Thứ Sáu, 26/12/2014 18:00
(GMT+7)
Ra mắt công trình nghiên cứu “Mỹ thuật thời chúa Nguyễn”
TTH.VN - Chiều 26/12, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán tổ chức giới thiệu sách “Mỹ thuật thời chúa Nguyễn: Dẫn liệu từ di sản lăng mộ”.
“Mỹ thuật thời chúa Nguyễn: Dẫn liệu từ di sản lăng mộ” dày 345 trang, do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành. Đây là công trình nghiên cứu công phu, có giá trị của nhóm tác giả thuộc Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, do nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông làm chủ biên.
Sau 10 năm thu thập tài liệu văn bản, khảo sát thực địa ở các ngôi lăng mộ và dựa trên phương pháp đối sánh trên trục lịch đại, đồng đại, nhóm nghiên cứu đã đưa ra những đặc trưng của mỹ thuật thời chúa Nguyễn.
Chúa Nguyễn với những tâm sự ngổn ngang trong hoàn cảnh lịch sử của mình đã dẫn đến việc chọn lựa tam giáo hay tinh thần cư Nho mộ Thích, mỹ thuật tạo hình đã phản ánh điều ấy qua họa tiết hoa sen, sự ngập ngừng trong lối biểu hiện hình tượng rồng, sự thiếu vắng bóng dáng con người trong môtip tạo hình.
Sự biến cải và thích ứng của nghệ thuật tạo hình ở lăng mộ thời các chúa ở Đàng Trong với nhiều đặc hữu trên nền tảng kế thừa truyền thống Việt ở Đàng Ngoài, thể hiện ở nguyên liệu đá và sự phát triển nề vôi hàu, khung chịu lực bằng sa thạch kế thừa tháp Chăm trên các vòm cổng lăng, chạm sâu nét khỏe trên đặc điểm nền đá sa thạch...
Minh Hiền