Sự thay đổi về gương mặt của tân Hoa hậu Phạm Hương làm dấy lên nghi vấn về việc “lách luật” mà không cần phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: TL
Thẩm mỹ không cần dao kéo
Theo Thông tư 03/2013/TT-Bộ VH - TT&DL quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 79/2012 về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu... quy định rõ thí sinh của các cuộc thi người đẹp trong nước phải có vẻ đẹp tự nhiên, không qua phẫu thuật thẩm mỹ.
Ngay sau khi cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 kết thúc, nhiều bức ảnh trước đây và hiện tại của tân Hoa hậu Phạm Hương đã dấy lên nghi vấn người đẹp này can thiệp thẩm mỹ nên mới có sự thay đổi về gương mặt như vậy. Tuy nhiên điều này (nếu có) cũng không bị coi là phạm quy bởi quy chế chỉ yêu cầu thí sinh không được phẫu thuật thẩm mỹ. Điều được các chuyên gia đặt ra lúc này là, liệu quy định như vậy có còn hợp thời?
Phẫu thuật thẩm mỹ được hiểu là có sự can thiệp của dao kéo, các biện pháp kỹ thuật để sửa sang, thay đổi cấu trúc cơ thể giúp con người đẹp lên. Tuy nhiên, tại rất nhiều các trung tâm thẩm mỹ hay Spa đang sử dụng những kỹ thuật giúp cho phụ nữ trở nên đẹp hơn mà không cần đụng chạm đến dao kéo (phẫu thuật).
Chị Nguyễn Thị Nhung (chủ thương hiệu Nhung Spa) bên Á hậu Huyền My
Với nhiều năm làm việc trong lĩnh vực thẩm mỹ, chị Nguyễn Thị Nhung (chủ thương hiệu Nhung Spa) cho biết: Nếu như trước đây, việc làm đẹp, thay đổi các nhược điểm trên cơ thể của người phụ nữ cần có sự tác động bằng dao kéo, gây đau đớn và để lại dấu vết trên cơ thể thì hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học, việc thẩm mỹ đã không cần đến sự tác động của dao kéo. Công nghệ “phẫu thuật thẩm mỹ” không còn được nhiều người sử dụng vì gây đau đớn, mất nhiều thời gian hồi phục, thậm chí rủi ro cao nếu cơ thể không thích ứng. Thay vào đó, các cơ sở làm đẹp có nhiều phương cách để thay đổi cấu trúc gương mặt bằng cách tiêm filler, butox. Muốn có mũi cao, thon, cằm V-line hay khuôn mặt đầy đặn hơn đều có thể tiêm filer để trở nên đẹp hơn. Điều quan trọng là việc sử dụng công nghệ này khá lành và có tác dụng ngay sau khi tiêm khoảng 30 phút (với butox là sau một tuần). Hiệu quả của công nghệ này kéo dài trong khoảng 6 tháng.
Khi được hỏi, việc tiêm các chất này có thể phát hiện bằng mắt thường không, chị Nhung cho biết: “Chỉ khi ra ngoài ánh sáng và nhìn nghiêng thì mới thấy sự khác biệt của vùng tiêm (sẽ có màu sắc trắng đục so với da thật). Nhưng nếu dùng kem che khuyết điểm thì mắt thường cũng khó phân biệt được”.
Đó là chưa kể đến công nghệ tắm trắng toàn thân, bọc răng cũng giúp cho việc thay đổi vẻ đẹp một cách khác biệt. Thế nhưng, khái niệm “phẫu thuật thẩm mỹ” hiện nay được quy định trong quy chế thi sắc đẹp vẫn được hiểu là có sự can thiệp của dao kéo. Việc kiểm tra cũng được căn cứ vào các dấu hiệu trên cơ thể hoặc có các “vật liệu” được nhìn thấy trong cơ thể. Trong khi đó, chất filler - theo chị Nguyễn Thị Nhung vốn là dạng muối cô đặc, còn butox là một dạng chất lỏng. Khi tiêm vào cơ thể sẽ có trạng thái giống như nước được “nuôi” trong vùng cần thay đổi.
