ClockChủ Nhật, 04/12/2022 21:23

Đám cưới đơn sơ

Hạnh phúc tựa khói sươngNgôi nhà giữa đồngCười chưa chắc đã vui

Cuối tuần, tôi rủ chị họ đi ăn sáng, cà phê, buôn dưa lê. Chị bảo, tranh thủ ăn sáng chút thì được, chị còn phải ra bến xe bắt xe khách, qua tỉnh bên cạnh dự tiệc cưới “con đệ”. Tôi nhớ ngay cô gái trạc tuổi mình, với một ấn tượng khá sâu sắc, không hẳn bởi mấy lần từng gặp tại nhà của chị, mà vì chị thường kể về cô, kèm những lời xuýt xoa kiểu như “thời buổi ni mà còn có đứa con gái tốt bụng, chịu thương, chịu khó, sống có tình, có nghĩa, tâm hồn trong trẻo, tinh khiết như vậy, thật hiếm”. Rồi kiểu gì, sau đó chị lại chép miệng: “Đứa con gái như rứa mà chưa có người yêu. Chắc có lẽ mấy thằng con trai mắt đui hết hay răng á”.

Cô gái ấy tên Niên. Sau khi lấy bằng cử nhân báo chí, Niên có thời gian ở lại thành phố này, trong phòng trọ bé tí tẹo, viết lách tự do, gửi bài cộng tác với một số tờ báo. Chị tôi cũng làm báo. Tuy nhiên, cơ duyên gặp gỡ giữa chị và Niên lại chẳng dính dáng gì đến chuyện nghề. Chị kể, lần ấy đã gần trưa. Vừa chạy xe máy trong cái nắng nóng gay gắt, vừa mải bực bội suy nghĩ về công chuyện đang gặp khó, thì hoảng hốt vì suýt chút nữa đâm sầm vào xe máy chạy ngay đằng trước, bởi cú phanh gấp đột ngột của cô gái điều khiển chiếc xe kia. Cô ấy tấp vào lề đường, chị cũng theo vào, định mắng cho một trận.

Đến cạnh bà cụ già, mặt mày hốc hác, thở mệt nhọc, trong tay là xấp vé số, cô gái lấy chiếc bánh mì kẹp nhân và chai nước lọc trong túi xách, lễ phép mời cụ. Bà rơm rớm nước mắt. Trong lúc bà cụ ăn bánh mì, cô gái ngồi lại ân cần hỏi han, động viên, không quên biếu bà cụ chút tiền. Thay vì “xả” cơn bực, chị lại toét miệng cười: “Cũng được đó chứ bé hi. Cà phê làm quen hì”. Cô gái trẻ cũng cười kèm chữ “Dạ” hiền hiền.

Vậy là kết mối nhân duyên. Nhiều lần chị tôi bảo, chị quý cách viết của bé Niên ghê. Nó không “ăn điểm” về số lượng, nhưng đã viết là như rút ruột rút gan, từ những cảm xúc chân thật. Quý nhất là những bài Niên viết về người mẹ nông dân tảo tần, một mình nuôi dạy con bằng hũ mắm, chén cà, bằng những hạt gạo mộc mạc từ cánh ruộng trước hiên cùng tình yêu thương vô bờ bến. Người mẹ ấy, chồng mất sớm. Trong bốn đứa con, người con trai duy nhất lại không may trở thành tàn tật sau lần bệnh phải chích kháng sinh. Chân teo lại, đi cà quệt, nên con gái trong làng chê. Hai em gái (tức hai chị gái Niên) về nhà chồng từ lâu, nhưng mãi sau này anh trai Niên mới cưới được vợ lớn hơn mấy tuổi và thân thể cũng không hoàn toàn lành lặn.

