ClockChủ Nhật, 20/08/2023 10:10

Bức tranh hai người mẹ

TTH - Dịch COVID-19 quái ác đã cướp đi người mẹ của Dần. Từ ngày mẹ mất, Dần không có ai chăm sóc, cứ ngơ ngơ, ngác ngác. Mấy bà hàng xóm xúm vào lo cho nó cái ăn, mong qua đận dịch bệnh. Nó buồn đi lang thang, rồi bỏ nhà ra phố mua đồ nghề đi đánh giày. Ngày đi làm, tối về ngủ nơi nhà kho vật liệu bỏ hoang bên chiếc cầu vừa xây xong. Trong căn nhà lạnh lẽo, nó thấy sợ. Nó thấy như mẹ đang hiện về trách móc, sao nỡ bỏ nhà mà đi. Ở nhà còn có bà con, chòm xóm. Tiếng dế rền rĩ, tiếng gió xào xạc làm cho nó thấy cô đơn. Nỗi buồn, sự mệt nhọc làm cho nó thiếp đi như cún con.

Con mèo đen

leftcenterrightdel
 

Dần thức giấc khi nghe tiếng ồn ào rất gần bên tai. Nhìn khuôn mặt hiền lành của thằng Dần đang tái xanh, biết chắc là “lính mới”, Hải nhẹ nhàng:

- Mày muốn theo chúng tao làm ăn thì vào xách đồ nghề cùng đi. Nhưng phải biết nghe lời. Dần nhập bọn cùng mấy đứa đánh giày. Chúng về các quán cafe, tiệm cắt tóc, nơi hàng nước, quán nhậu để tìm khách. Đêm, chúng về ngủ dưới gầm cầu. Đó là một quán nước của bà lão đơn thân đã qua đời. Xung quanh được che liếp nứa đơn sơ.

Sáng nay, Dần xách đồ nghề theo Sóc Khoằm. Hai đứa đi về phía công viên. Dần đang thơ thẩn thì nghe tiếng gọi. Dần nhanh chân chạy đến. Cô bé bảnh bao trong bộ đầm màu nõn chuối, vết son lòe loẹt trên môi, mặt vênh lên:

- Ê! Nhỏ. Đánh giày cho chị. 

Oắt con. Vắt mũi chưa sạch mà cũng đòi xưng chị. Dần ức quá định bỏ đi, nhưng cái bụng đang sôi gào nên đành hạ hỏa. Đánh giày xong, cô bé đưa cho Dần tờ giấy bạc một trăm ngàn. Dần đang chần chừ vì không có tiền thối lại, cô bé với giọng chanh chua:

- Thôi! Chị bo. Nói xong ngúng ngoảy bỏ đi.

Cầm tờ tiền trên tay, Dần ngẩn người giây lát: “Vậy là mình có hời”. Một ý tưởng lóe lên trong đầu Dần. Tối nay về nộp tiền cho Sóc Khoằm mình cất số tiền cô bé đã “bo”. Mình sẽ gom dần rồi mua bút, giấy vẽ, sẽ đi vẽ tranh, có thể bán lấy tiền. Dần là một đứa có năng khiếu vẽ từ nhỏ. Đi đâu Dần cũng quan sát kỹ cảnh vật. Không có màu vẽ, Dần vẽ bằng bút chì. Có khi nó dùng than để vẽ. Có bữa đi học về quần áo lem luốc, bị mẹ phạt đòn. Mẹ nó đâu có biết nó đang thực hiện mơ ước thành họa sĩ. Nó vẽ cái gì nó thích đầy cả tường nhà như rồng rắn. Nó vẽ mẹ giống như tạc. Biết con có năng khiếu, mẹ nó mua bút, giấy cho con học vẽ. Từ ngày mẹ nó qua đời, ước mơ trở thành họa sĩ tiêu tan như người buôn muối gặp mưa.

Sự việc sáng nay diễn ra không qua mắt Sóc Khoằm. Thằng Sóc sờ nắn túi quần, kiểm tra túi áo Dần, nó vẫn không phát hiện được tờ giấy bạc mà lúc sáng cô bé đã bo cho nó. Thằng Sóc bảo Dần cởi bỏ dép ra. Chiếc dép cũ bong ra hai lớp. Thằng Sóc bóc đế dép, tờ giấy bạc bung ra. Hắn quắc mắt nhìn Dần rồi vung tay đấm đá.

