ClockChủ Nhật, 25/06/2023 06:00

Bố ơi, mình đi biển nhá!

TTH - Truyền hình chiếu “Bố ơi mình đi đâu thế?”. Đó là chương trình Cà Rốt rất thích, nhưng giờ phát sóng lại nhằm vào giờ nghỉ trưa, lúc đó mẹ bắt Cà Rốt phải ngủ.

Tháng ngày tươi đẹp

leftcenterrightdel
 

Mẹ bắt đi ngủ thì chắc chắn là không được xem tivi. Thằng bé năng động nhưng lại rất nghe lời mẹ, mặc dù nằm trên giường, không buồn ngủ tí nào nhưng gần như phải nhắm mắt, lắng nghe tiếng quạt máy chạy phát ra những âm thanh o o, lại lắng nghe ở ngoài đường có tiếng người cười nói. Ngủ trưa với cậu bé là điều cực hình, nhưng phải nằm im vì mẹ bắt phải thế. Buổi trưa không được lấy chiếc ipad nghịch ngợm các trò chơi game, cũng chẳng được mở tivi xem các chương trình hoạt hình. Nói chung buổi trưa chỉ có ngủ.

Còn hôm nay thì mẹ đi thăm cô bạn ở xa mới tới, nghe nói là họp mặt kỷ niệm, nên buổi trưa hai cha con được tự do. Tự do lớn nhất của Cà Rốt là không phải lên giường, giả vờ nhắm mắt ngủ. Thế là Cà Rốt mở tivi xem: “Bố ơi mình đi đâu thế?”. Ba thì ủng hộ con, cũng ngồi xem tivi với con. “Bố ơi mình đi đâu thế?” phát sóng nhiều tập rồi, nhưng tập này thật là cảm động. Đó là mấy ông bố trở nên già, lụm cụm, mấy cô cậu bé con phải lo xoay xở kiếm thức ăn và chăm sóc bố mình. Khi đó, những cô cậu bé con đáng yêu làm sao.

Cuối cùng cả bọn lặn lội trong đêm, tìm chiếc rương thần để ước cho bố mình trẻ lại. Và cuối cùng cả bọn đã tìm ra chiếc rương thần để thực hiện điều ước của mình. Ngoài điều ước ba mẹ khỏe mạnh, còn vô số điều ước khác mà chỉ cần mở nắp rương ra là thành hiện thực. Coi tivi mà Cà Rốt cứ lấy tay dụi dụi vào mắt: “Ba ơi, chiếc rương thần có thật không?”. Trong suy nghĩ của con trẻ là sẽ đi tìm chiếc rương thần đem về để dành, đến khi ba mẹ già thì sẽ mở rương ra để ước cho ba mẹ mình trẻ lại.

Ba cười: “Mai mốt ba và mẹ già, con cũng phải chăm sóc như thế đó, chứ không cần cái rương thần đâu”. Cà Rốt “dạ”, mặc dù ba bảo không cần chiếc rương thần, trong lòng lại tưởng tượng cảnh mình tìm ra chiếc rương thần. Chắc chắn khi gặp chiếc rương thần, Cà Rốt sẽ ước là mình sẽ có một mùa hè không phải học, không phải cắm cúi nhìn lên bảng. Cà Rốt phải có một mùa hè giống như các bạn trong “Bố ơi mình đi đâu thế?”. Biển ở nhà ngoại đẹp lắm, trên bãi biển có cả dãy phi lao che bóng mát, còn trên bãi biển có những vỏ ốc trôi dạt rất xinh đẹp. Nếu mùa hè được đi biển, Cà Rốt sẽ tắm, sẽ học bơi và sẽ nhặt nhiều vỏ ốc xinh đẹp đem về làm quà cho bạn bè. Khi đó, Cà Rốt sẽ xin ba làm cho mình một cái kệ gỗ sát tường để trưng bày những vỏ ốc biển.

