ClockChủ Nhật, 15/11/2020 15:02

Hoa xuyến chi

TTH - Chiếc xe tay ga di chuyển qua bậc cấp giữa phần đường và phần sân một cách nhẹ nhàng. Cái bậc cấp cao khoảng mười xăng-ti-mét không hề khó khăn so với động cơ một trăm năm mươi phân khối. Không một tín hiệu nào xuất hiện để An biết rằng có người đang vào nhà mình.

Người về để lạiThành phố trẻ

Căn nhà nhỏ nơi cuối đường như đứng khép nép về một phía bên cánh đồng mênh mông lúa, mênh mông gió. Nhà có hai mẹ con. Họ chỉ nói với nhau đôi lời khi thật cần thiết bởi câu chuyện không có gì mới mẻ. Lặp đi lặp lại với mong muốn duy nhất: “Lấy chồng đi con”. Lúc đầu, cô có thể mỉm cười rồi bỏ qua, nhưng càng ngày càng trở nên áp lực và càng không thể để ngoài tai. Ở cái tuổi ba mươi, người đời phải thấy được cơ ngơi rõ ràng như có nhà, có xe, có chồng, có con thì mới bỏ qua những bàn tán lao xao. Nếu những gạch đầu dòng trên dành cho mình, An lắc đầu và đi ra. Như một chuyến đi buôn dài, càng cố, càng mất sạch vốn liếng.

An ngồi xếp bằng trên ghế, trước mắt là chiếc máy tính, bên cạnh là cốc cà phê và trên bàn nổi bật với lọ hoa dại màu vàng trắng tinh khôi vừa hái chiều nay. Cô gõ rất nhanh, câu chữ đâu đó tuôn ra từ đôi bàn tay. Một vài ý tưởng lóe lên trong vấn đề mà cô muốn viết từ hôm về quê, đến giờ mới hiện diện rõ ràng. Điều đó át hẳn những lao xao phát ra từ chiếc tivi - thứ âm thanh gần như duy nhất của căn nhà vào buổi tối. Và cũng che đi phần tiếng động của bước chân vừa qua ngưỡng thềm nhà.

- Cà phê cho buổi tối chẳng tốt chút nào. Một chất giọng miền Trung đầm đậm pha lẫn với phần đuôi vuốt nhè nhẹ của người miền Nam vang lên.

Cô vừa ngẩng lên thì vừa lúc cái lúm đồng tiền bên trái của Bình xuất hiện. Một mái tóc rẽ ngang điệu đà như những năm 2000 càng làm cô bối rối. Quần jeans, áo phông và đôi giày thể thao càng làm cho anh chàng từ đâu rơi xuống đẹp như một bức tượng sứ. Cô bỏ đôi chân xuống đất, lúng túng đẩy cái ghế phát lên thành tiếng về phía sau và đứng lên.

- Đoán chừng em bất ngờ lắm nhỉ. Anh đến chơi sau lời giới thiệu của chú Hòa trong xóm. Em đang làm gì đó?

- Em đang viết ….

- Anh xin tự giới thiệu, anh là Bình, ở làng bên sông. Anh cũng vừa từ Nam về được hơn một tuần. Chắc là em không biết anh đâu, và anh cũng thế. Chúng ta làm quen nha.

“Phía ngoài trời hiu hiu những cơn gió nhẹ. Thật lâu tôi mới có dịp nghe tiếng ếch nhái kêu râm ran. Cả con chim chuyền cành rộn ràng khi chiều xuống phía hàng tre dưới nhà. Cảm xúc của những ngày ba mươi khi nghe lại phần âm thanh tuổi thơ này cũng khác. Như một bản nhạc mới toanh của lần đầu. Bí ẩn và đầy bất ngờ”.

An pha một cốc trà hoa xuyến chi mà cô vừa phơi xong chiều nay. Chiếc ly thủy tinh trong vắt càng làm cho màu vàng của loài trà này trở nên đẹp lạ lùng. Màu vàng lơ mơ như những buổi chiều hoàng hôn rực rỡ. Bình đưa hai tay ôm lấy cốc trà, hít lấy một hơi thật sâu. Mắt Bình cũng vừa nhắm kỹ để như thưởng thức trọn hương đồng gió nội. Rồi nhẹ nhàng đưa lên miệng nhấp lấy một ngụm.

- Nghề viết có gì vui vậy?

-  Với em, trước tiên nó là mưu sinh. Một tay viết lằng nhằng như em thì đó là cuộc mưu sinh giật cục.

- Thế nào là giật cục?

- Nghĩa là, mình chẳng rõ khi nào mình xong được bài viết, khi nào bài viết được đăng và khi nào thì nhuận bút tới tay. Và một lần đi hết quá trình, thì đó là một lần vui, nhưng vẫn là vui giật cục.

 “Về quê ở cái tuổi ba mươi thật không hề dễ dàng. Tôi cứ nghĩ rằng, mình sẽ thật hân hoan với ruộng đồng, khoai sắn nhưng ba mươi còn là độ tuổi mà bao bà mẹ sốt ruột khi con gái vẫn mang cái tính từ một chữ “ế”. Tôi đâu có muốn thế, nếu có một người yêu thương, dại gì không lấy. Nếu có một người muốn đồng hành, tôi đâu thể bỏ qua. Như mối tình năm năm của mình, cũng bốc hơi sau vài phút. Hay yêu lâu sẽ là như thế, tôi không rõ”.