Thằng Dần bị bọn chúng đuổi ra khỏi túp lều ổ chuột trong tiếng sấm ình oàng. Những ánh chớp nhì nhoằng như có ai vung từng đường kiếm sáng loáng trên bầu trời đen ngòm. Mưa nặng nề lộp bộp trên mái đầu trần. Thằng Dần ê ẩm khắp mình mẩy, khuôn mặt sưng húp như quả cà chua lững thững trong đêm. Đi đâu bây giờ? Bụng đói cồn cào. Nhìn vào quán ăn tấp nập người vào kẻ ra. Như có ma lực, nó đi về phía quán ăn. Nó muốn đến xin ăn. Nó nghĩ vậy chứ biết làm gì hơn lúc này. Ơ! Cái gì thế này? Dưới chân nó, một cái ví của ai đánh rơi. Nó nhìn quanh, không thấy người. Nó nhặt lên. Trời! Tiền, tiền nhiều lắm. Thế là thoát cảnh đói đêm nay rồi. Sau mấy giây tự trấn an: “Không ai biết đâu”. Và nó đi vào quán gọi những món ăn ngon.

Dần về lại nhà kho bỏ hoang bên cầu mua bút và giấy về vẽ tranh. Một hôm nó ra chân cầu đặt giá vẽ và nhìn về phía bên kia bờ sông. Nó vẽ ngôi nhà xinh xắn có hàng cây lộc vừng bung những dải hoa đỏ như chùm đèn dây nhấp nháy, lung linh soi bóng bên dòng sông. Một người phụ nữ đến bên ngắm bức tranh, mắt không chớp. Bà thốt lên: “Trời! Đẹp quá”. Dần quay người lại. Nó ngước mắt nhìn người phụ nữ cất tiếng: “Dạ! Chào dì, cháu cảm ơn”. Tiếng người phụ nữ: “Con vẽ đẹp lắm. Con bán bức tranh này cho dì nhé!”. “Dạ! Để cháu vẽ hoàn chỉnh rồi dì về lấy ạ!”. Bà giới thiệu với Dần, bà là Việt kiều định cư ở xứ sở “lá phong đỏ”, đang làm thủ tục nhập tịch về nước.

Một sáng, nó lên phố tìm mua khung để lồng bức tranh. Khi về, căn nhà kho nơi thằng Dần ở đã bị tháo dỡ, chuyển đi nơi khác. Bức tranh vẽ về ngôi nhà bên bờ sông cũng chẳng còn. Nó tiếc ngẩn ngơ, mắt nhìn đăm đăm về phía bên kia. Giật mình, nó nghe có tiếng người quen quen: “Sao thẫn thờ vậy con?”. Dần kể hết sự tình cho người phụ nữ nghe. Người phụ nữ  nhìn Dần thông cảm và động viên nó sẽ vẽ lại bức tranh khác.

Dần cầm chiếc túi xách của người phụ nữ bỏ quên. Nó phân vân với bao suy nghĩ. Mình giấu chiếc túi rồi lấy tiền mua bút, bột màu, giấy vẽ. Chắc dì ấy không biết đâu. Nếu dì ấy có đến hỏi thì mình sẽ chối quanh. Bao nhiêu câu hỏi cứ dày vò. Rồi nó tự trả lời: “Phải tìm cách trả lại túi cho dì ấy thôi. Mình mất có mỗi bức tranh mà tiếc đứt ruột, còn dì ấy mất chiếc túi có rất nhiều tiền và giấy tờ chắc lo lắng biết bao nhiêu”. Nghĩ lại chuyện nhặt được chiếc ví lần trước, nó cúi đầu có vẻ ân hận lắm. Nó cất bước đi về phía đồn công an.

