ClockChủ Nhật, 07/07/2019 16:50

Mẹ vợ

TTH - Hai bố con Thiều về đến đầu làng thì gặp đám chuồn chuồn bay loạn xạ, có lẽ trời sắp mưa. Bé Mít thích thú reo lên khi nhìn thấy những con chuồn chuồn ớt vờn trên ngọn cỏ may. Con ngồi sau xe ríu rít nói cười, thỉnh thoảng lại nhấp nhổm tìm nhà bà giữa những lùm cây xanh ngát.

Vũ điệu ngày nắng

Lần nào được về quê ngoại Mít cũng vui như thế, từng ngọn cây cọng cỏ đều khiến con hào hứng. Khói bếp nhà bà kìa bố ơi. Biết con về thể nào bà cũng nấu canh rau sắn. Đang mùa xoài đấy bố ạ, hôm qua bà gọi bảo về nhanh kẻo hết. Không biết con bò đã đẻ chưa bố nhỉ? Bà nói nếu thích sẽ cho con chú bò bê về thành phố mà nuôi. Nhưng thành phố làm gì có cỏ đâu bố nhỉ? Mà bê con xa mẹ chắc là buồn lắm. Con bỗng nhiên im bặt, gieo vào lòng người bố một nỗi buồn xa xót. Trời chiều nhập nhoạng, trên đường quê từng đàn trâu lững thững về chuồng. Thiều rẽ vào ngõ nhỏ, chạy xuyên con đường rợp bóng tre là đến cổng nhà mẹ. Con chó cộc sủa vài câu thì nhận ra người quen. Nó quẫy đuôi mừng quýnh khi thấy bé Mít xuống xe. Trong bếp, người mẹ già bước ra từ màn khói đặc dụi mắt. Hai bố con cái Mít về rồi đấy à? Lại bà xem có lớn không nào? Ái chà, cháu gái bà cao như cái sào rồi, chẳng mấy mà thành thiếu nữ. Thôi đi tắm cho mát rồi ăn cơm. Có mấy món mà hai bố con thích đấy. Mẹ nói xong lại lẫn vào màn khói. Thiều ngồi ở bậc thềm lòng bỗng nhiên chùng xuống. Thấp thoáng trong mắt anh là hình ảnh Miên luồn qua những tán xoài hái quả. Thỉnh thoảng lại ngẩng lên bảo chồng “về quê là thích nhất. Chỉ về quê em mới thấy mình được thở”. Mới đấy mà đã bảy năm rồi…

Bữa cơm chiều được bày ra trên chiếc chõng tre ở ngoài thềm. Cơm của mẹ cả đời Thiều ăn chắc cũng không biết chán. Canh rau sắn ngâm chua, cà pháo giòn tan, rổ rau má mát lành ăn sống. Lần nào về mẹ cũng kho món tép sông béo ngậy mà Thiều thích. Có cho thêm quả ớt vừa cay vừa đượm. Mẹ cười bảo “đúng là vợ chồng có khác. Từ nhỏ cái Miên đã mê món tép sông này. Nhà nghèo quanh năm cá tép, ấy vậy mà nó đâu có chán”. Tay mẹ quờ đến chiếc bát không, đôi đũa còn đặt ngay ngắn trên miệng bát. Bao nhiêu năm đã trôi qua mà mỗi lần thấy bố con Thiều về mẹ vẫn lấy dư bát đũa như thể Miên vẫn còn sống vậy. Khung cảnh không có gì khác cả. Một căn nhà cấp bốn bạc phếch màu sơn. Sân trước nhà lần nào Thiều về cũng nhiều rêu. Cây cối vẫn bốn mùa ra hoa kết trái. Chỉ có bé Mít lớn lên, mẹ già đi còn Thiều thì nhiều suy tư hằn theo năm tháng.

Lần đầu tiên theo Miên về thăm quê mẹ vẫn còn trẻ lắm. Tóc búi cao, thoăn thoắt đôi tay hái những búp chè non. Miên còn đùa “con theo chồng hay là mẹ cũng đi bước nữa”. Mẹ cười hiền hậu, hàm răng còn trắng đều tăm tắp. Mẹ mặc chiếc áo màu hoa cà, mười đầu ngón tay đen đúa nhựa chè vội chụm củi nhóm bếp nấu cơm. Ngày cưới, Miên khóc sướt mướt vì phải bỏ mẹ lại một mình. Mẹ ngồi ở đầu giường gượng cười bảo “mẹ còn khỏe, cả năm đâu có ốm đau gì mà con lo. Sau này thương mẹ thì cho cháu ngoại về thăm quê thường xuyên là được”. Giờ tay mẹ xới cơm cũng thấy run. Mái tóc đen ngày xưa đã rụng đi nhiều, lơ thơ sợi bạc. Răng của mẹ gãy mấy chiếc trước cửa, ăn uống khó khăn. Đã mấy lần Thiều giục đi trồng răng giả mà mẹ cứ gạt đi “chờ rụng cả hàm thì đi làm một thể”. Có đêm Thiều mơ thấy Miên về rầy la mình không quan tâm đến  mẹ.