Đến lúc phải điều chỉnh quy chế?
Nhà thơ Hữu Việt làm giám khảo tại cuộc thi Hoa hậu VN 2014
Từng là giám khảo của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, nhà thơ Hữu Việt cho rằng vấn đề được Báo GĐ&XH nêu cần được đưa ra mổ xẻ trong thời gian tới. Hai khái niệm “can thiệp thẩm mỹ” và “phẫu thuật thẩm mỹ” rõ ràng là có sự khác nhau, nhưng nếu nó cùng mang lại một hiệu quả làm thay đổi cấu trúc gương mặt thì cần phải quy định cụ thể hơn để đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh.
Nhà thơ Hữu Việt nêu dẫn chứng trong những lần tham gia chấm thi Hoa hậu: “Cùng việc làm răng, nếu họ bị sâu răng, sứt răng thì việc trồng răng mới là điều chấp nhận được. Nhưng nếu kẽ răng bị rộng, thí sinh nhổ răng cũ để trồng răng mới cho đẹp hơn thì đó được coi là có sự can thiệp vẻ đẹp tự nhiên vốn có. Hay như có thí sinh nói bị cận thị, thay vì đeo kính thì họ đeo kính áp tròng có màu. Điều này không được coi là phạm quy, nhưng nếu mổ xẻ ra thì việc đó cũng giúp cho thay đổi màu mắt trở nên đẹp hơn. Những điều này cũng cần được quy định cụ thể để phù hợp với thực tế”.
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề “quy chế chạy sau thực tế” được đặt ra. Năm 2008, dư luận cũng dấy lên tranh cãi về quy định của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, trong đó yêu cầu “các thí sinh dự thi chỉ cần có trình độ học vấn từ THPT trở lên”. Tuy nhiên, khi Thùy Dung đăng quang Hoa hậu thì cô mới đang học dở lớp 12. Dư luận cho rằng, Thùy Dung đã vi phạm quy chế, còn BTC thì đưa ra lý lẽ rằng: “có trình độ học vấn từ THPT trở lên” khác với “tốt nghiệp THPT” nên trong trường hợp này, Thùy Dung không vi phạm quy chế. Nhưng những năm sau, các cuộc thi Hoa hậu đều được Bộ VH-TT&DL quy định rõ: “Thí sinh phải có trình độ văn hóa tốt nghiệp THPT trở lên”.
Tiếp đến, năm 2012 lại phát sinh trường hợp ngoài quy chế của thí sinh Vương Thu Phương. Trong quy định từ trước đó nêu rõ, thí sinh dự thi chưa đăng ký kết hôn. Xét về lý, Vương Thu Phương không phạm luật vì trên thực tế, dù có tổ chức đám cưới nhưng cô và chồng lại chưa đăng ký kết hôn. Sự việc chỉ được phát hiện khi cô bị chính “bạn trai” (khi đó đã chia tay) cung cấp những chứng cứ là các bức ảnh cưới giữa hai người. Sự việc đã khiến BTC phải tước quyền thi tiếp của thí sinh Vương Thu Phương. Từ “tiền lệ” này, BTC cuộc thi đợt sau đã bổ sung quy định cụ thể hơn: "Thí sinh chưa lập gia đình". Khái niệm này được nêu rõ là: “Chưa tổ chức đám cưới, chưa đăng ký kết hôn lần nào và chưa sống với ai như vợ chồng".
Việc can thiệp thẩm mỹ nếu tạo ra sự khác biệt về gương mặt cho các thí sinh dự thi Hoa hậu thì có được coi là sự “lách luật” hay không? Nhà thơ Hữu Việt cho rằng, các chuyên gia nhân trắc học nên nghiên cứu thêm về việc “can thiệp thẩm mỹ” bởi cùng với thời gian, thực tế cuộc sống có nhiều thay đổi thì Luật cũng cần phải có sự điều chỉnh để phù hợp hơn. |
Theo Gia đình & Xã hội