Mẹ và ba là hai thái cực, với mẹ thì phải giáo dục con cho thật tốt, không thể để giao tiếp nhiều với lũ trẻ hàng xóm, vì ảnh hưởng điều xấu. Xóm là xóm lao động, là người dân nhiều tỉnh, thành tới đây tá túc, mãi rồi thành xóm. Xóm là tập họp của người nhiều nơi tới ở, vì thế lũ trẻ trong xóm cũng nói nhiều giọng nói vùng, miền khác nhau, những giọng nói ấy hòa trộn với nhau, chiều chiều nghỉ học hay tụ tập ở sân đất trống dự định sẽ xây công viên vui chơi. Cà Rốt cũng thích chơi với thằng Cà, thằng Ngọt, con Mẫn, con Chi… lắm. Nhưng mẹ cấm.

Mẹ bảo: “Con phải trở thành một đứa con ngoan, phải học hành cho giỏi, không thể chơi kiểu bờ bụi như thế kia được”. Mẹ có cái lý của mẹ, bởi Cà Rốt là con một, lại là cháu đích tôn, mẹ nói thế. Mỗi khi đi học thì ba lái ô tô chở đi, ngồi trong ô tô Cà Rốt không thích, chỉ thích đi xe máy. Có lần ô tô bị hỏng, ba chở xe máy đưa Cà Rốt ra phố, ghé quán cà phê. Chao ơi, cái cảm giác ngồi trên xe máy là một cảm giác lung linh, vui khó tả. Nhưng cứ nhìn bạn bè cùng lứa buổi chiều ở sân đất trống chơi đá banh là Cà Rốt lại chỉ muốn chạy ra cùng.

Ba khác với mẹ, ba bảo không cần thiết gò bó con mình vào khuôn phép, mà cần phải cho thằng bé được vui chơi. Ba nói ngày xưa ba là trẻ mồ côi, may mà được bà ngoại nuôi nấng. Đi học ba phải đi bộ, đôi dép nhiều khi đứt lên đứt xuống khiến ba lấy dây thép cột lại để mà đi. Ba kể khi đó mái tóc dài quá lứa mà không có tiền hớt tóc, ba bị thầy giám thị phạt quỳ, đến khi biết chuyện đã dắt ba đi hớt tóc. Hồi đó, mùa hè ba chẳng đi học thêm, học phụ đạo, chẳng học vẽ, không học đàn. Nói chung mùa hè chỉ là đi chơi. Rồi ba thở dài: “Tại hồi đó ba có muốn học không được, còn bây giờ con phải học, học thật giỏi để lớn lên con còn lo cho gia đình của con”. Cà Rốt “dạ” với ba mình.

Nhưng đi học quả thật là chán, chán lắm luôn. Hết học ở trường, tối về mẹ bảo đi học nhạc. Cà Rốt thỏ thẻ với ba: “Bạn con có mấy đứa được đi chơi ba ơi, sao con không được đi chơi?”. Ba trả lời: “Mẹ bảo con đi học vì muốn con mai sau trở thành người có ích cho xã hội. Vì mai sau lớn lên, con muốn học nữa cũng không được đâu”. Cà Rốt dạ.

Mẹ có mấy bà bạn thân học chung từ nhỏ, mọi người gọi là bạn tri kỷ. Thỉnh thoảng mẹ mời mấy bà bạn về nhà chơi. Thường những buổi gặp mặt đó ba không tham gia, vì ba bảo ba chẳng biết nói chuyện gì. Còn Cà Rốt thì hay được mẹ kêu ra để “khoe con”. Mỗi lần mẹ kêu ra, y như rằng ai cũng vuốt đầu Cà Rốt, hỏi chuyện học hành và khen mẹ nuôi con tốt. Sau đó họ lại bàn đến chuyện tương lai của con mình. Bà bạn nào của mẹ cũng nói về chuyện học trường nào cho con mình giỏi, và lại bàn đến chuyện học hè. Một bà bạn của mẹ lại kể chuyện những đứa trẻ do cha mẹ có điều kiện nuông chiều, lớn lên trở thành những đứa trẻ vô trách nhiệm và sống ích kỷ.

