ClockChủ Nhật, 09/06/2024 11:31

Giả vờ

TTH - Từng cơn nắng cứ đổ ập xuống một cách mạnh mẽ, như cách mà chúng cậy mình trở thành nữ hoàng của mùa hè. Không ai có thể ngăn cản được sự sục sôi, không đến mức làm cho cây cối trở nên cháy trụi nhưng đủ để khiến sự oi bức lên đến cực điểm. Khắp nơi mà ngay cả trên bản tin thời sự cũng đưa tin về cái sự nắng ngợp trời này, khi đó, ba đi làm. Cơn nắng không quên ba, nó táp từng cơn vào gương mặt ba bỏng rát, mẹ với lấy cái bịt mặt đưa cho ba:

Tia nắng

- Ông cầm cái này quấn đỡ vào.

- Rồi lát bà lấy cái gì mang để mà dọn chợ.

- Còn cái nón chứ thây!

Nói vậy nhưng ba vẫn phẩy tay dắt con dream cũ kỹ lên đạp số mấy bận rồi mới rồ ga chạy được. Tôi non trẻ nhìn mẹ:

- Cái bịt mặt có mấy chục, lát mẹ ra chợ mua cho ba cái.

 

Mẹ chỉ cười. Thuở ấy tôi ngây ngô trước việc ba mẹ nhường nhau một cái bịt mặt mấy chục nghìn mà không hiểu giá trị của đồng tiền khi ấy. Đúng là có thể nó không tốn nhiều tiền nhưng với gia đình nghèo của tôi, hoặc trong quan niệm của ba mẹ tôi khi ấy, thà chịu khổ, chịu nắng nhưng đổi lại sẽ có thêm mấy chục nghìn để cải thiện bữa ăn. Những bận sau, theo cách của riêng mình, cả ba và mẹ vẫn nhường nhịn nhau từng điều trong cuộc sống, những lần “giả vờ đang tốt” cũng cứ thế nhiều dần lên tỷ lệ thuận với sự hy sinh và chịu đựng của chính mình.

Tôi nhớ năm ấy tôi bước vào năm cuối cấp một, khi ấy tôi vẫn còn trong độ tuổi ham chơi, mẹ lúc ấy trở bệnh nặng rồi từ đó không còn đi bán ngoài chợ được nữa. Mọi chi tiêu trong gia đình đổ dồn lên vai ba, ba thậm chí tăng ca hôm nào cũng đi làm thật sớm rồi về nhà rất trễ. Thậm chí có những ngày tôi còn không được thấy mặt ba vì ba đi khi tôi chưa dậy còn về khi tôi đã ngủ rồi. Tôi càng lớn lên học phí càng tăng cao và đủ thứ khoản chi tiêu, kể cả tiền thuốc thang cho căn bệnh của mẹ. Mẹ phải gượng dậy nhận thêm nhiều việc thủ công có thể làm tại nhà để đỡ đần cho ba. Khi ấy trường tôi mới chuyển đến khu đất mới, xung quanh nhà dân còn thưa thớt và phía trước trường có một con lạch nhỏ nước rất mát mẻ. Mùa hè năm nào cũng oi bức với quyền lực của nữ hoàng mùa hè, tháng cuối cùng trước khi được nghỉ hè càng trở nên nắng dữ, vì thế lũ nhóc chúng tôi mỗi khi ra chơi hoặc khi tan học vẫn hay ùa ra phía trước con lạch để mà trầm người. Con lạch dài chảy vắt vẻo quanh khu đất mới, nước nông thôi, ước chừng cao hơn đầu gối một chút, trong veo và rất mát lạnh, như đối lập với cả con nắng ở bên ngoài. Vì thế lũ trẻ chúng tôi rất thích. Ngày đó, vì nghịch nhiều dưới nước trong khi trời nắng, nhiều đứa trong đám chúng tôi bị sốc nhiệt, đổ bệnh không đi học được. Tôi may mắn khỏe hơn tụi nó nhưng tại vì biết ngày hôm đó có tiết kiểm tra nên giả vờ bệnh để được nghỉ học. Mẹ tôi khi ấy vì tái khám nên nằm viện không chăm được, ba tất bật dậy từ rất sớm nấu cơm mang vào viện cho mẹ, nhờ giường bên chăm hộ rồi lật đật về lo cho tôi. Ba xin nghỉ làm đến chiều vì chiều mẹ sẽ khám xong về, và sau đó tăng ca thức nguyên đêm để làm bù. Vì thế, ba đổ bệnh. Không phải chỉ vì một hôm làm ba bệnh mà là vì suốt khoảng thời gian qua ba đã gắng gượng rất nhiều.

