ClockChủ Nhật, 03/07/2022 16:18

Bờ rào

Phía sau nỗi buồnThương lắm quê tôiBa & con gáiBé Sữa

Trong những cuộc điện thoại gọi Hùng, hầu như lần nào cuối cuộc chuyện trò, mẹ cũng nhắc nhở: “Con xem hôm nào thu xếp, về quê để giải quyết việc đất đai. Việc này không dứt điểm, e rằng ba con vừa tức vừa buồn mà đổ bệnh. Thực ra lâu nay ba của các con cũng đã mắc tâm bệnh, cứ u u uất uất, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống nhiều lắm. E rằng, có chết cũng chẳng yên tâm nhắm mắt”. Mỗi lần nghe vậy, lòng Hùng ngổn ngang, chưa biết phải giải quyết như thế nào.

Thửa đất của gia đình Hùng, vốn dĩ Nhà nước cấp cho bà nội anh, diện tích ghi trong “sổ đỏ” là 1.200m2. Sau này, bà nội tặng cho vợ chồng con trai duy nhất, nên sổ đỏ lại được sang qua tên ba mẹ Hùng. Vườn nhà Hùng đủ loại cây ăn trái. Ổi, mít, khế ngọt, cam, chanh, na… Trong nhà, Hùng là con trai cả, sau có hai cô em gái. Hàng xóm là nhà bác Đông, cũng có một trai, hai gái, đều sàn sàn tuổi anh em Hùng. Giữa hai nhà là hàng rào chè tàu. Chiếc hàng rào dài cả trăm mét nên chỗ dày chỗ thưa. Lũ trẻ con hai nhà thường kiếm chỗ rào thưa chui qua chui lại, chơi đùa cùng nhau. Lũ trẻ nhà bác Đông có thể sang vườn nhà Hùng trèo ổi, hái na thỏa sức. Đổi lại, anh em Hùng cũng vô tư chén mía, dứa vườn bên. Đoạn giữa bờ rào là cây mít của nhà Hùng, đến mùa trái từng chùm ngay gốc, lúc lỉu, mùi thơm loang ra cả hai vườn. Giống mít ướt nên lũ trẻ có thể dễ dàng tách vỏ, ngồi ngay dưới tán lá, tựa lưng bờ rào, ăn ngon lành đến no nê. Có lần, Hùng nổi hứng trèo lên cây chơi, chẳng may trượt chân té xuống đất. Ba cầm cây roi phạt Hùng ngay tại trận, để chừa cái tội leo trèo nghịch ngợm, nhỡ đâu sái tay, gãy giò. Bất giác xông vào che chắn, lãnh trọn một roi quắn mông, Kiên không khóc mà nước mắt cứ ứa ra vì đau. Tuổi thơ của lũ trẻ hai nhà cứ thế quyện cùng mùi vị vui vẻ ngọt lành.

Đứa trẻ nào rồi cũng phải lớn. Tốt nghiệp phổ thông, Hùng đỗ vào học viện hải quân, theo nghiệp nhà binh, biền biệt xa nhà. Các em gái, cô chị lập nghiệp ở tỉnh khác. Cô út làm việc cách nhà 70 cây số, ở lại tập thể cơ quan luôn, cuối tuần mới về. Tính ra, ba mẹ Hùng “đơn chiếc”, lủi thủi hai ông bà với nhau. Kiên - con trai nhà bác Đông cũng vào quân ngũ. Nhưng là bộ đội biên phòng, đóng quân tại quê nhà, nên lâu lâu được ghé về vài hôm.

Nghĩ đã nhiều tuổi cần lo xa nên năm ngoái, ba mẹ Hùng quyết định thực hiện thủ tục chia cho các con mỗi đứa một phần diện tích đất. “Nhưng sau khi đo đạc, địa chính phường bảo là tổng diện tích thửa đất nhà mình 1 nghìn mét vuông. Như vậy tính ra thiếu mất 200 mét so với sổ đỏ. Ba các con nổi khùng lên, bảo do nhà bác Đông lấn chiếm. Hàng rào chè tàu nên dễ dàng nhổ lên, trồng lại, lấn qua đất nhà mình. Cây mít giữa bờ rào ngày xưa, bão lớn cách đây nhiều năm, đã gãy. Nhưng ba các con bảo vẫn còn dấu tích của gốc mít. Mà nay “dấu” đó lại nằm hẳn bên đất nhà bác Đông. Hai ông lớn tiếng tranh cãi suốt. Vừa rồi bên nhà bác Đông đập nhà cũ xây nhà mới, tường sát bờ rào. Ba các con không chịu, khiếu nại lên chính quyền. Bảo là không thể xây dựng trên diện tích đất đang có tranh chấp như vậy được. Bác Đông khùng lên, cầm dao, cầm rựa đòi chặt, đòi chém. Tổ dân phố đến hòa giải nhiều lần lắm, nhưng không ăn thua” - mẹ Hùng thở dài.

