ClockChủ Nhật, 11/09/2022 15:39

Khói tóc…

Bảo anh ấy về nhà ăn cơmSớm mai hoa hồng nởVào lớp một

Bà cụ khép lại cánh cửa nhà mà không thể quay bước rời đi. Cả đời bà chưa bao giờ ra khỏi lũy tre làng, càng chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ rời bỏ căn nhà nhỏ của mình. Nơi đây lưu giữ mọi ký ức của bà, từ khi còn là cô gái mười tám, đôi mươi theo về nhà chồng lơ ngơ đứng ngoài bậc cửa. Rồi cả đời cúi xuống sống phận làm dâu vun vén nhà chồng, sinh con đẻ cái, nuôi dạy chúng nên người. Bà không nhớ đời mình đã đi qua bao mùa đói kéo dài, bao nhiêu vui buồn, tủi cực. Nơi đã gắn cả đời bà với ngọn lúa, củ khoai, tình làng nghĩa xóm, họ hàng thân thuộc. Bà chưa từng nghĩ lúc cuối đời lại rứt áo ra đi. Nhưng cứ lần nữa mãi nghe con cháu giục hoài cũng phiền lòng. Chúng thì bận trăm công nghìn việc mà thỉnh thoảng cứ phải đi cả đoạn đường dài dằng dặc hơn trăm cây số về quê thăm nom mẹ già, kể cũng tội. Thôi thì… Tay bà buông dần từng ngón khỏi cánh liếp tre khi nghe tiếng con dâu giục:

- Mình đi thôi mẹ kẻo trời tối, đường thì xa lắm.

Bà lên xe, cố ngoái đầu nhìn lại ngôi nhà và mảnh vườn thân thuộc đến tận khi khuất bóng đường làng. Mắt bà nhòa đi không biết vì khói chiều lọt qua cửa xe hay là vì nước mắt. Anh con trai cả càu nhàu:

- Con đã dặn mẹ đừng mang theo đồ. Dưới phố đâu có thiếu thứ gì. Kể cả quần áo, mẹ xuống đến nơi con gọi người ship cho chục bộ tha hồ mà mặc.

- Thì cũng có gì đâu. Mẹ chỉ mang theo di ảnh bố anh, vài bộ quần áo mặc mãi đã quen thớ vải. Thêm cái đài đêm nghe dự báo thời tiết, nghe đọc truyện đỡ buồn. Mẹ tính mang theo con mèo mà…

- Trời ơi, con gửi tất sang nhà cô út rồi. Mèo sống ở quê chạy nhảy leo trèo quen rồi. Xuống dưới phố, nhà cửa chật chội nó ở không quen đâu mẹ.

- Ừ. Tội nó…

Bà cụ tựa đầu vào cửa kính xe mắt nhìn ra đồng ruộng bên đường, lòng đầy lo lắng. Bà không biết nơi mình sắp đến sẽ thế nào? Nghe nói nhà ở phố chật chội, mà cuộc sống cũng khác quê nhiều lắm. Bà già rồi, mọi thứ đều cũ kỹ cổ hủ không biết có làm con cháu phiền lòng. Xe lao đi hun hút trên đường cao tốc. Thành phố dần hiện ra trước mắt bằng những tòa nhà cao tầng nhấp nháy ánh đèn. Chưa gì bà cụ đã thấy lạc lõng trong hành trình xuống phố. Bà ước gì có thể quay xe, trả bà lại trong căn nhà gỗ nhỏ. Giờ này lũ gà ở quê đang lục đục vào chuồng. Đám dơi từ đâu bay tán loạn ngoài sân rồi biến mất khi bóng tối bao trùm. Con chó nhỏ, con mèo mướp chạy đến quấn bên chân chủ đòi ăn. Phố sáng quá, mắt người già lóa đi không quen. Con dâu tỉnh dậy sau giấc ngủ, ngó ra ngoài cửa kính bảo:

- Trôi qua cây cầu này là vào thành phố. Cũng sắp đến nhà rồi mẹ ạ. Mẹ đã đói chưa? Hay mình vào quán nào đó ăn cho nhanh mẹ nhé. Mẹ thích ăn gì?

- Mẹ ăn gì cũng được.

- Thôi. Về nhà nấu ù cái là xong. Mẹ không quen cơm hàng cháo chợ đâu em.

- Vâng. Mẹ cứ yên tâm, chúng con bận thật nhưng ngày nào cũng sẽ về ăn cơm với mẹ.