Phải nói từ khi còn nhỏ ba như là người hùng của tôi, nên cảnh người đàn ông cao lớn với làn da đen sạm ấy nằm im lặng trên giường thở dốc vì lên cơn sốt khiến tôi cảm thấy vừa mất mát, vừa lo sợ với nhiều suy nghĩ ập đến. Tôi còn nhớ bàn tay to bè của ba đặt lên má tôi, tay ba còn to hơn cả gương mặt tôi khi ấy chỉ để nói:

- Không sao đâu, mai ba sẽ khỏe.

Như một phép màu, hôm sau ba gượng dậy để đi làm. Môi ba tái nhợt, hốc mắt hoắm đen thất thần nhưng khi nhác thấy bóng dáng tôi nấp sau cánh cửa phòng đã vội nói to:

- Ráng nghỉ ngơi cho mau khỏe đặng đi học nha con.

Cơn nắng bao trùm lấy ba, bao trùm cả sự hối lỗi của tôi trong cả mùa hè năm ấy. Lúc đó tôi mới hiểu được, tôi giả vờ ốm để nghỉ học, còn ba giả vờ khỏe chỉ để đi làm...

Khi tôi lên đại học, tôi học xa nhà. Rất lâu tôi mới về thăm nhà một lần, có khi cả năm trời vẫn không về được, vì tiền tàu xe mắc quá và cũng vì tôi cố gắng đi làm thêm để có tiền trang trải việc học, không muốn làm gánh nặng thêm cho ba mẹ. Dù thế với mức lương làm thêm có hạn của sinh viên, tôi vẫn nhận được những khoản tiền ba mẹ đều đặn gửi lên phố hơn là có thể tự trang trải được. Những lần tôi gọi điện về lúc nào ba mẹ cũng nói mình vẫn ổn, ở quê gì cũng không thiếu, rau đầy vườn, đổi bữa thịt cá, ba vừa nuôi thêm mấy con heo, dăm con gà, lại có trứng... Thế nên tôi cũng yên tâm hơn để tập trung vào việc học chỉ với quyết tâm có thể mau tốt nghiệp, kiếm được một công việc tốt hơn để có thể lo cho gia đình. Thi thoảng ba mẹ lại nhờ người gửi lên cho tôi những tấm hình chụp những bữa cơm đầy đủ và cảnh ba mẹ làm những việc trong nhà như đơn giản ngồi coi tivi, chăm gà ngoài vườn để tôi yên tâm biết rằng họ vẫn ổn. Có điều lần nào tôi ngỏ ý muốn về ba cũng dặn tôi thật kỹ:

- Về là phải nói ba ra đón, lâu con mới về xóm làng nó thay đổi cả rồi, không biết ngóc ngách nào mà tìm nữa.

Khi ấy tôi vẫn hay nghĩ tôi luôn nhỏ bé trong mắt ba mẹ mà không biết lại một lần nữa ba mẹ “giả vờ ổn” trước tôi. Khi tôi học năm ba, đã hai năm tôi không về vì tôi không chỉ lo hồ sơ học bổng rối rắm với việc học nên muốn tạo cho ba mẹ một bất ngờ là đột ngột về thăm nhà. Tôi không báo trước cũng vì sợ ba phải bỏ dở công việc để mà đi đón tôi, nhưng khi bước vào căn nhà nhỏ ở xóm quen mọi thứ như đập vào mắt tôi một sự hoang tàn không thể nào nghĩ tới. Căn nhà của tôi một góc vườn đã được rào lại như thuộc về nhà hàng xóm, chuồng lợn cũng chỉ còn mỗi một con, dăm ba con gà thả vườn mẹ vẫn hay gửi hình cho tôi xem cũng không thấy cứ như chúng đang tha thẩn tìm thức ăn ở đâu trốn nắng. Mái nhà quen thuộc mất đi một phần như dư âm của cơn bão vừa rồi trút xuống quê tôi chưa kịp lợp lại. Nơi chái bếp quen thuộc là hình ảnh ba má tôi đang quây quần ngồi ăn cơm. Khi tôi nhanh chân bước vào, như một sự phản xạ ba tôi vươn mình định che lấy mâm cơm chỉ có chén nước mắm và bát canh rau muống cùng mớ rau luộc vẫn còn hơi nóng...