- Bà ơi, hồi còn nhỏ mẹ cháu thích chơi những trò gì ạ?

- À, nhiều lắm. Thả đỉa ba ba, rồng rắn lên mây, que mốt que mai, ô quan, ô phạch… Chao ôi thiếu gì trò để chơi. Mẹ cháu cứ làm xong việc nhà là lủi đi chơi đến tối chẳng biết đường về. Có hôm bà phải vác roi đi tìm đấy.

- Thế bà có đánh mẹ cháu không?

- Không cháu à. Thịt da nào chẳng đau. Chỉ người dưng mới không thương nhau thôi cháu.

Mấy câu cuối như găm vào ngực Thiều, vết nhọn của ngôn từ còn sắc hơn cả lưỡi dao. Có thể mẹ không cố ý nhằm vào nỗi đau của Thiều nhưng cái chết của Miên mãi là nỗi ám ảnh với những người còn sống. Bố mất từ khi Miên còn rất nhỏ. Một mình mẹ vất vả mưu sinh nuôi Miên qua những mùa đói kéo dài. Mẹ chưa bao giờ tính chuyện đi bước nữa dù không ít người thương chỉ vì sợ người ta sẽ ngược đãi con mình. Miên lớn lên trong tình yêu thương của mẹ, chưa từng nghĩ sẽ có ngày rời xa quê nhà với những gì thân thuộc nhất. Ngày vác ba lô xuống thành phố nuôi ước mơ đèn sách, Miên có hứa nhất định sẽ trở về sống gần mẹ lúc tuổi già. Nhưng số phận đã níu Miên lại thành phố bằng tình yêu đối với Thiều. Dù Miên luôn thấy mình lạc lõng giữa những đua chen vật lộn chốn thị thành. Miên cứ nghĩ về nhà Thiều làm dâu là mình có thêm một gia đình. Đâu ai ngờ cuộc sống ở nhà chồng đã đẩy Miên vào bi kịch. Sau này nhiều lần Thiều tự hỏi lúc Miên cô đơn nhất mình đã ở đâu? Lúc Miên cần một người bao bọc chở che thì Thiều đã làm gì?

Hôm Miên tìm đến cái chết Thiều vẫn cứ nghĩ chỉ là một cơn ác mộng. Mấy chuyện mẹ chồng nàng dâu nhà nào chẳng có. Thiều chỉ mải mê làm ăn, suốt ngày đầu óc chỉ nghĩ đến công trình. Cuối tháng quẳng cho vợ ít tiền cứ nghĩ mình đã là người chồng tốt. Đâu biết Miên phải một mình chống lại những hà khắc, tị hèm, soi mói ở nhà chồng. Đâu biết nhiều bữa cơm Miên phải nuốt nước mắt vào trong, nhiều đêm dài chỉ ước mình thành con dế con chim tìm về với mẹ. Những mệt mỏi rã rời tổn thương cùng cực đã khiến Miên bị khủng hoảng tinh thần. Miên không còn kiểm soát nổi lời ăn tiếng nói. Nhất là sau khi sinh bé Mít được ít ngày thì Miên gần như bấn loạn. Thiều về thăm vợ con được mấy ngày rồi lại phải xa nhà, đi theo công trình mãi tận miền Trung. Công việc còn bộn bề dở dang thì Thiều nhận được điện thoại của mẹ gọi về họp gia đình gấp. Khi về đến nhà Thiều chỉ nhìn thấy những đổ vỡ ngổn ngang. Thấy cả gia đình hùa vào buộc tội Miên không ngớt. Trong cơn nóng giận Thiều đã đánh mất đi lí trí, trở thành kẻ vũ phu lao vào Miên như một con thú dữ. Để suốt quãng đời còn lại Thiều sống trong ám ảnh tội lỗi trước cái chết của Miên. Nếu Thiều biết quan tâm thì đã không để Miên phải sống chung với những hằn học của mẹ và các em chồng. Thiều đâu biết những người đàn bà mà mình yêu thương lại có thể sát thương nhau bằng lời nói. Để rồi đẩy Miên rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh. Và những cái tát của Thiều giống như nhát dao đâm vào trái tim người vợ trẻ. Miên đã chọn cách tự kết liễu cuộc đời mình bỏ lại cho Thiều đứa con thơ chưa đầy hai tháng tuổi. Đôi lúc trong những ngày tháng cô đơn cảnh “gà trống nuôi con”, Thiều xót xa thốt lên “Miên ơi, em dại quá”. Nhưng có ích gì…

Buổi tối ở quê vợ yên bình lắm. Cơn mưa rào lúc chập tối khiến không khí càng thêm trong lành. Thiều nằm ngoài hiên nghe tiếng ếch nhái kêu dưới đồng, lòng hiu hiu gió. Hương bưởi thoảng vào gợi nhớ mùi hương trên tóc của Miên. Nhớ những buổi sáng hiếm hoi vợ chồng Thiều đèo nhau trên con phố nhỏ. Đang đi thì Miên níu áo Thiều kêu dừng lại, bên lề đường mẹt hoa bưởi của bà cụ già trắng ngần và thơm ngát. Miên mua một ít mang về nhà, chùm để đầu giường, chùm mang gội đầu, chùm phơi ngoài nắng. Miên nhìn hoa là thấy nhớ mẹ, nhớ quê. Nên cứ kể hoài về những ngày ấu thơ, khi tâm hồn còn như những cánh hoa trong trắng. Đang miên man hồi tưởng thì Thiều nghe tiếng chân mẹ loẹt quẹt đi ra.