Nhưng buổi tối khi cả nhà ăn cơm xong, mẹ bỗng kêu Cà Rốt lại: “Mình về ngoại chơi nửa tháng nghe, về ngoại mẹ cho con ra biển”. Trong khi đó thì Cà Rốt lại đang nghĩ đến chuyện mẹ sẽ bảo mình đi học đàn, hay thậm chí đi học một môn học gì đó mà mẹ nghĩ ra. Cả nhà cùng đóng cửa, mua vé tàu làm một cuộc hành trình về quê ngoại. Đó cũng là lần đầu tiên Cà Rốt đi xe lửa. Tàu chạy ban ngày, cảnh vật cứ lướt qua, lướt qua khiến cho cậu bé không thể nào không ngắm nhìn, và nói líu lo mọi thứ chuyện.

Cà Rốt nói với ba như trong game show: “Bố ơi, mình ra biển nhé, con thích đi biển lắm”. Rồi Cà Rốt cũng nói với mẹ: “Mẹ ơi, mình đi biển đi, con thích đi biển. Rồi con sẽ kiếm cái rương thần, con sẽ ước ba và mẹ luôn luôn trẻ mãi không già”. Mẹ nhìn ba, có chút ngạc nhiên. Cà Rốt không biết là ba đã lên mạng, mở mấy tập phim “Bố ơi, mình đi đâu thế?” để mẹ cùng xem. Mẹ hiểu để cho con cái trưởng thành không phải chỉ là đi học, mà còn một cách giáo dục khác, chẳng hạn đi về quê ngoại và ra biển.

Biển đã ở trước mặt Cà Rốt, phía ngoài khơi là những hòn đảo ẩn hiện, có vài chiếc thuyền đang ở ngoài đó. Những ngọn sóng biển mùa hè chỉ lăn tăn vừa đủ cho những đứa trẻ như Cà Rốt giẫm chân lên, cho nước biển lướt qua. Đây là lần đầu tiên Cà Rốt đi biển cho nên Cà Rốt có cảm giác như mình vừa có một điều ước. Ba bảo hai cha con đắp tượng cát, thế là Cà Rốt cùng ba lấy cát ướt đắp một tòa lâu đài, một tòa lâu đài chẳng giống ai nhưng đó là tòa lâu đài của hai cha con. Rồi sóng tràn vào, cuốn tòa lâu đài trở lại mênh mông.

Biển buổi chiều đông người. Cà Rốt vui lắm, Cà Rốt hát nghêu ngao: “Mình đi đâu thế bố ơi?/ Lên núi hay đi lên rừng /Bơi xuống sông hay xuống biển...”.

Khuê Việt Trường
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Cô giáo đặc biệt

Trong phòng khách, bố mẹ tôi mỗi người một góc, tay cầm điện thoại, ấn máy liên tục hết gọi cho người thân lại đến bạn bè kèm lời dặn dò: “8 giờ tối nay, bác nhớ mở tivi xem chương trình “Tỏa sáng những tấm gương nghị lực” nhé. Cái Vy con dâu tôi nó được lên tivi đấy ạ!”.

Cô giáo đặc biệt
Xuân như đã về

Như sự thèm thuồng mỗi khi ánh nắng tràn qua khe cửa sau một ngày mưa tầm tã, tôi cũng muốn được nhìn thấy em. Khoảnh khắc khi tôi vừa gọi tên em, ánh mắt em ngước lên nhìn tôi cứ như nụ tầm xuân đang e ấp chờ ngày hé nụ và có một điều gì đó vô cùng thu hút. Cho tới khi nhìn thấy tôi im lặng không nói gì, đôi mắt nâu đậm ấy trở nên dỗi đánh nhẹ tôi một cái rồi tiếp tục chú tâm công việc của mình:

Xuân như đã về
Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê

Đọc Trần Băng Khuê, tôi không có cảm giác đang chạm vào một cấu trúc hư cấu kiểu mẫu, mà đang mò mẫm bước qua từng không gian luôn khép kín, chỉ có một cánh cửa để mở vào một không gian khác và cứ thế dẫm lên những siêu hiện thực không ngừng được bày ra.

Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top