Tôi chợt hiểu ra không phải cuộc sống ở dưới quê vốn ổn mà là ba mẹ tôi giả vờ ổn. Ba đã bán lợn để có tiền gửi lên cho tôi học. Đàn gà cũng chỉ là sang nhà hàng xóm chụp vờ gửi chứ nhà còn không có cái ăn lấy gì đặng nuôi thêm. Ba cũng đã nghỉ hẳn ở công ty để chuyển về lo việc đồng áng cùng mẹ, sợ mẹ kham không nổi. Bữa cơm đầy đủ hai người vẫn hay chụp gửi tôi chỉ là những lần hiếm hoi chụp để gửi tôi chứ đồ ăn chính vẫn là rau dưa qua ngày.

- Sao ba má không nói với con? Con ở trên phố đâu thiếu gì...

- Chứ sao bây về không nói - Ba nhìn làn da trắng của tôi chuyển sang ửng hồng vì đi bộ dưới nắng - Để nắng nôi thế này, đợi tí mẹ chạy ù ra chợ mua ít thịt về nấu cho con ăn. Không nói để phải dang nắng.

Thứ ba mẹ nhìn thấy chỉ là một chút nắng vươn lên người đứa con của họ mà không biết chính bản thân mình đã bao lần vì kế sinh nhai đã bị cái nắng này nuốt chửng.

Sau khi tốt nghiệp loại giỏi, tôi được phân công về quê công tác, làm giáo viên trường huyện. Ba mẹ rất tự hào về tôi, dù lương giáo viên không nhiều nhưng ít ra cũng có đồng ra đồng vào vừa có thể giúp ba mẹ chút ít, vừa có thể tự lo cho bản thân lại còn ở gần để chăm sóc ba mẹ. Được ít năm tôi cưới, cũng lấy một anh giáo làng, nguời cùng trong xóm, ngày tôi cưới, ba mẹ dành dụm đưa được ít vàng đặng gọi là của hồi môn, lại một lần nữa tôi nhận ra mọi lần tôi gửi tiền để ba mẹ có thể mua sắm cho bản thân, họ đều để dành cho tôi ngày vu quy. Lúc đưa dâu, ba không nói gì chỉ có mẹ thì khóc. Tiễn tôi ra tận cổng mặt ba vẫn lạnh tanh, tôi nghĩ ông cũng thấm mệt vì đã thức cả đêm lo chu toàn đám cưới vì họ hàng bên tôi ít, ít người đỡ tay chân. Thấy tôi còn luống cuống chưa muốn lên xe, ba phẩy tay đùa:

- Bây đi lẹ đi để đặng ba má còn dọn dẹp nghỉ ngơi. Lên xe lẹ đi chứ người ta “trả lại”.

Ước chừng tiễn tôi lên xe hoa xong ba đi vội vào nhà, tôi vội đi theo, ba không biết tôi đứng ngoài cửa phòng, bên trong tôi nghe tiếng ông nấc rất khẽ.

Ông giả vờ mạnh mẽ để tiễn tôi đi lấy chồng.

Lê Hứa Bảo Trân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cầu thang

Bà già nằm trên giường ngước mắt nhìn lên cầu thang. Bà nghe ngóng bước chân người lên xuống mỗi ngày. Dần rồi quen, nhắm mắt lại bà cũng đoán được chân của từng người.

Cầu thang
Tôn vinh giá trị gia đình

Hội thi “Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024” với sự tham gia của 8 đội thi đến từ các huyện, thị xã, TP. Huế diễn ra ngày 18/6 tại TP. Huế.

Tôn vinh giá trị gia đình
Nuôi lớn tình yêu với Tổ quốc

Mới đây, trên mạng xuất hiện đoạn clip về nhân viên một công ty tham gia lễ chào cờ đầu tuần. Khi bài hát Quốc ca vang lên tôi chắc rằng không chỉ bản thân mình mà bất cứ ai nghe, xem clip đều sẽ rất cảm động và tự hào về Tổ quốc mình.

Nuôi lớn tình yêu với Tổ quốc
Chị Phấn

Phòng nữ 101 của Trường cao đẳng Sư phạm “biên chế” sáu tiểu thư - sáu đứa nhưng lại đến từ sáu lớp. “Trưởng phòng” là chị Phấn.

Chị Phấn
Kiểu gì cũng vui

“Lúc lên cơn co giật, trong mộng mị nghe tiếng ba, tiếng mẹ gào thét đầy đau đớn, cho đến khi đối diện với cái chết, anh thấy mình khát sống bao nhiêu…”, anh An chia sẻ lại biến cố và những niềm vui, kế hoạch sắp tới. Tôi xúc động nghẹn ngào.

Kiểu gì cũng vui

TIN MỚI

Mua Back link chất lượng
Return to top