Niên đã viết về những giọt mồ hôi và những nụ cười của anh trai, chị dâu, để cùng mẹ già cần mẫn ươm trồng ngọt lành trên mảnh ruộng, mảnh vườn. Chắt chiu của mẹ, của anh trai, chị dâu giúp Niên trọn vẹn với thời gian trên giảng đường đại học, theo đuổi ước mơ. “Con bé biết ơn yêu thương của gia đình, nên biết nghĩ lắm. Vào mùa vụ là kiểu gì nó cũng thu xếp, ưu tiên thời gian về nhà để cáng đáng những việc nặng nhọc nhất. Rồi cũng vì thương mẹ già, anh chị sức khỏe không bằng được người ta, nó quyết định rời thành phố này, về quê, vừa phụ giúp gia đình những việc nặng trên ruộng đồng, vườn tược, vừa viết để thỏa mãn đam mê. Thanh niên bây giờ, lắm đứa sống ích kỷ, chỉ biết hưởng thụ mà chẳng thương cha xót mẹ gì cả. Mấy ai được như nó”!

Lúc chị nói như vậy, tôi hơi chột dạ, không biết chị có “đá xéo” gì mình? Cha mẹ chỉ có mình tôi. Kinh doanh bận rộn, tối mịt mới về đến nhà là chuyện thường ngày của cha mẹ. Nhưng mỗi ngày, mẹ đều thức dậy sớm nấu bữa sáng để cả nhà cùng ăn. Tôi khó chịu vì cớ gì phải “bày vẽ”, trong lúc hàng quán đầy ra đó. Nhà tôi cũng thiếu gì tiền. Tôi vòi vĩnh váy này áo nọ, túi xách hàng hiệu này kia, cha mẹ đều không từ chối. Tiền tiêu vặt bao giờ cũng rủng rẻng, “sá chi” tô bún, tô phở sáng. Cha mẹ để tôi ngủ nướng có thoải mái hơn không. Mẹ bảo, chỉ buổi sáng nhà mình mới đông đủ, nên cùng nhau quây quần để giữ lửa ấm cúng. Năm thì mười họa mới ngồi ăn cùng, nhưng những lúc như vậy tôi ngúng nguẩy, mặt mày bí xị. Cha mẹ nén tiếng thở dài.

Tiếng chị cắt ngang suy nghĩ của tôi: “Chẳng ai ngờ mẹ Niên bị ung thư. Từ lúc phát bệnh đến lúc mất đâu chỉ ba, bốn tháng. Không kịp thấy đứa con út lấy chồng. Ở quê, con gái 25 - 27 mà chưa có chồng, coi như ế, cha mẹ cứ là sốt vó. Hồi còn sống, cũng vài lần mẹ Niên bảo, không gặp được ai thực lòng yêu thương, thì thôi kiếm đứa con, sinh đi rồi mẹ phụ nuôi dưỡng. Có vợ chồng anh chị đây nữa, chẳng  gì lo đâu. Rồi cũng bình yên hết. Mỗi lần như vậy, con bé Niên ôm cổ mẹ, bảo mẹ phải tin con gái mình chứ. Kiểu gì con cũng tìm được chàng rể tốt cho mẹ mà. Nó thường cười toe toét kể, thương, lo cho em quá mà người mẹ nông dân vốn rất quy củ, bước qua định kiến ở làng quê, “xui” em “chửa hoang” á chị kìa”.

Trong con mắt của tôi, Niên chẳng đẹp. Con gái gì đâu để thân hình mập mạp kiểu “vai u thịt bắp”. Nhưng đôi mắt Niên lại đẹp theo đúng kiểu “cửa sổ tâm hồn”, cứ trong veo. Nói theo “cách văn học” thì nhìn vào đó, người đối diện sẽ cảm nhận bình yên, ấm áp. Chị: “Mà hay lắm nha, chồng của Niên bây giờ là quen qua mạng ảo đó. Kết bạn facebook, anh chàng đọc những bài viết trên “tường nhà” con bé, rồi đem lòng cảm mến tâm hồn. Nửa năm sau thì lặn lội 600 cây số vào. Tìm hiểu chừng năm thì bây giờ về chung nhà”.

