ClockThứ Năm, 02/10/2014 14:06

Sách cũ

TTH - Lần đầu tiên tôi giật mình thích thú với hiệu sách cũ ở Huế là vào cuối năm 1982. Mới bước vào cổng trường đại học, buổi chiều đông lang thang, trời xui đất khiến thế nào lạc bước vào hiệu sách cũ có cái tên gọi rất lạ “Tôn Chỉ” gần giao lộ Nguyễn Huệ - Hùng Vương.

Lần ấy tôi vớ liền mấy cuốn sách khảo cổ học, đem về phòng nội trú. Sách quý, cả lớp đang đi tìm, hiếm đến nỗi thư viện cũng chả thấy. Thế là từ đó tôi bắt đầu “nghiện” các hiệu bán sách cũ.

Chọn mua sách cũ trên hè phố

Mấy năm đầu mới giải phóng ở Huế hiếm thấy những hiệu bán sách cũ. Ấn tượng nhất là nhà sách 30 Đinh Tiên Hoàng, bên trong cửa Thượng Tứ, bán toàn loại sách do Nhà Xuất bản Giáo dục ấn hành. Một cuốn sách bán ở đây chỉ có mấy hào. Vậy là thỉnh thoảng nhịn quà để đi mua sách, cả chục cuốn một lần.

Ở Huế bây chừ hiệu sách cũ cũng không nhiều, chỉ đếm đầu ngón tay. Thế nhưng, nó có những địa chỉ khó quên. Nói là hiệu sách cũ nhưng cũng có năm bảy hạng. Có loại xứng đáng với tên gọi là hiệu sách, kiểu như hiệu sách Trường Tâm một thời ở gần giao lộ Lý Thường Kiệt - Nguyễn Huệ; Hoàng Thổ, phía đường Hùng Vương, hay Đèn Sách phía Mai Thúc Loan với cơ ngơi nhà cửa hẳn hoi, nằm ở vị thế đắc địa, được đầu tư khá lớn. Lại cũng có sự phân biệt trong đó khi có trường hợp sách cũ chỉ là một phần kinh doanh của nhà sách, còn lại có thêm bao thứ khác, nào là sách mới, nào là các thiết bị dụng cụ học tập và còn nữa các chủng loại khác đúng với chức năng của một hiệu sách tổng hợp. Nó khác với một số ít hiệu sách còn lại, mà Hoàng Thổ là một điển hình, chỉ độc chiêu một thứ gọi chung là sách cũ.

Thỉnh thoảng, tôi vẫn lang thang đến nhiều hiệu sách có bán sách cũ ở Huế. Sờ qua mó lại, lục tìm cả tiếng đồng hồ, đôi khi cũng kiếm được những cuốn sách ưng ý, chủ yếu là loại sách khảo cứu của những tên tuổi lớn, đem về bổ sung vào giá sách trải qua mấy chục năm bồi tụ nên cũng đã kha khá của mình. Đáng nói là giá cả hơi bị cao, có trường hợp tương đương với cả sách mới ở nhà sách Phú Xuân nằm ở dưới chân cầu Trường Tiền. Ví như mới đây có dịp ghé lại hiệu sách cũ Đèn Sách. Bắt gặp nhiều cuốn sách hay nhưng đáng nói là mới quá và được bọc hẳn hoi những bao ny lon không thể bóc ra được. Chọn mua được cuốn “Xứ Đàng Trong” của Li Tana. Giá 110.000 đồng. Vừa trả xong đã nghe cậu chủ quán hỏi lại tên cuốn sách. Tôi thắc mắc thì nhận được câu trả lời “Dạ, để mạ em đặt lại sách ạ”. Thì ra, chủ của các hiệu sách này là những nhà kinh doanh thứ thiệt. Không chỉ nhận bán sách ký gởi, họ sành sỏi trong việc thẩm định nội dung và chất lượng, cũng như độ quý hiếm của mỗi đầu sách nên biết cách định giá, có thể bị cao nhưng gặp kẻ đang cần thì khó có thể làm ngơ được. Vậy là tôi như chợt ngộ ra, sách có quy luật riêng của nó. Càng cũ, càng hiếm, lại càng hấp dẫn người mua.

Khi mà sách cũ trở nên đắt đỏ qua tay kẻ kinh doanh (cũng phải thôi) thì những chiếu sách vỉa hè lại trở nên gần gũi hơn với những ai yêu sách, đặc biệt là các bạn trẻ. Cả chục năm rồi, lâu dần thành quen, cứ khoảng dăm ba bữa, chiều đi làm về không ghé lại mấy chiếu sách nơi vỉa hè đường Nguyễn Trường Tộ gần cầu Phú Cam là thấy áy náy. Vào tầm khoảng 3 giờ khi trời bắt đầu nhạt nắng cũng là lúc các chiếu sách mở hàng. Sách ở đây đầy đủ loại thượng vàng hạ cám và có chung một đặc điểm là giá rẻ tới bất ngờ, có cuốn bèo tới mức chỉ 1 - 2 ngàn đồng. Cũng thật dễ hiểu, đó là sách được thu gom theo kiểu mua bán ve chai. Chủ quầy mua sách và trả tiền tính theo ký nên sao có thể bán đắt giá được.

