát ngày đông cũng vơi bớt, bởi ba mẹ san sẻ cùng gia đình hàng xóm đang gặp cơn túng quẫn. Một bát cơm nhỏ, nhưng bao giờ nội cũng bảo các cháu phụ giúp, để những ngày đông thơ ấu khiến tôi nhớ đến bây giờ…

Bỗng dưng muốn như ngày thơ bé, nấn ná trong chăn ấm. Lật giở từng trang facebook nhấm nháp mùi vị của rất nhiều cung bậc cảm xúc. Những cô nàng tuổi đôi mươi háo hức với các kiểu váy áo thời trang. Cả phụ nữ trung niên, dù chọn gam màu đằm thắm, nhưng không quên tô lên má, đậm thêm chút phấn hồng, để ngày đông trở nên rực rỡ.

Nhưng với tôi điều khiến ngày đông rực rỡ không hẳn bởi sắc màu, mà là ngọn lửa tình người ấm áp. Đó có thể là những gương mặt rạng ngời của người làm thiện nguyện, khi thực hiện chương trình “Ấm tình mùa đông”, “Áo ấm mùa đông” tại các bản làng xa xôi còn nhiều khó khăn vùng núi cao Nam Đông, A Lưới...

Không chỉ trân trọng tặng áo ấm, chăn ấm, lương thực, các bạn trẻ còn quây quần cùng dân bản, quanh bếp lửa giữa nhà sàn với bao nhiêu câu chuyện gần gũi, khiến những gương mặt hằn nắng gió nương rẫy hồng lên. Mấy trẻ nhóc cười hết cỡ, bày ra vài chiếc răng sún, khi nghe các anh chị kể chuyện hài. Bất giác mỉm cười khi vài cô nhóc, chú nhóc bụm tay như thể giữ ấm nồng, hít hà thật sâu vào lồng ngực.

Tôi nhớ cũng trong một ngày đông, tại quán cơm 5 nghìn đồng dành cho người nghèo, người phụ nữ lớn tuổi chân đi cà quệt, bán vé số, ngồi thật lâu, chậm rãi với phần cơm của mình. Các bạn tình nguyện viên đã nghĩ, có lẽ cô muốn nghỉ chân thêm chút nữa, trước khi tiếp tục bước ra bên ngoài rong ruổi cùng giá rét. Thật bất ngờ khi cô bộc bạch, muốn thật chậm để cảm nhận hết vị ngọt yêu thương.

“Tôi muốn buộc gió lại/ Cho hương đừng bay đi”. Tôi đã nhớ những câu thơ này của thi sĩ Xuân Diệu, khi một lần bên khung cửa hít hà hương vị ngày đông. Chợt nhận ra rằng, tôi yêu những ngày đông, bởi mùa đông là “cái cớ” rất đẹp đẽ, khiến con người gần nhau hơn. Những ngọn lửa yêu thương cũng vì vậy mà mãi mãi ấm áp, đượm nồng.

QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top