Bà khẽ gật đầu, không làm sao nói với các con về những lo lắng trong lòng. Quê nhà đã lùi lại quá xa. Hơn tám mươi tuổi mà bà bỗng thấy mình như đứa trẻ, lơ ngơ trước thế giới hào nhoáng và xa lạ. Lúc vừa bước xuống đường, tiếng còi xe vang lên khiến bà giật mình thon thót, tay níu lấy vạt áo con. Đây là lần đầu tiên bà xuống nhà con trai cả. Trước đây vài lần con đòi đón xuống chơi nhưng bà không chịu vì phải chăm đàn gà, con chó, trông nom vườn tược cửa nhà. Giờ đứng trước ngôi nhà cao tầng nhưng nhỏ xíu bà buột miệng hỏi:

- Con sống ở đây sao?

- Vâng ạ. Nhà hơi chật so với quê. Nhưng ở phố được căn nhà thế này là tốt lắm rồi mẹ. Phố này trung tâm, nhà cửa đất đai đắt đỏ lắm mẹ ạ.

- Thật đấy mẹ ạ. Cái nhà này tuy nhỏ nhưng bán đi mua được mấy cái nhà ở quê đấy mẹ. Cô con dâu vui vẻ góp lời.

Bà gật gật đầu. Nhưng trong lòng nghĩ đắt đỏ thế sao phải ở một nơi chật chội thế này? Bà ngồi co ro trong bốn bức tường, tiếng đồng hồ quả lắc vọng lại rõ to khiến bà thấy nhồn nhột trong người. Cơm canh thành phố khó nuốt quá, hay tại bà không quen ngồi trên bộ bàn ghế mạ vàng bóng nhoáng. Không quen dùng bát đũa cũng mạ vàng, bóng nhoáng. Tay bà đã run, đũa thì trơn trượt gắp mãi không được thành ra chán chẳng muốn ăn. Ở nhà bà cứ ngồi trên chiếc ghế gỗ con con, mâm để dưới đất thế là thong thả ngồi ăn. Bát có cái sứt ăn hoài cả năm, chẳng phải nhà thiếu bát mà cứ quen tay. Đũa tre rẻ tiền nhưng không cong vênh, trơn trượt. Thằng cả về lần nào cũng “mắng” khi thấy những bộ bát đũa mới mua về đều bị bà cất gọn gàng trong tủ. “Số mẹ sướng không biết đường mà sướng”. Mỗi lần mở tủ lạnh thấy cá hồi, thịt bò, tôm sú vẫn còn nguyên là con trai chỉ biết lắc đầu. Trên chiếc giàn bát cũ lúc nào cũng thấy có cá khô, cà muối, tép kho tương. Bà móm mém cười: “Mẹ ăn thế cả đời quen rồi. Giờ có cho ăn sơn hào hải vị cũng không thấy ngon đâu”. Thằng cả chỉ biết thở dài, nghĩ công ơn cả đời mẹ vất vả nuôi nấng mấy anh em giờ muốn báo đáp lúc tuổi già mà sao khó quá. Nàng dâu cũng hiền lành, hiếu thuận nên gật đầu ngay khi chồng tính chuyện đón mẹ xuống phố. Thêm người thì thêm đũa thêm bát. Thêm được một ngày gần bên chăm sóc mẹ là thêm phúc phận.

Bà cụ hàng ngày đều ngồi trước cửa nhà nhìn ra đường. Thật ra không phải bà cụ thèm nhìn người qua lại hay trông ngóng cái gì. Mà bà cứ dõi nhìn sang phía nhà hàng xóm, nơi ấy có trồng mấy cây xanh. Những chú chim thường ghé đến lúc vắng người. Tiếng hót đánh thức thính giác của một bà cụ đang ngồi nhớ quê nhà quay quắt. Nhớ góc bếp bám đầy bồ hóng. Nhớ góc vườn con gà, con vịt bới giun. Nhớ những tán cây xanh mát rì rào gió bốn mùa. Nhớ khói bếp thơm mùi dầu của gỗ tràm, bạch đàn tỏa ra trên ngọn lửa. Bà cụ đưa tay áo lên mũi ngửi, mùi của khói lẫn trong từng sợi vải hôm nào cũng đã phai dần thay bằng mùi nước xả. Buổi trưa con dâu tất tả chạy từ chỗ làm về nhà cơm nước cho bà rồi lại vội vàng đi. Thương con bà tập cách bật lò vi sóng hâm nóng chút thức ăn là được để khỏi ai phải chạy đi, chạy lại. Ngồi ăn cơm một mình mà bà cứ ngó xuống dưới chân tìm con cho,́ con mèo để quẳng cho cái xương, miếng thịt. Nhưng chó mèo không có, nhà thành phố chật thế, nhìn đâu cũng thấy bốn bức tường.