Chính ở những chiếu sách gần cầu Phú Cam kia mà tôi đã có dịp bổ sung hàng trăm cuốn sách vào tủ sách gia đình theo kiểu “năng nhặt chặt bị”. Có thể đó là những cuốn sách không quá giá trị nhưng đối với tôi nó lại thật sự cần thiết. Ví như tôi đã có gần như trọn bộ tạp chí Sông Hương trong quãng thời gian đình đám từ khi ra đời cho đến năm 2000. Mỗi số 2.000 đồng cứ thế mà lấy, có lần cả mấy chục cuốn, đem về đối chiếu lại thì ra có cuốn đã có ở nhà. Cũng chả sao, quá rẻ mà. Đôi khi bắt gặp trong những số những cuốn sách chọn mua kia những lời đề tặng của ai đó hay cả chữ kính biếu có màu đỏ chót với các ông chủ hiệu sách cũ bao giờ cũng biết cách tỉa tót, làm sạch, làm đẹp cuốn sách cũ để lấy lòng khách hàng và bán được giá cao, những kẻ bán hàng ở đây chân chất, họ chưa biết cách móc tiền khách hàng.

Cái nghề bán sách vỉa hè cũng bao nỗi gian truân. Khó khăn nhất là vào dịp mùa mưa xứ Huế, có khi cả tháng trời vắng tanh. Gặp bữa chập chờn, trời đổ chứng, chợt nắng chợt mưa, vừa mới bày ra lại phải bát nhào dọn sách. Bắt gặp buổi chiều hiếm hoi trời hửng nắng và không có mưa rơi do thế là lúc cả phố sách lại rộn ràng. Kẻ bán thấp thỏm là chuyện bình thường, người mua như tôi cũng mang một tâm trạng bâng khuâng khó tả. Trong số những người bán sách cũ ở vỉa hè đường Nguyễn Trường Tộ, tôi quen biết với một ông cụ năm nay ngót nghét chừng 65 tuổi. Lâu dần thành thân, biết cả cái gu người mua, vậy nên mỗi khi thấy tôi vừa bước vào quầy là ông không giấu diếm, tiếc nỗi câu nói quen thuộc lại là “Không có sách anh ơi”. Tôi cười: “Đại nhiều đó tề”. Ông lại thật thà: “Nhưng mà không có sách Huế để bán cho anh”.

Không đon đả mời chào nhưng cái cách buôn bán sách cũ thiệt thà như đếm của ông cụ khiến tôi nhớ mãi và rồi tôi đã bỏ lại bao hàng quán sách cũ ở Huế để tìm tới ông, cùng ông chờ đợi một cuốn sách hay nào đó bất chợt xuất hiện trong đống sách khiêm tốn nằm dưới hè phố kia.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đếm ngược ngày điện Cần Chánh được “hồi sinh”

Sau hơn 60 năm nghiên cứu, di tích điện Cần Chánh (Đại Nội) - một trong ba ngôi điện quan trọng mang tính biểu tượng của vương triều Nguyễn sẽ được triển khai tu bổ, phục hồi đúng dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 năm nay.

Đếm ngược ngày điện Cần Chánh được “hồi sinh”
“Vũ điệu thời gian”

Là chủ đề của chương trình nghệ thuật do Hiệp hội Múa Gyeonggi Hàn Quốc biểu diễn tối 22/11, tại sân khấu Nhà hát Duyệt Thị Đường – Đại Nội Huế. Chương trình trong khuôn khổ Festival Huế Mùa Đông 2024 và chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11.

“Vũ điệu thời gian”
Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số

Đó là chủ đề của hội thảo khoa học quốc tế LSCAC 2024 - Ngôn ngữ, Xã hội, Văn hóa trong bối cảnh châu Á diễn ra từ ngày 22 - 24/11 tại TP. Huế, do Trường cao đẳng Huế phối hợp với Trường đại học Quốc gia Malang (Indonesia), Đại học Hyderabad (Ấn Độ), Đại học Mahasarakham (Thái Lan), Viện Nhân học Văn hoá (Hà Nội) và Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Đông Bắc (Thái Lan) tổ chức.

Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số
Tôn vinh nhiều cá nhân hiến tặng hiện vật cho bảo tàng

Trong năm 2024, có 6 cá nhân tặng hiện vật và 9 cơ sở, cá nhân sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống Huế hỗ trợ cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trong công tác trưng bày, triển lãm nhằm quảng bá di sản văn hóa Huế đến với công chúng, khách tham quan.

Tôn vinh nhiều cá nhân hiến tặng hiện vật cho bảo tàng
Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức

Dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức”, gồm điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, la thành, cổng, bình phong đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế triển khai.

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức
Return to top