ClockChủ Nhật, 23/07/2023 15:31

Để rồi nhòa khuất

TTH - Ông Tuấn vào Sài Gòn dễ chừng đã hơn 30 năm. Dẫu ở chừng ấy năm, nhưng ông không quen được cái ngột ngạt, chen lấn của một thành phố sôi động. Vốn là một người dân quê, ông thích sự yên tĩnh, thích ngắm nhìn những thửa ruộng chuyển màu khi vào mùa gặt hay lên mạ xanh. Ông thích lắng nghe tiếng dế nỉ non, tiếng ễnh ương gọi nước ban đêm, hay tiếng con tắc kè kêu cầm chừng như sợ lạc lối về.

Những miền xanh lấp lánh

leftcenterrightdel
 

30 năm dành dụm, chắt mót, ông rời thành phố náo nhiệt với bao nhiêu tất bật, mua một căn nhà nhỏ ở Thủ Đức, ở một khu phố vẫn còn những vườn rau, những bóng cây để nghĩ về tuổi già. Căn nhà nhìn ra con phố yên tĩnh, xa xa là những hàng cây muồng chắc đã trồng rất lâu, nở rợp hoa vàng vào mùa hạ. Để có bóng người ra vào, để nghe tiếng người, ông mở một tiệm buôn bán mà ông học theo cách của người Tàu: “cái gì cũng có” để phục vụ cho những người thuê nhà là công nhân khu chế xuất gần đó. Cuộc sống hai vợ chồng như thế là yên ổn, chẳng cần phải lo toan gì. Vào thứ Bảy, Chủ nhật ông lại tự mình lái chiếc ô tô nhỏ đi đến các làng quê câu cá, hay vào tận cái mảnh đất ông mua được, trồng rau, trồng cây ăn trái. Một con người thoát ra khỏi cái huyên náo của cuộc sống như trẻ hơn, nụ cười tươi vui và có cái vẻ gì đó thanh thoát hiện ra.

Ông Tuấn có thể tự hào về cuộc sống của mình, thong dong và không vướng bận. Ông có một người vợ hiền thục, bà Minh, gốc Cà Mau. Người phụ nữ sống bên những nhánh sông ấy yêu chồng và biết vun vén cuộc sống khiến cho ông Tuấn hài lòng. Bà Minh từ Cà Mau đến Sài Gòn mưu sinh và làm việc ở một cửa hàng bách hóa tổng hợp. Cái cửa hàng còn sót lại trong thời bao cấp mà người bán tặng cái cau có hơn là nụ cười. Lần đó, ông ghé qua tránh một cơn mưa rớt, ông tạt vào loay hoay tìm mua chiếc ô và ông gặp bà. Bà là cô gái ở cửa hàng mà ngay khi chạm gặp lần đầu, ông đã bị cuốn vào. Ông ngạc nhiên vì khi trao chiếc ô cho ông, bà cười, một nụ cười ở chỗ không có nụ cười đã khiến cho người đàn ông si tình, để vài tháng sau là một đám cưới có rước dâu bằng thuyền trên con sông Năm Căn vui như hội. Để sau đó bà sẽ cùng ông vui buồn trong cái thành phố rộn ràng này, bỏ lại nơi chốn của những cây bần, cây đước mỗi ngày kiên trì bám đất, bỏ lại vùng đất có những con cá thòi lòi búng mình lên bờ, bỏ lại những chiếc cầu nối những chiếc cầu.

Huân, con trai duy nhất của hai vợ chồng chưa bao giờ nghe nó tuyên bố sẽ cưới cô nào, khiến ông lo âu. Tụi trẻ bây giờ yêu nhanh, yêu không bền bỉ, tụi trẻ bây giờ sợ gánh nặng gia đình. Tụi nó đòi phải có sự nghiệp đã mới nghĩ chuyện về chung nhà. Cuộc sống bây giờ vô cùng nghịch lý. Rồi thằng bé cũng chọn ra được một cô gái để nó đem về giới thiệu. Con bé tên Ly, cái tên thật đơn giản giống như cái tính hiền lành của con bé.

Ly nói giọng miền Trung giống như tiếng nước sông nhẹ nhàng trôi: “Dạ, con xin chào hai bác, xin phép hai bác cho con tới nhà chơi”. Con bé nói quê mẹ nó ở Quảng Ngãi, ông có đôi chút giật mình. Miền đất của núi Ấn sông Trà, miền đất có sông Thu Bồn với những con cá bống huyễn hoặc ấy ông từng ghé qua. Thuở xa lắc ông cũng có một mối tình ở đó, xa lắm rồi. Bởi một thời gian dài tuổi trẻ của ông đã từng đi dọc theo con sông Vệ, ghé vào các nhà làm bánh thuẫn hoặc làm cốm mà nghĩ tương lai mình cũng sẽ mở một lò bánh. Rồi ông đem lòng si tình một cô gái ở đó, như thể không có cô là ông không thể nào sống nổi.