Bờ rào đúng là nhiều lần được nhổ lên trồng lại, khi có đoạn chè tàu quá già hoặc quá thưa thớt. “Có thể năm xưa chưa có máy móc, đo đạc thô sơ, phần nào không chính xác, cộng với xê dịch theo thời gian, diện tích đất nhà mình không khớp mà nhỏ hơn so với sổ đỏ. Hàng xóm láng giềng với nhau bao nhiêu năm trời chia vui sẻ buồn. Rồi còn ở cạnh nhau chưa biết đến lúc nào, có thể đến cả đời con đời cháu sau nữa. Thôi thì xuê xoa cho nhẹ lòng. Ba để tụi con về xây cái bờ rào cho chắc chắn. Xây thấp thấp thôi để làm mốc, ba yên tâm, sau này sẽ không xê dịch gì nữa. Xây hàng rào thấp như vậy còn để không gian thông thoáng, không bị chia cắt. Rồi tụi con thiết kế, trồng hoa hồng leo. Bờ rào sẽ đẹp và “mềm mại”, không xi măng hóa đâu mà ba lo”. Hùng với cả hai cô em gái nhiều lần gọi điện thoại “dỗ”. Nhưng không ngờ, ba Hùng lại nổi đóa, bảo lũ con vô dụng. Người ta lấn chiếm đất, đã không tính đường đòi, lại còn “xui dại” ba xuê xoa, chịu thiệt. Còn bảo, sau này đòi lại đủ đất như ghi trong sổ đỏ, ông chấp nhận xây tường rào. Nhưng mà xây cao hẳn luôn, không thông thoáng gì hết. Không gian cũng phải rạch ròi.

“Có lần, mấy bác tổ trưởng dân phố với bí thư chi bộ “dân vận”, thủ thỉ: Con trai của hai gia đình đều là người lính. Mình là hậu phương, làm điều gì cũng trên tinh thần đoàn kết, thấu hiểu, cảm thông, để các cháu yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ biên cương, biển đảo. Nói vậy rồi mà ba các con vẫn khăng khăng. Ngày nào hai ông cũng căng thẳng, hằm hè nhau. Ba con từ ngày lớn tuổi, huyết áp cao. Mỗi khi ông ấy bị kích động, mẹ lo lắm.” - mẹ Hùng lại thở dài.

Điện thoại của mẹ lúc khuya muộn khiến Hùng không khỏi lo lắng. Có khi nào vì chuyện tranh chấp đất mà huyết áp ba Hùng tăng, dẫn đến… Không dám nghĩ tiếp, Hùng vội vàng nghe máy. “Lúc sẩm tối ba con đi bộ trong xóm, không may bị một cậu thanh niên có men rượu, chạy xe máy, đụng phải. Phần đầu với nội tạng không việc gì, nhưng cái chân bị gãy, mất nhiều máu lắm, phải phẫu thuật, phải truyền máu. Con út về được đến nơi thì ba con đã được đưa vào phòng mổ một lúc rồi. Bây giờ mọi chuyện đã ổn, mẹ mới hết run”. Mẹ Hùng kể, khi ba anh bị nạn, cũng là lúc Kiên - con trai bác Đông từ đơn vị tranh thủ ghé về nhà. Kiên là người đưa ba Hùng đến bệnh viện. Mẹ Hùng lớn tuổi, lại đang rối trí, nên Kiên chạy ngược chạy xuôi từ chỗ này sang chỗ khác trong bệnh viện, như con thoi, để lo các thủ tục. Đến lúc ba anh cần máu, Kiên cũng chẳng đắn đo chìa tay ra. Đầy trong lồng ngực Hùng là cảm xúc ấm áp từ ngày thơ bé, khi Kiên chẳng hề nghĩ ngợi, đỡ giúp bạn một roi phạt đau điếng, mông lằn đỏ cả mấy ngày.

Hùng xin nghỉ phép về nhà. Trên giường bệnh, nhưng gương mặt ba anh nhẹ nhõm, như thể đã vứt bỏ những u uất hơn thua canh cánh trong lòng bấy lâu nay. Thay vào đó là cảm xúc tích cực khiến người ta khỏe khoắn, rạng rỡ. Hùng tủm tỉm cười khi nghĩ đến yêu thương, giúp đỡ không toan tính - “chìa khóa” mà người bạn hàng xóm thuở thiếu thời - đã mở được cánh cửa lâu nay ba Hùng đóng chặt.  Một hôm, khi những người bệnh cùng phòng đã ngủ cả, trong không gian tĩnh lặng, giọng ba Hùng nhỏ nhẹ, nhưng rành mạch từng chữ, từng lời. Ông bảo, nhân tiện Hùng đang nghỉ phép, thôi thì theo như hiện trạng, tranh thủ gọi thợ xây cái bờ rào thấp thấp, để nhà bên này và bên kia có thể đứng nói chuyện phiếm với nhau. Đôi khi có thức ăn thức uống gì hay hay, đưa qua bờ rào cũng tiện. Rồi Hùng và mấy cô em tính mà thiết kế trồng hồng leo, thêm mấy loài hoa leo bờ rào, để không gian giữa hai nhà thêm đẹp.

QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Return to top