Bà Maria Tý nhận lại chiếc túi xách, bà mừng lắm. Biết Dần là người nhặt được túi, bà tìm gặp nó: “Là Dần con đây! Dì mừng quá. Mấy hôm nay dì đi tìm con mà chẳng thấy đâu, không ngờ lại gặp con ở đây. Dì cảm ơn con nhiều lắm”. Thằng Dần nhìn bà Maria Tý, khuôn mặt nó rạng rỡ một nụ cười. Nó vui lắm, vì nó đã làm được một việc tốt. Bà nhìn Dần đề nghị: “Bây giờ, con có thể cùng dì ra nước ngoài, dì sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng con, coi con như con đẻ. Sang đó dì sẽ tạo điều kiện cho con học hành, thực hiện được ước mơ, phát triển tài năng của mình, trở thành họa sĩ”. Lòng Dần khấp khởi. Nó tưởng tượng ra những bữa ăn ngon, được mặc đẹp, được tung tăng cắp sách đến trường. Được vẽ những gì nó thích. Nó như muốn nhảy cẫng lên hét thật to: “Đổi đời rồi”. Nhưng không hiểu sao,  một hồi suy nghĩ trán nó nhăn lại. Nó thầm thì với bà Maria Tý: “Dạ! Cháu cảm ơn dì. Cháu không đi đâu. Cháu còn có linh hồn của mẹ đang ở đây...”.

Không thể thuyết phục được thằng bé, bà Maria Tý đưa cho nó một phong bì dày cộm: “Vậy con hãy cầm lấy số tiền này, coi như dì trả ơn con. Con có thể về quê rồi đi học, mua dụng cụ học thêm môn năng khiếu mà con yêu thích. Sau này về nước, có điều kiện dì sẽ giúp đỡ cho con”. Thằng Dần cầm lấy phong bì nghẹn ngào, cảm ơn bà Maria Tý. Trước mắt nó hiện lên bao nhiêu hình ảnh tốt đẹp về tương lai. Nhưng rồi nó nghĩ đến bọn thằng Quảng, Hải, Sóc. Bọn nó cũng đang khổ cực như mình. Tuy mấy đứa đối xử chưa tốt với nó, nhưng cũng tại vì nó chứ đâu phải mấy đứa có ác ý. Nghĩ đến đây, Dần e ngại nhìn bà Maria Tý, nó nhẹ nhàng trả lại phong bì: “Nếu thương cháu, dì hãy xin cho cháu cùng mấy đứa bạn của cháu vào sống ở làng SOS”. Vài ngày sau, bà Maria Tý làm thủ tục, Dần cùng mấy đứa bạn nó được về sống ở làng SOS như ý nguyện.

 *

Tình hình COVID-19 đã được khống chế. Bà Maria Tý làm thủ tục về nước. Ngày đầu bước chân về, bà đến thăm Dần, thăm làng SOS. Bà không quên mua quà cho các bạn của nó, tài trợ kinh phí cho nhà trường để các cháu ở đây có điều kiện ăn học. Rồi bà làm thủ tục nhận Dần làm con nuôi.

Trời trong xanh vời vời. Thằng Dần đưa giá vẽ ra hành lang, thận trọng đặt giấy vẽ lên giá và cắm cúi ngồi vẽ. Bức tranh vẽ mẹ đang dắt tay nó trên con đường về nhà ngoại. Hai bên vệ đường là những hàng cây xanh, tỏa bóng râm mát. Dọc lối đi, những luống hoa mười giờ màu tim tím đang nở rộ. Một bên là người mẹ nuôi đang dắt tay Dần trên con đường đầy nắng vàng rực rỡ, con đường dẫn đến tương lai. Dần đang đi giữa hai người mẹ, mắt rạng ngời hướng về phía chân trời đang tỏa sáng...

Bà Maria Tý nhìn bức tranh tấm tắc khen: “Bức tranh con vẽ đẹp lắm. Mẹ vui và cảm ơn con”. Bức tranh được Dần đặt tên “Hai người mẹ”. Mẹ Maria Tý bảo với Dần, bà sẽ đưa bức tranh sang Canada tham dự triển lãm về một chương trình mà bà đã cùng những Việt kiều ở đây đăng cai tổ chức lấy tiền làm từ thiện. Bà tin rằng đây là bước đầu thành công của Dần trên con đường hội họa, tương lai đang chờ đón nó. Bà mỉm cười mãn nguyện.

Nguyễn Đại Duẫn
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Return to top