Tôi bảo đừng bắt xe nữa, để tôi lái ô tô chở chị đi. Chị gật. Tiếng là tỉnh khác, nhưng chỉ cách tầm 70 km, nên chạy xe chỉ hơn tiếng đồng hồ. Hôm nay nhà gái đãi tiệc, sau rồi nhà trai mới đón dâu. Làng Niên đẹp vẻ đẹp của những con đường bê tông sạch sẽ, những bờ rào chè tàu, râm bụt xanh mát. Hoa râm bụt đỏ vui vẻ đung đưa theo ngọn gió, như một vũ điệu tinh nghịch khiến người ta “vô cớ” mỉm cười. Nhà Niên giữa làng, cũng có bờ rào chè tàu cắt tỉa gọn gàng. Hàng chuối nép theo bờ rào, vươn những tàu lá ra, in bóng râm xuống vệ đường. Ruộng lúa tiếp giáp từ sân nhà, rộng tít tắp mãi, tạo nên khung cảnh bình yên. Niên bảo, đợt vừa rồi mưa lớn quá, lúa ngập, hư gần hết. Đây là lượt lúa tự “hồi sinh”, nông dân trong vùng thường gọi là lúa “chét”, nhà để lấy thóc nuôi gà, vịt. “Thấy chưa, sự vươn lên nào cũng kỳ diệu, mang lại điều có ích và vẻ đẹp cho cuộc sống” - chị tôi ghé tai đứa em họ, lâu nay ỷ lại cha mẹ giàu, “nghễnh ngãng” chẳng chịu làm ăn, dù cha mẹ đã đầu tư vốn liếng, mở cho một chuỗi 5 quán trà sữa trong thành phố.

Những bàn tiệc dọn giữa sân nhà. Chiếc váy cưới được cô dâu đặt mua trên mạng và bó hoa cưới tự tay Niên kết từ hoa thạch thảo đơn sơ. Tôi thầm nghĩ, chưa bao giờ thấy một đám cưới đơn sơ đến thế. Cô dâu nói, biết được đây là loài hoa Niên yêu thích, nên trong lần gặp gỡ đầu tiên, bạn trai đã tặng, bây giờ loài hoa này trở thành chứng nhân trong ngày hạnh phúc nhất. Nụ cười của cô dâu, nụ cười của chú rể và “nụ cười” của bó hoa nhỏ tỏa ra thứ ánh nắng ngọt ngào. Người đàn ông với dáng đi cà phết, ánh mắt ngập tràn hạnh phúc, tiến đến chỗ chị. Tôi biết chắc, đó là anh trai mà Niên thường kể trong những bài viết. “Cảm ơn chị nhiều lắm, vì đã yêu thương Niên rất nhiều. Cả mấy đứa bạn thân thiết thời phổ thông, đại học của Niên nay ở Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam cũng đường sá xa xôi về đây, là cũng bởi yêu thương lắm lắm. Gia đình tôi thật hạnh phúc. Cha mẹ của chúng tôi ở trên trời, chắn chắn cũng đang vui”.

Khi hai họ trao quà cưới cho cô dâu, anh trai Niên thay mặt mẹ trao cho em gái chiếc nhẫn và sợi dây chuyền mà bà chuẩn bị của hồi môn cho con gái khi lấy chồng. Chồng mất sớm, người mẹ nông dân ấy đã một mình gom góp qua bao mùa lúa. Cả người anh trai, cả Niên và chú rể đều rơm rớm. Cô dâu chú rể nắm chặt tay nhau. Lời nói của Niên nhẹ như hơi thở: “Cha mẹ yên tâm, chúng con sẽ cố gắng sống thật tốt. Chỉ tiếc cha mẹ không còn, để chúng con phụng dưỡng”. Không dưng tôi giật mình. Còn cha mẹ là điều may mắn, hạnh phúc nhất của mỗi người. Vậy mà tôi…

Rời đám cưới đơn sơ của Niên, chị tôi mấy lần hỏi: “Sao thấy mày có gì khác khác á”. Tủm tỉm không trả lời chị, nhưng hôm sau, tôi dậy sớm trước cả mẹ, vào bếp nấu bữa sáng. Có biết món gì đâu, từ từ sẽ học, tôi làm món mì ăn liền nấu trứng. Tôi ăn thấy dở ẹc. Nhưng trong ánh mắt cha mẹ là cả một trời vui. Lúc nói kể từ bây giờ, sẽ về trực tiếp quản lý mấy quán trà sữa, tôi thấy mẹ rưng rưng nước mắt vì mừng.

DUY TRÍ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Váy cưới đẹp Cali Bridal
Return to top