|
Một thông báo về ấn phẩm Nghiên cứu Huế bị làm giả, bày bán trên mạng xã hội |
Không đáp ứng được chất lượng, những cuốn sách bị làm giả còn được quảng bá một cách bài bản và đưa ra mức giá “khuyến mãi” để gây sự chú ý đến những người quan tâm. Nếu không am hiểu, người mua sẽ dễ dàng bị lừa.
Vô tư rao bán trên mạng xã hội
Một ngày tháng 10, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan - chủ biên bộ sách Nghiên cứu Huế đã phải đưa ra lời khuyến cáo trên trang facebook cá nhân của mình về việc bộ sách này bị làm giả và bày bán công khai trên mạng xã hội. Nghiên cứu Huế là bộ sách đến nay ra mắt tập thứ 9 - đây được xem là một ấn phẩm nghiên cứu hấp dẫn, sang trọng, với sự góp mặt của đông đảo các nhà nghiên cứu lớn.
Tuy nhiên, bộ sách này được một trang mạng xã hội rao bán. Dù bộ sách đã ra đến tập 9, nhưng trang này rao “trọn bộ 6 tập” với lời giới thiệu: “Bộ sách quý báu tập hợp các nghiên cứu chuyên sâu toàn diện về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, phong tục và đời sống con người của vùng đất Cố đô - một trong những di sản văn hóa, lịch sử quan trọng nhất của Việt Nam”.
Theo ông Phan, những cuốn Nghiên cứu Huế được rao bán ấy đã bị làm giả mạo, chất lượng in mọi mặt đều yếu kém, vì thế cũng mong mọi người nếu thật sự có nhu cầu thì liên hệ theo số điện thoại của Trung tâm Nghiên cứu Huế để mua.
Sau chia sẻ ấy, nhiều người cũng bày tỏ về tình trạng sách giả hiện nay tràn lan và rất khó kiểm soát. “Tình trạng làm giả này giờ không ai có thể kiểm soát nổi. Tất cả những đầu sách có khả năng bán chạy là họ in lậu ngay. Chỉ tội cho người mua, đã mất tiền nhưng lại phải mua về sự bực bội”, một người bình luận khi hay tin những tập sách Nghiên cứu Huế bị in giả.
Trước đó bộ sách “Địa chí Thừa Thiên Huế”, “Di sản văn hóa Huế - Nghiên cứu và bảo tồn”, “Sắc phong Triều Nguyễn”… cũng được làm giả theo hình thức photocopy từ bản gốc, làm bìa và rao bán công khai trên mạng xã hội.
Với quan sát của mình, nhà văn Lê Vũ Trường Giang (TP. Huế) nói rằng, vấn nạn sách giả bày bán trên mạng xã hội hiện đang diễn ra phức tạp trong nhiều năm qua. Các nền tảng như Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok… và thậm chí là các sàn thương mại điện tử khác đã trở thành những kênh phổ biến để phân phối sách giả. Tình trạng sách giả này không chỉ ảnh hưởng đến ngành xuất bản, mà còn làm giảm chất lượng văn hóa đọc nói chung và gây ra nhiều hậu quả đáng lo ngại.
Sách giả “đánh” vào tâm lý người mua
Cũng theo nhà văn thế hệ 8X này, sách giả đánh vào tâm lý mua hàng giá rẻ nhưng không chú trọng đến chất lượng sản phẩm, giá trị của nội dung và sự đầu tư của tác giả, dẫn đến việc xem nhẹ việc bảo vệ bản quyền và phát triển văn hóa đọc sách chất lượng.
Ngay chính anh Giang cũng từng mua phải sách giả trong một lần tình cờ lướt facebook, bắt gặp một số được chạy quảng cáo sách có lượng tương tác lớn.
Mới đầu hình ảnh và nội dung sách khiến anh Giang chú ý, vì đây là cuốn sách anh đang cần. Giá cả đưa ra cũng rất dễ mua khi số lượng trang sách khá nhiều, trên 300 trang. Tuy nhiên, khi giở sách ra đọc, khâu trình bày không những xấu, mà còn bất tiện khi tìm thông tin, chữ mờ nhòe, hình ảnh không rõ nét, nội dung sách không như mong muốn, còn chất lượng giấy thì rất kém, vừa mỏng vừa đen…
Sau những lần như thế, anh Giang cho rằng, để tránh mua sách giả, người tiêu dùng cũng cần nhận thức rõ hơn về việc chỉ mua sách tại các kênh phân phối chính thống để bảo vệ bản quyền và hỗ trợ tác giả, nhà xuất bản. Để tránh rủi ro mua sách giả, hãy tìm đến các nhà sách lớn, có uy tín hoặc các trang web bán hàng chính hãng như Tiki, Fahasa, hoặc trang web của các nhà xuất bản hoặc chủ động ra nhà sách để tìm mua. Khi mua hàng trên các nền tảng điện tử, mạng xã hội, nên xem xét kỹ đánh giá của người mua trước đó và thông tin về người bán. Nếu được, hãy kiểm tra chất lượng in ấn, chất lượng bìa và giấy, ruột trước khi mua. Người mua cũng đừng quên kiểm tra các yếu tố bảo mật như tem chống giả và mã vạch. Một số nhà xuất bản sử dụng mã QR để người mua có thể quét và kiểm tra nguồn gốc cuốn sách.