Ly như đoán được ý nghĩ của ông, nó bật cười: “Dạ thưa bác, nhưng mẹ con đã theo ba con lập nghiệp ở trong này lâu rồi, giờ nhà con ở Bình Dương, chỉ thỉnh thoảng mẹ mới về Quảng Ngãi thăm ông bà. Còn ba con thì qua đời lâu rồi, nhà chỉ còn một em trai nữa thôi”. Khi nó nói thế, ông đoán nó nghĩ ông lo cái chuyện rước dâu, bởi lấy vợ Quảng Ngãi thì chắc cuộc rước dâu sẽ dài dằng dặc. Ông cũng phục người phụ nữ là mẹ của Ly, dẫu không còn chồng bên cạnh mà vẫn lo lắng cho con cái đàng hoàng và vô cùng lễ phép. Ông vẫn tâm niệm rằng, trong cuộc sống nếu cứ xét nét này nọ thì lòng luôn bất an, cho nên cứ nhẹ nhàng với tất cả chung quanh là mình đã có một cuộc sống tốt. Ông cũng biết con gái ở Sài Gòn đẹp, cái đẹp nhờ son phấn và quần áo, nhưng để tìm ra một cô không chưng diện thì hơi khó. Nhưng nếu Huân có lỡ yêu một cô gái tóc nhuộm xanh đỏ, có xăm đôi ba cái hình nho nhỏ hay thích đi vũ trường buổi tối thì chắc chắn là ông cũng không thể ngăn cản. Bởi bây giờ là thế kỷ XXI, cuộc sống của giới trẻ bây giờ đã khác, chúng quan niệm tình yêu cũng khác, không giống như tình yêu ngày xưa. Còn bà Minh thì vốn quen theo ý chồng, bà chẳng bao giờ phản đối ông. Mà thật ra trong mấy mươi năm chung sống, gần như bất cứ điều gì ông làm cũng hợp tình, hợp lý. Cũng chừng ấy năm ông chỉ nghĩ đến chuyện vun vén cho gia đình mà chẳng bao giờ ông nghĩ cho riêng mình. Với bà, ông là một bờ vai mà bà tin cậy hoàn toàn. Và giờ đây ông và bà chuẩn bị đi Bình Dương hỏi vợ cho con trai. Với ông, việc hỏi vợ cho Huân là một ngày trọng đại.

Huân nói: “Mẹ Ly không đòi hỏi gì đâu ba”. Nó nói thế, nhưng ông là cha nó, ông phải làm cho nó nở mặt nở mày. Huân như quen thuộc với nơi chốn này, nó lái chiếc ô tô chạy bon bon như thể nó không cần xem bảng chỉ đường. Ông đưa mắt nhìn cảnh vật, bên ngoài là bao nhiêu chộn rộn lướt qua. Ông cười với nắng lóa, bởi ông cảm nhận rằng tình yêu khi nào cũng vậy, nó làm cho cuộc sống tươi xinh hơn. Và Huân, con trai ông có một tình yêu do nó lựa chọn, chắc chắn nó sẽ hạnh phúc.

- Sắp tới rồi đó ba, mình rẽ vào con đường đất đỏ này một tí xíu, khoảng 400 mét, Huân nói.

Con đường đất đỏ ấy đẹp làm sao, bao quanh phần lớn là những căn nhà xây cổng màu trắng, đều phủ hoa vàng - đó là ông cảm nhận. Cho đến khi xe dừng lại trước một căn nhà, trước căn nhà phủ giàn hoa giấy đỏ trắng rất đẹp. Chiếc cổng kết bằng lá dừa, phía trước đã có sẵn người đón, trên chiếc cổng treo chữ “Lễ đính hôn” khắc gỗ.

Mọi nghi thức của một lễ đính hôn luôn có bên đàng trai và bên đàng gái. Nhưng khi bàn tay ông chạm vào bàn tay người đàn bà ấy, ông có cảm giác như có một luồng điện giật. Thoảng bên tai ông là tiếng của Huân: “Con giới thiệu với bác đây là ba của con. Còn đây là mẹ của Ly”.

Ông và người đàn bà ấy đã nhận ra nhau sau chừng ấy dâu bể. Nếu không phải là sui gia, nếu chỉ có hai người, ông đã ôm bà vào lòng mà hỏi: “Bà đi đâu chừng ấy năm. Bà có biết tôi đi tìm bà không?”. Người đàn bà ấy run run rót nước, những giọt nước trà chao rơi ra bên ngoài, mọi người tưởng bà cảm động vì phải gả con gái đi xa. Còn ông thì hiểu tại sao bàn tay ấy run. Ông để cho vợ mình bàn chuyện hôn nhân. Ông xin phép ra ngoài hút một điếu thuốc. Ông đang giấu kín thật sâu trong lòng ông cái đêm mưa dữ dội bên bờ sông Vệ, lúc những hàng tre chao ngã cùng với nụ hôn biệt ly đẫm nước mắt cho một cuộc tình son trẻ. Khi đó ông còn trẻ quá, chỉ là một sinh viên đi thực tập, và bà ấy cũng còn quá trẻ. Để rồi lãng quên, để rồi nhòa khuất. Để rồi hôm nay khi xe vào con đường đất đỏ này, ông gặp lại trong một hoàn cảnh khác.

Người đàn bà ấy đã đi ra, đứng cạnh ông lúc nào không biết, trong khi mắt ông cứ nhìn con đường. Giọng bà ta rất nhẹ: “Hôm nay mời anh chị dùng một bữa cơm với gia đình. Tôi đã đặt sẵn ở nhà hàng…”. Bà không nhắc với ông cái đêm mưa bên sông Vệ, cái đêm mưa rồi chia tan, khác với cơn mưa ở cửa hàng bách hóa.

Khuê Việt Trường
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top