Bà cụ ốm. Đối với người già ốm đau là lẽ thường tình, nhưng với bà cụ thì khác. Trước đây gần như rất hiếm khi bà ốm. Bà tuy ăn uống đạm bạc nhưng thanh sạch, lại luôn tay luôn chân nên cơ thể khỏe mạnh không bệnh tật gì. Nhà đủ thứ thuốc nhưng bà chẳng mấy khi dùng đến. Ho hắng chỉ cần uống mấy ngụm hoa đu đủ đực ngâm mật ong hoặc ngậm mấy lát mứt gừng là xong. Con dâu về quê hay hỏi “mẹ trồng gì mà chi chít khắp vườn, toàn cây cối linh tinh”. Làm gì có cây cối nào không có phận sự của mình. Cây lớn cho bóng mát, hoa thơm, quả ngọt. Cây bé để làm thuốc chữa bệnh, làm rau nấu ăn. Quanh năm bà chẳng cần chợ búa, cứ rau trong vườn, trứng gà nhà, tôm cá dưới ao. Xuống đây bà lạ nước lạ cái. Rau củ, thực phẩm ngoài chợ mua ăn vào lạ bụng. Bà ốm nằm đó miên man nhớ tới quê nhà. Căn phòng chật chội quá, bà nhờ con dâu dìu ra trước cửa nhà để hít thở chút không khí. Thằng cả nói:

- Hay là con mua một gốc cây cổ thụ về trồng trước cửa nhà mình cho mẹ vui nhé?

- Thôi con à. Bứng một thân cây từ nơi khác về trồng chắc gì nó đã sống được. Cây cỏ cũng như con người vậy…

Thằng cả nghe xong bỗng sững người. Cứ ngỡ ép mẹ lên thành phố để an dưỡng tuổi già có ai ngờ lại làm khổ mẹ. Bà cụ từng nói với các con “người già ăn uống là bao. Có chăng là ăn khói ăn sương, ăn ký ức”. Thế mà gần bốn mươi tuổi rồi thằng cả mới thấm thía được lời mẹ nói. Trông thấy mẹ cứ ốm yếu dần đi, cơm ngon canh ngọt cũng không sao nuốt nổi. Có đêm bà cụ còn thức dậy định mở cửa đi ra ngoài. Hỏi đi đâu thì bà bảo “đi tìm trăng”. Thành phố nhốt ánh trăng đâu đó trên những tòa nhà cao tầng, mắt bà cụ đã mờ làm sao nhìn thấy được. Nếu có cũng chỉ là ánh trăng trong ký́ ức đã dẫn bà đi. Ánh trăng có mùi hương cau thoang thoảng lẫn cả mùi của lá chuối khô. Ánh trăng gọi rằm về, bà thắc thỏm không biết ở nhà con út có nhớ sang hương khói hay không. Thằng cả nhìn mẹ lúc nhớ lúc quên, bữa ăn bữa nhịn mà thấy đau lòng, liền bàn với vợ:

- Có khi đưa mẹ về lại quê em à. Biết đâu thấy quê nhà mẹ vui khỏe lại.

- Nhưng mẹ già rồi. Để mẹ một mình nhỡ trái gió trở trời.

- Ở quê còn cô út. Anh sẽ nhắc cô út ngày nào cũng đáo qua thăm mẹ. Chứ để mẹ ở đây anh nhận ra không ổn chút nào.

Sáng hôm đó bà cụ được các con đưa trở về quê. Bà liên tục nhìn ra cửa kính xe hỏi các con còn bao lâu nữa thì đến? Lúc nhìn thấy lũy tre làng cong cong đón gió bà cụ lấy tay áo lau nước mắt. Xe về đến cổng nhà đã thấy cổng mở sẵn. Cô con gái út đang quét lá rụng đầy sân. Lũ chó mèo thấy chủ về mừng quýnh quáng quấn lấy chân bà cụ. Thằng cả thấy mẹ như chưa từng đau ốm. Sau khi thắp hương cho ông bà tổ tiên, cho người chồng quá cố bà khoan thai thăm sân trước vườn sau. Thăm hết vườn rau đến ao cá. Tiếng bà hỏi han xóm giềng văng vẳng ngoài hàng rào. Cô con út đứng nhìn mẹ hồi lâu, xúc động nói với anh chị: “Mẹ về đến cái cây ngọn cỏ cũng vui. Anh chị cứ yên tâm xuống phố, ở nhà đã có em và xóm làng thân thuộc”. Cô con dâu ngó trời sắp tối liền theo mẹ vườn nhặt củi. Tối nay vợ chồng chị xin mẹ một bữa cơm quê, ngủ một đêm trong căn nhà gỗ cũ. Lúc ngồi trong bếp nấu cơm, con dâu nhìn từng làn khói lẫn trong màu tóc mẹ. Lòng chợt thấy bùi ngùi…

BÙI MAI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top