- Thế còn anh, anh làm gì?

- Anh nghĩ, mình sẽ sống những năm tháng nghỉ hưu ở tuổi ba lăm này. Với đồng lúa, cỏ xanh, với em và cốc trà này nữa nhỉ. Mà hoa này là hoa gì?

- Hoa xuyến chi

- Cái tên hay quá vậy ta. Vẫn là thứ thanh âm lẫn lộn hai miền Nam – Trung.

“Có một loài hoa mà tôi rất yêu thích, tên nó là xuyến chi. Loài hoa được sinh ra để dành cho những kẻ cô đơn. Nhưng tôi không nghĩ thế, bởi xuyến chi luôn hướng về nắng ấm như con người hướng về hạnh phúc. Xuyến chi không chọn mùa, lúc nào cũng thong dong chờ khoe những cánh trắng mỏng manh ôm lấy phần nhụy vàng. Xuyến chi cũng không kén chọn nơi mọc lên. Rìa đất ven sông cũng tốt tươi như khi cheo leo trên vách đá. Cái loài hoa mạnh mẽ đến lạ thường. Biết bao quãng ấu thơ đi qua điều đẹp đẽ đó mà đôi khi chỉ biết nó tồn tại với những lần bám gấu quần dứt mãi không xong”.

- Sao anh Bình lại về quê?

- Anh không rõ. Một lực hút nào đó ở quê nhà kéo anh về, dù trong đầu chưa có chút định hình gì khi mà cả thế giới cũng trong cơn chao đảo. Cuối cùng, anh về.

- Đến giờ anh có thấy lựa chọn đó đúng không?

- Anh thấy vừa đúng khi được ngồi đây nói chuyện với em.

“Trong vườn nhà có một đám xuyến chi. Loài cây dại này giúp tôi bao nhiêu thứ. Hoa làm trà, hoa trang trí cho chiếc bàn con con mỗi lần ngồi viết bài, cả những chiếc lá non xanh xào cùng tỏi mỗi bữa ăn. Hơn hết, tôi có những buổi sáng ngồi thảnh thơi ngắm hoa cười trong gió. Vậy mà hoa chỉ khép nép mọc dại bên vườn”.

- Em có thích ăn tôm không?

An nhíu mày khó hiểu bảo không.

- Nhưng sao lưng em cong quá nhỉ? Ngồi thẳng lên xem nào. Mà anh nghĩ, tóc dài hợp với em hơn đó.

An ngồi thẳng lưng lại, mặt đỏ lừ như những ngày xưa phạm lỗi. Bình cũng nói thêm vào “Những người đi tán gái không ai dám nói vậy đâu. Chỉ có anh mới làm điều dại dột đó thôi. Bởi anh muốn điều tốt hơn cho em”.

“Không biết do yêu xuyến chi hay không mà tôi thấy mình giống nó. Hứng đủ bao gươm giáo vào người vẫn thấy mình chưa đủ lớn, chưa đủ tự tin để mọc hiên ngang trong mảnh vườn riêng của chính mình. Bức tranh nhiều màu sắc mà tôi thấy bao ngày qua trở nên sáng chói. Thế giới của những lời ngọt ngào nuốt chửng tôi đi đâu đó. Tôi dường như thật nhỏ bé, thật yếu ớt và thật nhiều những điều không hoàn hảo”.

- Mấy bữa thôi mà em tròn quá rồi đó!

- Cái nghề “giật cục” có nuôi nổi em không?

- Sao lại chau mày như thế nhỉ?

 “Xuyến chi không có những bông hoa đều cánh, không có gam màu mê hoặc. Không thể rực rỡ như hoa mai, không điệu đà như đóa hồng cổ Huế, cũng không thể thanh cao như nhánh nghinh xuân quý giá. Nhưng tôi yêu xuyến chi vì những điều không hoàn hảo như thế. Tôi có thể ngắm đám xuyến chi đang nở, tầm hoa xâm xấp như biển trắng dập dờn với nhụy vàng, lá xanh. Rồi băn khoăn tự nghĩ, liệu cuộc đời có thật hoàn hảo nếu chỉ có những cái đẹp được phô ra? Tôi nghĩ rằng, có tình yêu mới có thể nhìn những điều không hoàn hảo thành hoàn hảo. Đó dường như là cách duy nhất để có thể yêu được con người, yêu được cuộc sống”.

Những buổi nói chuyện với Bình thưa dần. Sự thú vị, niềm hy vọng của buổi ban đầu trôi đi đâu đó. An thấy mình thôi được làm chính mình trong những lần gặp gỡ. Chỉ còn là một cái xác gắn đầy hoa nhựa để cố tỏ ra mình đẹp, mình hoàn hảo như người đàn ông trước mắt mình.

“Chỉ khi không còn được làm mình nữa thì sẽ sống những tháng ngày loay hoay của tìm kiếm. Anh của những vỏ bọc. Tôi của những mảnh ghép chắp vá. Cứ xoáy theo người khác thì sẽ không giữ nổi hạnh phúc mà mình đang có. Cảm ơn anh đã đến để chính mình biết yêu thương bản thân hơn. Tuổi ba mươi chỉ cần là chính mình thôi là đủ để một sớm mai biết ngồi thong dong ngắm đám xuyến chi hoang dại xôn xao trong gió rồi tự mỉm cười thật tươi”.

YÊN THƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top