- Muộn rồi, sao mẹ không đi nằm cùng cháu? Ngoài này gió lắm mẹ ạ.

- Cái Mít ngủ rồi. Có cái nết ngủ hệt như mẹ vậy. Đặt lưng xuống đã thấy thiêm thiếp thở đều.

- Cháu đang tuổi ăn tuổi ngủ. Mà được về quê vui quá, cả tối cứ chạy nhảy quanh bà chắc là thấm mệt.

- Thiều này. Mẹ có chuyện này định nói với con đã nhiều lần. Vợ con mất cũng đã lâu rồi, nỗi đau nào rồi cũng phải quên đi để sống. Cái Mít cũng đã lớn để hiểu chuyện. Nếu con thương ai thì cứ đi bước nữa.

Thiều lặng người sau câu nói của mẹ vợ. Suốt bao nhiêu năm nay một phần vì hình ảnh Miên vẫn ấm áp trong tâm trí. Một phần cũng vì cảm giác tội lỗi nên Thiều không bao giờ dám nghĩ đến tình cảm riêng tư. Anh cố gắng làm việc để lo cho đứa con gái thiệt thòi mất mẹ từ khi còn đỏ hỏn. Thiều cũng muốn thay Miên chăm sóc cho mẹ lúc về già. Bấy nhiêu thứ trách nhiệm trên vai thử hỏi lòng dạ nào còn nghĩ đến việc đi bước nữa. Cái chết của Miên càng khiến Thiều không tự tin mình sẽ mang đến hạnh phúc cho một người đàn bà nào khác.

- Con định sẽ ở vậy nuôi bé Mít khôn lớn thành người mẹ ạ.

- Sau này bé Mít lớn lên cũng sẽ có cuộc sống riêng của nó. Khi đó con sẽ phải thui thủi một mình. Ai cũng cần phải có người đầu ấp tay gối để gánh vác, sẻ chia và nương tựa vào nhau lúc về già. Mẹ chỉ có một mình, càng về già càng thấm thía cô đơn con à. Cái Miên của mẹ coi như phận mỏng. Con đừng ôm mãi chuyện xưa…

Thiều quay sang nhìn mẹ. Hình dung ra tối nào mẹ cũng ngồi một mình trong ánh đèn đỏ quạch dõi ánh nhìn mông lung về kí ức. Thiều bận bịu, một năm chỉ cố gắng về thăm mẹ được vài lần. Những cuộc điện thoại cũng thưa thớt dần đi vì Thiều sợ chạm vào nỗi đau của mẹ. Thi thoảng mẹ nhờ hàng xóm bấm máy gọi để hỏi thăm bé Mít. Chiều nay Thiều về đến đầu làng nghe người ta níu lại kể tháng trước mẹ ngã ngoài sân bị rạn xương phải thuốc thang băng bó mãi. Hàng xóm phải chợ búa, qua lại cơm nước giúp mẹ cả tuần. Vậy mà lần nào Thiều gọi về mẹ cũng vờ như đang khỏe lắm. Mẹ kể chuyện con chó con gà, chuyện hàng xóm ghé chơi, chuyện sáng đi chợ kiếm được ít tép sông ngon lắm. Để rồi lại hỏi như mong ngóng “chừng nào con về?”. Tiếng gà báo canh bỗng vang lên. Thiều quay sang giục mẹ:

- Muộn rồi mẹ ơi. Mẹ vào nằm với cháu đi ạ. Con cũng phải đi ngủ để sáng mai dậy sớm lên chợ huyện mua vôi về quét sân cho đỡ trơn. Ở nhà có một mình, những hôm mưa gió sân trơn mẹ đừng đi lại nhiều kẻo ngã.

- Chiều mai bố con anh lại phải về thành phố đúng không?

- Vâng mẹ. Để thứ hai cháu còn phải đến trường. Mẹ đừng buồn, hè này con cho cháu về ở hẳn với bà mấy tháng. Con cũng mua cho cháu cái điện thoại để hôm nào học bài xong cháu đều có thể gọi trò chuyện cùng bà.

- Được thế thì tốt quá. Mà chừng nào cái Mít mới được nghỉ hè con nhỉ?

- Cũng sắp rồi mẹ ạ. Nhanh thôi…

BÙI MAI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nắng xuân

Trầm không muốn con mình sẽ lớn lên như biết bao đứa trẻ ở đây, sống một cuộc đời giản đơn nghèo mơ ước. Trầm phải tìm một vùng đất hứa…

Nắng xuân
Return to top